Gạn tách tiểu cầu tiếp sự sống cho người ung thư
Tuấn Việt phát hiện ung thư khi mới 18 tháng tuổi. Năm năm qua, chị Nguyễn Vân Anh cùng con trai trải qua nhiều đau đớn do bệnh tật, truyền hóa chất. Mẹ luôn bị ám ảnh khi con chảy máu do giảm tiểu cầu.
"Máu mũi con chảy không ngừng, nôn cả ra máu", chị Vân Anh kể.
Có lần, con trai chảy máu bất chợt trong đêm. Chị Vân Anh bắt xe từ Quảng Ninh lên Hà Nội, ôm con vào Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương truyền tiểu cầu bé Việt mới ngừng chảy máu.
Đợt này, Việt mới nằm viện 20 ngày đã phải truyền tới 19 đơn vị tiểu cầu và 9 đơn vị máu. Người mẹ lo lắng, Tết con có thể sẽ phải chờ dài ngày mới có tiểu cầu để truyền, bởi như hàng năm đây là dịp lượng máu, tiểu cầu ở viện khan hiếm do ít người hiến.
"Người bệnh ung thư máu như chúng tôi sau khi truyền hóa chất các chỉ số trong máu đều sụt giảm. Chúng tôi cần được truyền máu, truyền tiểu cầu để duy trì sự sống", chị Nguyễn Thu Trang, Hà Nội, đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nói.
"Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới tất cả những tấm lòng vàng đã hiến máu giúp tôi và các đồng bệnh khác nơi đây được hồi sinh", chị Trang chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo, Phó Trưởng khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết tiểu cầu là tế bào rất nhỏ trong máu, được sinh ra từ tủy xương, làm nhiệm vụ cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Tiểu cầu cũng là thành phần máu có vai trò quan trọng trong điều trị những bệnh lý và người bệnh liên quan đến những rối loạn đông cầm máu, thường là trường hợp rất nặng nề, liên quan tới tính mạng...
Khối tiểu cầu là chế phẩm máu rất đặc biệt được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu. Tiểu cầu có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn, 3-5 ngày. Trên thực tế, nhiều bệnh lý liên quan đến rối loạn đông cầm máu cần truyền tiểu cầu, như xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng tiểu cầu, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, ung thư máu hoặc các bệnh ung thư di căn đến tủy xương...
Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Tung ương, tại Chương trình "Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu", ngày 26/12, cho biết để có được tiểu cầu, các trung tâm truyền máu thường tách từ những đơn vị máu toàn phần trong hệ thống kín, vô trùng; gộp 3-4 người hiến sẽ được một đơn vị tiểu cầu thông thường. Tuy nhiên, loại chế phẩm này không đáp ứng được nhu cầu điều trị. Vì thế, ở nước ta cũng như trên thế giới, người ta áp dụng những kỹ thuật hiện đại để thực hiện gạn tách tiểu cầu từ một người hiến, với thời gian hiến trung bình 60-90 phút.
Ông Khánh cho biết, chỉ đến những năm gần đây, hình thức hiến thành phần máu này mới trở nên phổ biến hơn, lượng người hiến tiểu cầu liên tục gia tăng. Gạn tách tiểu cầu là kỹ thuật mà không phải Trung tâm máu nào cũng thực hiện được. Hiện nay, tại Việt Nam, chỉ một số Trung tâm máu lớn mới thực hiện được hoạt động này. Thiết bị gạn tách đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện kỹ thuật, chất lượng đơn vị tiểu cầu và hiệu suất công việc.
Riêng tại Viện Huyết học, gạn tách tiểu cầu từ máu hiến đã được triển khai từ năm 2000 với số lượng chỉ 10 đến vài chục đơn vị tiểu cầu tiếp nhận được mỗi năm. Trong giai đoạn 2000-2010, Viện chỉ tiếp nhận được hơn 11.000 đơn vị tiểu cầu gạn tách, con số này ở giai đoạn 2010-2020 hơn 222.000 đơn vị. Số tiểu cầu này được sử dụng tại Viện và chuyển đến các bệnh viện như Bạch Mai, Việt Đức, Nhi Trung ương, các bệnh viện ung thư... và đến hơn 20 tỉnh trong khu vực.
Ông Khánh nhìn nhận người hiến tiểu cầu thường xuyên đã tăng đều đặn, có những người đã hiến hơn 100 lần. Như anh Nguyễn Văn Khải ở Nam Định 3 năm gần đây 42 lần hiến tiểu cầu, hàng tháng đều đặn vượt quãng đường 200 km giữa Nam Định - Hà Nội để hiến.
"Những người hiến tiểu cầu thường xuyên góp phần đem đến những chế phẩm máu an toàn nhất vì họ luôn biết tự giám sát, đảm bảo cho máu an toàn", ông Khánh nói.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Bệnh ung thư - 01/10/2024
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Bệnh ung thư - 30/09/2024
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Bệnh ung thư - 09/08/2024
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Bệnh ung thư - 06/08/2024
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk
Bệnh ung thư - 22/07/2024
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk