Lấy dạ dày làm thực quản cho người ung thư
Bệnh nhân Đ.V.B, 56 tuổi, ở Văn Giang, Hưng Yên vốn có tiền sử nghiện thuốc lào và rượu trên 30 năm. Thời gian gần đây, bệnh nhân xuất hiện tình trạng nuốt nghẹn, gầy sút nhiều nên đi kiểm tra sức khỏe tại BV Bạch Mai.
Kết quả, bác sĩ phát hiện ông mắc ung thư thực quản 1/3 dưới giai đoạn sớm, chỉ định phải cắt bỏ thực quản.
TS Trần Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, BV Bạch Mai cho biết, sau khi cắt thực quản, bệnh nhân sẽ phải tạo hình lại. Trước đây, các bác sĩ sử dụng phương pháp orringer - cắt thực quản tạo hình bằng dạ dày qua phẫu thuật mổ mở ổ bụng.
Hạn chế của phương pháp này là phẫu thuật viên không nhìn thấy cấu trúc của các cơ quan trong khoang ngực nên không thể nạo vét hết hạch cũng như không thể kiểm soát được tổn thương của các cơ quan.
Phương pháp phẫu thuật này cũng có nhiều nhược điểm như đường mổ lớn, bệnh nhân có nguy cơ mất máu nhiều và các biến chứng trong và sau mổ.
Trường hợp bệnh nhân B. có nhiều bệnh lý nền kèm theo: Xơ gan giãn tĩnh mạch thực quản độ 2, rối loạn mỡ máu… Nếu mổ mở, đường mổ sẽ phải rất rộng, nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định cắt thực quản tạo hình bằng dạ dày qua phẫu thuật nội soi ngực, bụng cho bệnh nhân. Đây là kỹ thuật mới chỉ được thực hiện ở các trung tâm phẫu thuật lớn, đòi hỏi phẫu thuật viên phải là người có nhiều kinh nghiệm, cũng như sự hỗ trợ của các trang thiết bị chuyên sâu.
TS Hùng cùng ekip đã thực hiện ca phẫu thuật và tạo hình thực quản cho bệnh nhân B. trong hơn 4 giờ. Bệnh nhân không phải truyền máu trong và sau phẫu thuật.
Ngay ngày thứ hai sau mổ, bệnh nhân đã có thể tự ngồi dậy, tập ho, tập thở, tập bóng… Sau 2 tuần, sức khoẻ bệnh nhân hoàn toàn ổn định và được xuất viện ngày 1/3.
Sau trường hợp bệnh nhân B., ekip bác sĩ của khoa Ngoại tổng hợp tiếp tục thực hiện ca cắt thực quản tạo hình hoàn toàn qua nội soi ngực, bụng vào ngày 26/2. Hiện sau mổ người bệnh đã ổn định, tuy nhiên, bệnh nhân vẫn được theo dõi để tiếp tục liệu trình điều trị phối hợp tốt nhất.
Theo TS Hùng, phẫu thuật cắt thực quản tạo hình bằng dạ dày qua phẫu thuật nội soi ngực, bụng là kỹ thuật khó, nhưng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh.
Các vết mổ trên thành bụng nhỏ nên ít đau sau mổ, mất máu ít, thời gian hồi phục sớm. Tuy nhiên, để được điều trị hiệu quả, người bệnh cần được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm qua tầm soát ung thư thực quản với những đối tượng nguy cơ mắc bệnh cao như người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào, uống nhiều rượu bia…
Ung thư thực quản là ung thư phát sinh từ thực quản - đoạn ống tiêu hóa nối giữa hầu họng và dạ dày, là loại ung thư thường gặp đối với nam giới.
Bệnh nhân ung thư thực quản thường có các triệu chứng khó nuốt và giảm cân. Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa ung thư thực quản hiệu quả, cần hạn chế tối đa việc lạm dụng các chất kích thích, đặc biệt là rượu, thuốc lá; có chế độ sinh hoạt khoa học, chế độ dinh dưỡng bổ sung đầy đủ vitamin, các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Với những bệnh nhân có tiền sử viêm thực quản kéo dài, ung thư vùng cổ... cần thăm khám bác sĩ thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh.
Thúy Hạnh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Bệnh ung thư - 01/10/2024
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Bệnh ung thư - 30/09/2024
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Bệnh ung thư - 09/08/2024
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Bệnh ung thư - 06/08/2024
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk
Bệnh ung thư - 22/07/2024
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk