Sự thật về điều trị ung thư bằng cách thực dưỡng, kiêng đạm
Đây là một trong những nội dung được quan tâm trong buổi giao lưu trực tuyến “Sống chung, sống khoẻ với ung thư” do Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp với Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức diễn ra sáng nay, 20-7.
Theo chế độ thực dưỡng, kiêng đạm có tốt?
GS, TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện K và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân theo phương pháp Ohsawa. Có những bệnh nhân theo đuổi phương pháp này tới gần 10 năm nay, khiến họ chỉ còn da bọc xương. Đặc biệt, chế độ ăn thiếu hụt quá nhiều chất dinh dưỡng đã khiến bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng.
“Có người tranh luận rằng tại sao nhà sư họ ăn chay vẫn khỏe? Tôi đã tìm hiểu và được biết những người này phải ăn nhiều cơm, rau, muối vừng… Nhiều người ăn chay trường phải tới bệnh viện khám vì có dấu hiệu về cơ xương khớp, răng môi lưỡi, thiếu vitamin… Vì vậy, với người bệnh ung thư, không nên theo phương pháp thực dưỡng mà vẫn phải ăn như người bình thường. Đến nay cũng chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng thực dưỡng áp dụng được cho người ung thư”, GS Hương nhấn mạnh.
Vì thế, theo GS Hương, người bệnh ung thư cần ăn đủ dinh dưỡng. Các vitamin, khoáng chất… mà thực phẩm cung cấp sẽ tham gia vào cơ thể, chỉ cần thiếu một trong số chất đó, toàn bộ cơ thể sẽ bị ảnh hưởng.
Về việc tại sao người ung thư nên ít ăn thịt đỏ, BS Hương cho biết, người dân cần phân biệt rõ, thịt đỏ là thịt của con bốn chân, không phải là thịt có màu đỏ. Vì vậy, thay vì ăn nhiều thịt đỏ, người bệnh nên ăn nhiều thịt gia cầm, thịt gà, thịt vịt. Trong trường hợp người bệnh thèm ăn thì vẫn có thể ăn thịt đỏ theo khuyến cáo của bác sĩ. Bên cạnh đó, người dân nên ăn thêm các loại thịt cá, tôm, hải sản vì chúng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như omega 3, omega 6, các chất khoáng, vitamin, kẽm, sắt… Đặc biệt, người bệnh ung thư cần loại bỏ các thực phẩm lên men như dưa muối, cà muối, xúc xích, lạp xưởng… không tốt cho cơ thể.
PGS, TS Dương Trọng Nghĩa, Trưởng khoa châm cứu dưỡng sinh của BV Y học cổ truyền Trung ương, giảng viên thỉnh giảng của Khoa Y học cổ truyền, trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh thêm, quan điểm nếu ăn uống đầy đủ sẽ làm cho khối u càng phát triển nhanh hơn hiện nay của không ít người bệnh ung thư là sai lầm.
Khi cơ thể dinh dưỡng kém, mô ung thư vẫn phát triển và lấy dưỡng chất trong cơ thể, thậm chí còn lấy nhiều dinh dưỡng từ cơ thể hơn các mô tế bào bình thường khác, khiến người bệnh nhanh chóng bị suy kiệt, suy tạng. “Những người bệnh đang điều trị ung thư cần hạn chế nguyên nhân gây ung thư đồng thời tăng cường tập thể dục chứ không nên hạn chế cực đoan về dinh dưỡng. Mặt khác, người bệnh nên có thực đơn cân đối, không nên quá thừa chất”, PGS Nghĩa cho hay.
Nhiều phương pháp sai lầm gây tiền mất, tật mang
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến những sai lầm trong việc điều trị ung thư bằng nano hay phương pháp kiềm hóa máu.
PGS, TS Vũ Hồng Thăng, Phó Trưởng Bộ môn Ung thư, Đại học Y Hà Nội; Trưởng khoa Điều trị nội 4, Bệnh viện K cho biết, công nghệ nano trong điều trị ung thư hiện đang được nghiên cứu và thí nghiệm ở một số nước trên thế giới. Nghiên cứu này hiện mới thí nghiệm trên động vật, chưa có bằng chứng nào về mặt khoa học và nghiên cứu thực nghiệm có thể chữa được trên người, chưa kể phương pháp này có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác vì độc tính.
PGS Thăng nhấn mạnh, những loại thuốc mới đòi hỏi các bước thử nghiệm khắt khe và được chứng minh mới được phép điều trị cho người bệnh. Người bệnh không nên tin vào những loại thuốc như vậy, gây lãng phí tiền bạc, sức khỏe của bản thân cũng như lãng phí cơ hội để chữa trị theo phác đồ đã được khoa học chứng minh.
Về phương pháp kiềm hóa máu, hiện nay cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định hiệu quả trong điều trị ung thư. Theo TS, BS Vũ Hữu Khiêm, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai, kiềm hóa máu không phải là phương pháp điều trị chính thống.
BS Khiêm cho hay, tế bào ung thư thường phát triển trong môi trường axit nên một số tác giả cho rằng có thể kiềm hoá để giết các tế bào ung thư. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta chỉ có độ PH là 7,4 khi độ PH lên tới 8,5 sẽ gây ra một loạt các rối loạn chuyển hoá nguy hiểm trong cơ thể. "Đến nay, có thể khẳng định rằng phương pháp kiềm hoá máu chưa có bằng chứng khoa học, chưa được công nhận. Một phương pháp chữa bệnh sẽ phải trải qua rất nhiều khâu để kiểm tra, kiểm định hiệu quả, độc tính và sự an toàn. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, bệnh nhân nên đến các cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị bệnh kịp thời chứ không nên tin theo những phương pháp điều trị chưa có cơ sở khoa học", BS Khiêm khuyến cáo.
Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điều trị bệnh này đều khẳng định, với các tiến bộ khoa học ngày càng bứt phá hiện nay, ung thư cũng chỉ như những căn bệnh khác, có thể chữa khỏi. Thực tế, 1/3 số bệnh ung thư có thể dự phòng được, 1/3 các loại ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời; và với tiến bộ khoa học kỹ thuật, các phương pháp điều trị tốt, có thể kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho 1/3 số bệnh ung thư còn lại.
Để có thể phát hiện sớm được căn bệnh ung thư, TS, BS Vũ Hữu Khiêm cho biết, người dân cần đi khám sức khoẻ định kỳ, để tầm soát ung thư và các bệnh nguy hiểm khác. Những đối tượng mắc các bệnh có nguy cơ tiến triển thành ung thư (viêm gan, Hp dạ dày…) hoặc gia đình có người thân từng mắc bệnh ung thư cần tầm soát thường xuyên hơn.
GS, TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y nhấn mạnh: “Với kiến thức và y học hiện nay, hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh ung thư, thậm chí một số loại có thể khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán sớm. Đó là thông điệp mà chúng tôi muốn gửi tới mọi người, rằng người dân nên biết những kiến thức y học thường thức để có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình và người thân, cộng đồng".
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Bệnh ung thư - 01/10/2024
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Bệnh ung thư - 30/09/2024
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Bệnh ung thư - 09/08/2024
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Bệnh ung thư - 06/08/2024
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk
Bệnh ung thư - 22/07/2024
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk