Hàng trăm polyp chen chúc trong đại trực tràng hai anh em
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, ngày 15/3 nội soi đại tràng của hai người, nhận thấy hàng trăm polyp với nhiều kích cỡ từ 3 mm đến 2 cm, dày đặc từ manh tràng đến hết trực tràng. Các bác sĩ Chuyên khoa Ung bướu hội chẩn cùng chuyên gia Bệnh viện K, kết luận hai bệnh nhân mắc Hội chứng đa polyp gia đình.
Bác sĩ Trần A Pao, Phó trưởng Khoa Ung bướu, nhận định nếu không xử trí sớm, chắc chắn bệnh sẽ tiến triển thành ung thư đại trực tràng. Hai bệnh nhân cần thực hiện phẫu thuật cắt đại tràng càng sớm càng tốt.
Bác sĩ cho biết, Hội chứng đa polyp gia đình (Familial adenomatous Polyposis) là một trong những hội chứng gây ung thư di truyền hiếm gặp, gây ra bởi bất thường cấu trúc gene. Tỷ lệ mắc hội chứng này từ 1 đến 3/10.000 trẻ sơ sinh. Đa số các trường hợp mắc bệnh là do di truyền, chỉ 25-30% là đột biến gene tự phát.
Bệnh được chẩn đoán bắt đầu từ tuổi thiếu niên, khi một người nội soi đại trực tràng phát hiện hàng trăm tới hàng nghìn polyp. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, các polyp gần như 100% sẽ phát triển thành ung thư đại tràng và ung thư trực tràng, với tuổi trung bình được chẩn đoán là 39 tuổi. Ngoài ra, hội chứng còn làm tăng nguy cơ phát triển ung thư ở các cơ quan khác, bao gồm dạ dày, ruột non và tuyến tụy và mật...
Bệnh nhân có thể không có triệu chứng trong một thời gian dài. Các triệu chứng thường gặp nhất gồm tiêu chảy và phân máu, diễn tiến kéo dài khiến bệnh nhân gầy sút cân. Người bệnh thường được chỉ định nội soi đại trực tràng để chẩn đoán.
Theo thống kê của Globocan năm 2018, trên thế giới ung thư đại trực tràng đứng thứ ba về tỷ lệ mắc với khoảng 1,8 triệu bệnh nhân mới được chẩn đoán (chiếm 10,2% các loại ung thư) và đứng thứ hai về tỷ lệ tử vong. Ở Việt Nam, ung thư trực tràng và ung thư đại tràng cũng lần lượt đứng thứ 5 và thứ 8 trong số các loại ung thư thường gặp nhất khi tính ở cả hai giới.
Bác sĩ nhấn mạnh: "Sàng lọc và theo dõi đa polyp gia đình là yếu tố quan trọng". Đa polyp gia đình nên được sàng lọc để phát hiện bệnh sớm ở những người họ hàng bậc một với bệnh nhân (bố, mẹ, anh chị em ruột). Việc sàng lọc được tiến hành bắt đầu từ 10- 12 tuổi bằng nội soi đại tràng hàng năm.
Nếu gia đình có người bị đa polyp gia đình, cần đưa các thành viên đến xét nghiệm và tư vấn di truyền. Nếu mắc đa polyp gia đình, cần đi khám để theo dõi bệnh thường xuyên. Phẫu thuật có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của ung thư đại trực tràng và các biến chứng khác.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Bệnh ung thư - 01/10/2024
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Bệnh ung thư - 30/09/2024
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Bệnh ung thư - 09/08/2024
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Bệnh ung thư - 06/08/2024
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk
Bệnh ung thư - 22/07/2024
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk