Cô gái ung thư xương: 'Giữ được chân là hạnh phúc'
Một sáng tháng 7 nóng nực, Hòa được người bác đèo xe máy đến khu đô thị Linh Đàm. Cô tập tễnh xuống xe, thân hình nhỏ nhắn, gầy gò, bước đi chậm. Khi gặp hàng rào chắn, chỗ mấp mô, cô ngừng một chút, tìm chỗ vịn rồi co chân phải bước qua trước. Đoạn đường người bình thường đi 5 phút, Hòa đi mất 10 phút. Có người muốn dìu cô xuống cầu thang, Hòa từ chối, tự đi hết các bậc.
Hòa mắc ung thư xương thể ác tính, từng trải qua ba lần phẫu thuật để điều trị bệnh và giữ lại đôi chân. Cô là bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam được thay toàn bộ xương đùi bằng dụng cụ kim loại, ca mổ thành công vào đầu tháng 3. Hiện, Hòa đã hồi phục sức khỏe, không còn điều trị hóa chất, tập vận động tại nhà.
Cú sốc
Quá trình điều trị ung thư của Hòa bắt đầu giữa năm 2018, khi đang là sinh viên năm cuối của Học viện Bưu chính viễn thông ở Hà Nội. Để ra trường, Hòa phải hoàn thành khóa luận tốt nghiệp và thi chứng chỉ tiếng Anh đầu ra.
Mọi thứ gần như đã xong xuôi: khóa luận được in và nộp, danh sách thi ngoại ngữ có tên Hòa. Cô sinh viên năm cuối cũng vượt qua kỳ thử thách của một công ty ô tô, sẽ được nhận vào làm chính thức.
"Vậy là những năm tháng vất vả học tập đã chấm dứt", Hòa nghĩ. Cô mơ về khoản lương đầu tiên, sẽ mua gì, tiêu gì với số tiền ấy.
Chỉ vài ngày sau, Hòa bắt đầu thấy bên đùi phải đau buốt từng cơn mặc dù không bị biến dạng hay sưng. Hòa khám tại các bệnh viện nhỏ ở Hà Nội, tiêu tốn nhiều tiền để chụp chiếu, xét nghiệm, bác sĩ không tìm ra bệnh còn cơn đau nặng hơn từng ngày. Hòa không yên tâm, về quê khám một lần nữa, phát hiện có khối bất thường ở đầu dưới xương đùi nhưng không rõ bệnh gì.
Cô gái trở lại Hà Nội, tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Bác sĩ chỉ định một loạt xét nghiệm, chụp chiếu, cho biết phải phẫu thuật để nạo vét u. Hòa đồng ý ngay, nghĩ có lẽ chỉ mắc bệnh nhẹ, mổ một lần là xong.
Nằm trong phòng bệnh, Hòa không biết bác sĩ trao đổi gì với gia đình. Cô điều trị khoảng 5 ngày, có 3 tuần về quê nghỉ rồi tái khám. Nhưng bác sĩ bất ngờ thông báo Hòa sẽ chuyển tới Bệnh viện K, kế hoạch về quê phải hoãn lại.
"Chắc họ chuyển mình tới bệnh viện đó để điều trị thêm cho yên tâm", Hòa nghĩ, không nghi ngờ, cùng gia đình đến khoa Nhi, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều vào giữa tháng 6/2019. Sắp xếp xong xuôi ở bệnh viện mới, người bố giấu con gái trở về quê để lo tiền viện phí, chỉ còn mẹ ở lại chăm sóc con gái.
Gia đình giấu Hòa về bệnh ung thư xương, nhưng khi thấy mẹ không nhìn thẳng, đôi mắt còn hoe đỏ, Hòa lờ mờ đoán được bệnh chuyển biến xấu. Một ngày, cô vô tình nghe điện thoại của người thân, câu hỏi dồn dập "tại sao lại như thế", "kết quả có chính xác không", "còn trẻ như vậy mà đã bị ác tính"... ập vào tai khiến Hòa bàng hoàng. Cô thêm tuyệt vọng lúc đọc được kết luận ung thư xương thể ác tính trong bệnh án.
Bác sĩ giải thích ngắn gọn rằng ung thư xương là phải tháo khớp, cắt cụt chân. Trong trường hợp của Hòa, cô sẽ mất toàn bộ chân phải vì khối ung thư nằm ở xương đùi. Sau đó Hòa sẽ điều trị hóa chất, nếu đáp ứng thuốc tốt và ung thư được kiểm soát, có thể ra viện sớm. Chị gái hỏi Hòa có muốn nghe bác sĩ nói chuyện nhưng cô lắc đầu, cho biết chưa thể đối diện với bệnh ung thư.
Không đành lòng nhìn con gái bị cắt cụt chân, gia đình làm đơn gửi bệnh viện yêu cầu tiếp tục điều trị hóa chất để trì hoãn, tìm cách bảo toàn chân. Còn Hòa bước vào những đợt truyền hóa chất đầu tiên.
Liên tục cấp cứu
"Cảm giác rất kinh khủng. Cả người lúc nào cũng mệt mỏi, cảm thấy nóng như bị thiêu đốt", cô nhớ lại, nước mắt lăn dài trên má. Hòa không ăn được, thìa cháo vừa đưa đến miệng, chưa kịp nuốt đã nôn ra. Cảm giác bức bách, khó chịu khiến cô cứ nhăn mày, cau có. Tình trạng này lặp đi lặp lại trong các đợt truyền hóa chất.
Chưa quen thuốc, tinh thần lại sa sút khiến bác sĩ phải cấp cứu cho Hòa liên tục trong ba đợt hóa trị đầu tiên. Tới đợt thứ tư, cân nặng của Hòa chỉ còn 30 kg, sức khỏe rất yếu.
Nỗi khổ điều trị lấn át cảm giác sốc khi biết tin mắc bệnh. Dần dần, Hòa nhận ra, có buồn rầu ủ ê thì cô vẫn phải truyền hóa chất và tiếp tục sống. "Có thể không còn sống được bao lâu, có thể ngày mai sẽ phải cắt cụt chân, vì sao không thể vui vẻ trong khi còn sống?", Hòa nghĩ.
Những ngày không phải truyền, cô làm bạn với các em nhỏ cùng phòng, lập thành tổ đội đi khám phá bệnh viện. Nhóm bạn động viên nhau cùng cố gắng. Nhỡ có ai đó cảm thấy quá mệt mỏi khi chữa bệnh mà bỏ cuộc, thì những người còn lại không được nản chí, tiếp tục điều trị. Hòa mỉm cười mỗi khi bác sĩ tới thăm bệnh, đè nén cảm giác nôn ói mà nuốt cháo vào bụng để có sức tiếp tục truyền hóa chất.
Tự lên dây cót tinh thần như vậy nhưng Hòa cũng có lúc muốn buông xuôi. Sau đợt hóa trị, các bệnh nhân ung thư thường bị sốt giảm bạch cầu hạt đe dọa tính mạng. Hòa cũng không ngoại lệ, tiếp tục phải vào cấp cứu ba lần.
Một ngày, cô gái chỉ còn da bọc xương, bị sốt đến xây xẩm mặt mũi, kiên quyết không đến bệnh viện. Mẹ kiên trì thuyết phục, Hòa đồng ý đi khám. Nhưng Hòa không đủ sức để lên lưng mẹ cõng ra taxi. Chưa bao giờ bệnh trở nặng đến thế, cô muốn buông tay, không điều trị nữa vì đau đớn, mệt mỏi kéo dài triền miên.
Nỗi ám ảnh với các bệnh nhân ung thư là căn phòng hồi sức tích cực ở tầng một của bệnh viện. "Nhiều người thở oxy vào đó nằm rồi bệnh nặng lên, không trở về nữa", Hòa giải thích. Vì vậy khi bác sĩ cho thở oxy, Hòa cũng từ chối vì sợ bệnh nặng hơn, phải xuống điều trị ở tầng một.
Trong lúc Hòa được hóa trị, Bệnh viện K mời bác sĩ Trần Trung Dũng, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực cơ xương khớp tới hội chẩn và tham gia điều trị. Phác đồ mới nhanh chóng được vạch ra, gồm tiếp tục hóa trị cho khối u nhỏ lại, cắt u diện rộng và đặt xi măng xương để giữ khoảng, 6 đợt điều trị hóa chất và cuối cùng là phẫu thuật thay xương đùi bằng kim loại. Ngày 17/10/2019, ca phẫu thuật đầu tiên diễn ra.
Trước giờ mổ, bác sĩ cho biết cơ thể cô không đáp ứng điều trị hóa chất, ung thư ăn lan rộng xuống ½ xương đùi. Cô nhớ như in lời bác sĩ hỏi trước ca mổ: "Không còn thời gian nữa, chúng tôi buộc phải cắt xương đùi cho cháu trước. Cháu chắn chắn tiếp tục điều trị chứ? Chi phí sẽ lớn đấy". Họ chỉ tiếp tục khi thấy Hòa gật đầu đồng ý.
"Thực ra tôi không thể nghĩ được nhiều, chỉ biết có cách điều trị thì mình phải nắm lấy", Hòa nói.
Sau ca mổ, cô gái yếu hơn trước, thêm 6 tháng ngồi xe lăn, không thể tự đi lại hay phục vụ.
Trải qua hai cuộc đại phẫu, Hòa trở nên sợ mổ. Cô nghi ngờ liệu ca phẫu thuật ghép xương đùi kim loại thứ hai có thành công, vì sẽ thay toàn bộ xương đùi ung thư bằng dụng cụ kim loại, đồng thời thay khớp háng, khớp gối toàn phần. Hòa càng đắn đo hơn khi là bệnh nhân đầu tiên thay xương đùi bằng kim loại, có thể vĩnh viễn mất chân, không thể sử dụng chân giả. Viễn cảnh phải ngồi xe lăn suốt đời cũng khiến Hòa run sợ nên cô chọn phẫu thuật tiếp.
Ngày 2/3, ca phẫu thuật tiếp theo được tiến hành. Hòa tỉnh lại lúc 5h chiều trong phòng hồi sức, không có điện thoại hay bố mẹ kề cận. Việc đầu tiên cô làm là thử nhúc nhích để xem chân còn hay mất, rồi không dám tin khi chân phải có cảm giác. Sáng ngày kế tiếp, cô bật khóc vì hạnh phúc khi bác sĩ nói "ca mổ hôm qua rất tốt nhé".
"Hòa luôn giữ tinh thần tích cực, kiên cường theo phác đồ điều trị đến cùng", bác sĩ Phạm Sơn Tùng, thành viên nhóm phẫu thuật, nói. Ngày 6/3, bác sĩ Tùng cùng ba thành viên khác của kíp phẫu thuật, tái khám cho Hòa. Đó cũng là ngày đầu tiên Hòa tập đi lại với đôi chân mới sau một năm chỉ ngồi xe lăn.
Lần đầu đứng lên, Hòa run rẩy, vịn chặt chiếc nạng rồi từ tốn nhấc chân để đi từng bước một. 5 phút đi lại tưởng chừng kéo dài như 50 phút, mồ hôi chảy đầm đìa. Chỉ đến lúc ấy, cô mới tin mình còn đôi chân, rồi bật khóc.
Chứng kiến Hòa đi lại bằng đôi chân mới, bác sĩ Tùng cũng cảm thấy xúc động. "Rất đáng nể", anh nói. Thành công của ca mổ không chỉ cứu đôi chân, cuộc sống của cô gái trẻ, mà còn mang lại một thành tựu y học trong nước.
Nhóm phẫu thuật đặt biệt danh cho Hòa là "iron woman" vì cô là người Việt Nam đầu tiên có xương đùi kim loại.
"Cuộc sống thay đổi 1.000 độ"
Thêm 3 đợt điều trị hóa chất kéo dài hơn 2 tháng, Hòa được ra viện trong sự vui mừng của cả gia đình.
"Ung thư không chỉ thay đổi cuộc sống 180 độ, mà xoay tới 1.000 độ", Hòa nói vậy khi đánh giá lại một năm đầy biến cố. Từ một người khỏe mạnh, đi lại bình thường, Hòa phải học cách làm quen và chiến đấu với bệnh tật, trân quý việc có thể bước xuống giường với hai chân còn lành lặn.
"Nhiều người cứ so sánh với cuộc sống trước kia. Ít ai hiểu, bệnh nhân ung thư xương, trẻ tuổi, chỉ cần giữ được đôi chân và đi lại được, đã hạnh phúc lắm", Hòa nói.
Cô học cách nói chuyện nhiều hơn và rõ ý hơn với mọi người xung quanh thay vì nhăn nhó, tỏ ra khó chịu nhưng không nói gì. Đọc sách trở thành thú vui mới mỗi khi Hòa rảnh rỗi.
Sức khỏe được ưu tiên hàng đầu. Từ ngày điều trị, Hòa không dám úp mì tôm ăn cho qua bữa hoặc bỏ bữa, khi mệt vẫn cố ăn uống đủ và tập luyện.
Ra viện, Hòa mở cửa hàng bán thực phẩm trực tuyến, thức ăn do chính cô tự tay chế biến và lựa chọn, vừa để có việc làm, vừa để kiếm thêm thu nhập. Hòa cũng muốn mang lại thực phẩm sạch và an toàn cho mọi người sau khi trải qua những biến cố về sức khỏe. Cô cười, bảo: "Nếu không mắc bệnh, chưa chắc tôi nghĩ tới việc dành tiền để mở cửa hàng".
Quãng thời gian điều trị ung thư cũng để lại cho cô gái những kỷ niệm đẹp. Hòa nhớ những lúc nhóm ba bệnh nhi đi dạo trong sân bệnh viện, người lành lặn đẩy người ngồi xe lăn, người đi nạng dẫn đường. Nhóm ba bạn tới quán café của bệnh viện để "check in" với chiếc đầu trọc, phớt lờ ánh nhìn chăm chú của những người xung quanh.
Hòa trở thành tư vấn viên bất đắc dĩ cho những em nhỏ tại khoa Nhi, Bệnh viện K, rồi buồn và sốc hơn khi nghe tin một em bé nào đó đã từ bỏ điều trị. "Các em lớn một chút, biết nghĩ rồi, rất sợ đau và sợ bố mẹ tốn kém, nhưng không thể bày tỏ. Trước kia tôi không biết các em cũng suy nghĩ tiêu cực đến vậy", Hòa nghẹn ngào.
Chi phí điều trị ung thư của Hòa không nhỏ. Song cô gái cho rằng nên ích kỷ để bản thân không suy nghĩ nhiều, của cải có thể làm ra được còn gia đình chỉ cần con cái khỏe mạnh. "Đừng làm khổ mình và khổ gia đình, bác sĩ cũng không thể điều trị cho một bệnh nhân suốt ngày tiêu cực".
"Không phải lúc nào việc điều trị cũng thuận lợi. Tôi vẫn luôn nghĩ mình sẽ tốt hơn và cố gắng, ngay cả lúc đứng giữa ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết, để làm động lực đi tiếp", Hòa nói. Vì vậy Hòa luôn chọn thái độ tích cực nhất để tiếp tục sống, không quên truyền lửa, đồng hành cùng các bệnh nhân khác vượt qua bạo bệnh.
Chi Lê
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Bệnh ung thư - 01/10/2024
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Bệnh ung thư - 30/09/2024
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Bệnh ung thư - 09/08/2024
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Bệnh ung thư - 06/08/2024
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk
Bệnh ung thư - 22/07/2024
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk