Nghiện thuốc lá từ 15 tuổi, người đàn ông bị ung thư mất luôn giọng nói
Ở tuổi 46, anh Lê Văn Tuấn, ở Thanh Ba, Phú Thọ đột nhiên thấy khàn tiếng, ho nhiều, giọng nói thay đổi. Tình trạng ngày càng nặng khiến anh mất hẳn tiếng, hụt hơi và lúc nào cũng cảm thấy có vật gì chèn ở cổ.
Khi đến bệnh viện thăm khám, anh được chẩn đoán mắc ung thư thanh quản di căn hạch xung quanh, chỉ định phẫu thuật, cắt khối u vào năm 2018.
Khai thác bệnh sử, anh Tuấn cho biết bản thân nghiện thuốc lá từ năm 15 tuổi, mỗi ngày hút hơn 2 bao, sau này nghiện thêm rượu, uống lượng lớn mỗi ngày.
1 năm sau phẫu thuật, anh Tuấn thấy sức khoẻ giảm sút trầm trọng. Công việc làm thợ xây cũng phải nghỉ do anh không làm được việc nặng.
Đặc biệt, giọng nói của anh ngày càng nhỏ rồi mất hẳn, chỉ phát ra được tiếng ú ớ. Các bác sĩ tuyến dưới quyết định mổ lại lần 2 cho bệnh nhân để nong thanh quản bị khít hẹp. Đây là biến chứng nặng khó xử lý, thường gặp sau phẫu thuật vùng thanh quản hoặc do đặt nội khí quản kéo dài.
Tuy nhiên, sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn phải đeo dụng cụ nong thanh quản liên tục và xuất hiện các cơn ho kéo dài. Việc hít thở của bệnh nhân gặp nhiều khó khăn, nói khó, gần như bị câm vì phát âm không thành tiếng.
Đầu tháng 3 vừa qua, anh đến khoa Tai mũi họng, Bệnh viện E để tiếp tục hành trình tìm lại giọng nói.
Sau thăm khám, PGS.TS Lê Minh Kỳ, chuyên gia cao cấp của bệnh viện và TS Lê Đình Hưng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng quyết định tạo hình lại thanh quản, hồi phục giọng nói cho bệnh nhân bằng chính vật liệu tự thân là sụn thanh nhiệt.
Đây là kỹ thuật khó, hầu như chưa được thực hiện trên bệnh nhân sẹo hẹp thanh quản tại Việt Nam.
Theo PGS Kỳ, ưu điểm của kỹ thuật này không sử dụng vật liệu “lạ”, bác sĩ sẽ cắt bỏ sẹo hẹp thanh quản giúp bệnh nhân hết ho, sau đó tạo hình lại giúp bệnh nhân tự thở bằng đường tự nhiên và nói tốt.
Trong quá trình tạo hình, bác sĩ phải tính toán để thanh quản mới không quá rộng gây sặc thức ăn và không quá hẹp gây khó thở.
Sau phẫu thuật, giọng nói bệnh nhân được hồi phục tối đa, thậm chí có thể hát.
Ung thư thanh quản thường gặp ở người nghiện thuốc lá kèm uống rượu. Ở người hút thuốc lá, nguy cơ mắc ung thư thanh quản lên tới 70%, nếu thêm uống rượu, tỉ lệ này tăng lên gần 90%.
Nếu được phát hiện sớm, tỉ lệ chữa khỏi ung thư thanh quản lên tới 80%. Đáng tiếc, hầu hết bệnh nhân ung thư thanh quản tại Việt Nam đều đến viện ở giai đoạn muộn.
Bác sĩ cảnh báo, nếu người dân có triệu chứng khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần, đặc biệt ở độ tuổi trên 40 cần được xét nghiệm, thăm khám kịp thời. Đây là triệu chứng sớm, thường gặp ở bệnh nhân ung thư thanh quản.
Ngoài ra, các trường hợp thường xuyên mắc các bệnh hô hấp như viêm họng, viêm amidan, ho co thắt, khó nuốt, sụt cân đột ngột…cũng là chỉ báo cần nghĩ đến ung thư thanh quản.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Thúy Hạnh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Bệnh ung thư - 01/10/2024
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Bệnh ung thư - 30/09/2024
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Bệnh ung thư - 09/08/2024
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Bệnh ung thư - 06/08/2024
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk
Bệnh ung thư - 22/07/2024
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk