Phù tay voi - nỗi đau sau điều trị ung thư vúPhù tay voi - nỗi đau sau điều trị ung thư vú
Bà Lan, 65 tuổi, quận Phú Nhuận, TP HCM, phát hiện ung thư vú trái năm 2002. Để tránh di căn, bà buộc cắt bỏ tuyến vú, nạo toàn bộ hạch bạch huyết phía nách trái. Một thời gian sau, tái khám không phát hiện tế bào ung thư xâm lấn các cơ quan khác. Tuy nhiên, cánh tay bên trái ngày một sưng nề, to dần. Khi đến thăm khám tại Bệnh viện Bình Dân, tay trái bà Lan đã to gấp đôi tay còn lại.
Bác sĩ chẩn đoán bà Lan đã mắc biến chứng sau điều trị ung thư, gọi là phù bạch mạch.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Phùng, giảng viên Bộ môn Tạo hình - Thẩm mỹ ĐH Y Dược TP HCM, Đơn vị phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Bình Dân, cho biết, phù bạch mạch, hay còn gọi là phù tay voi là một biến chứng hay gặp sau quá trình điều trị ung thư vú. Tỷ lệ phù tay voi chiếm 5-10% ở các bệnh nhân ung thư vú.
Hệ bạch huyết đóng vai trò vận chuyển nước và các tế bào bạch cầu, protein... đi khắp cơ thể, nhằm cung cấp chất dinh dưỡng đến các mô, đồng thời chống lại và bài tiết các vi khuẩn, virus.
Phẫu thuật cắt bỏ hay xạ trị tiêu diệt các tế bào ung thư vú ác tính khiến cho hệ thống bạch mạch và hạch bạch huyết bị tổn thương, tắc nghẽn. Thậm chí, phải cắt bỏ các hạch này để ngăn ngừa tế bào ác tính di căn. Lượng bạch huyết vốn dĩ được lưu thông tuần hoàn, nay bị chặn lại, dẫn đến tình trạng ứ đọng vào các kẽ mô xung quanh gây phù nề.
Triệu chứng phổ biến nhất của phù tay voi là sưng dần ở một hoặc cả hai cánh tay từ bả vai đến các ngón tay. Lúc đầu, vị trí phù tay voi sẽ sưng, mềm. Theo thời gian, nó có thể trở nên dày đặc và xơ cứng hơn, làm cho làn da của người bệnh nổi hạt. Bệnh nhân có thể bị đau, nặng nề cánh tay, chân hoặc phạm vi chuyển động hạn chế ở chi bị ảnh hưởng, điều này có thể khiến bạn khó tập thể dục hoặc thực hiện các hoạt động khác.
Bệnh phù tay voi thường diễn biến theo bốn giai đoạn. Ở hai giai đoạn 0 và I, bệnh chưa biểu hiện rõ rệt. Người bệnh chưa phù tay hoặc rất nhẹ. Tay sưng kín đáo.
Ở giai đoạn II, khi các mô đã xơ hóa, phù đã thể hiện rõ rệt ra cánh tay, vùng da phù ấn vào có vết lõm, không trở lại trạng thái ban đầu, bệnh không thể hồi phục tự nhiên. Tình trạng nhiễm khuẩn da thường gặp ở giai đoạn này do bị giảm miễn dịch để đáp ứng với vi khuẩn và mảnh vụn dị vật.
Giai đoạn cuối, bệnh đã tiến triển đến mức thay đổi da vĩnh viễn. Rất khó để nắm lấy da của khu vực bị ảnh hưởng bằng hai ngón tay vì da sưng căng cứng. Các mô đã xơ hóa nặng nề, tăng thể tích dẫn đến những biến đổi ở da như tạo nhú sần sùi, nang hóa, có đường dò và dày sừng. Các nếp gấp da sâu hơn ở cổ tay.
Phù bạch mạch nếu can thiệp ở giai đoạn không muộn quá vẫn có thể điều trị dứt điểm được. Tuỳ vào giai đoạn bệnh, tổn thương của hệ thống bạch huyết, phương pháp điều trị mà tỷ lệ thành công có thể đạt 80-90%.
Bác sĩ Phùng thông tin, việc điều trị phù bạch mạch bao gồm sự kết hợp ngoại khoa (phẫu thuật) và nội khoa hỗ trợ. Về phẫu thuật hiện tại chủ yếu áp dụng phương pháp nối bạch mạch - tĩnh mạch hoặc ghép hạch nhằm tái lập sự lưu thông mạch bạch huyết. Về can thiệp nội khoa hỗ trợ bao gồm các biện pháp như chăm sóc da móng, massage dẫn lưu bạch huyết, băng ép nén, thể dục liệu pháp (liệu pháp chống sung huyết hoàn toàn). Nội khoa áp dụng trong giai đoạn còn rất sớm hoặc hỗ trợ điều trị sau phẫu thuật.
Tuy nhiên, bệnh nhân thường đến khám ở giai đoạn muộn, hệ thống mạch bạch huyết bị xơ hóa nhiều, việc điều trị khó mang lại hiệu quả.
Theo bác sĩ Phùng, phù bạch mạch là hậu quả đáng sợ của điều trị ung thư vú. Nó gây khó chịu cho bệnh nhân vì sự biến dạng tại chỗ của phù bạch mạch không thể dùng quần áo bình thường để che giấu được. Làm cho bệnh nhân mất tự tin về cơ thể, giảm thể lực, mệt mỏi và suy giảm tâm lý... chất lượng sống đi xuống.
Ngoài ra, phù bạch mạch có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm như tình trạng nhiễm trùng (viêm bạch mạch) lặp đi lặp lại, và trong một số trường hợp hiếm gặp là ung thư sẽ xảy ra.
Do đó, bác sĩ khuyên để phòng ngừa phù bạch mạch, biện pháp chủ yếu là tầm soát để phát hiện ung thư sớm. Khi đó có thể sẽ giảm được các can thiệp ảnh hưởng đến hệ thống bạch huyết như nạo hạch, xạ trị. Nếu sau điều trị ung thư vú, biểu hiện sưng ở cánh tay hoặc chân không biến mất, bệnh nhân nên tới các cơ sở chuyên khoa để thăm khám.
Thư Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Bệnh ung thư - 01/10/2024
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Bệnh ung thư - 30/09/2024
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Bệnh ung thư - 09/08/2024
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Bệnh ung thư - 06/08/2024
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk
Bệnh ung thư - 22/07/2024
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk