Ung thư phổi dễ chết, khó phát hiện
Bác sĩ Nguyễn Đức Hạnh, Phó khoa Ung bướu, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết trên thế giới, hiện nay ung thư phổi đứng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp về cả tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong. Ở Việt Nam, ung thư phổi xếp vị trí thứ hai sau ung thư gan, với khoảng 23.600 người phát hiện mắc mới và 20.700 người tử vong mỗi năm.
Theo các nhà khoa học, dưới 10% bệnh ung thư phát sinh là do các rối loạn từ bên trong cơ thể của con người mà không thể thay đổi được. Hơn 80% bệnh ung thư phát sinh là do liên quan đến yếu tố bên ngoài mà con người có thể thay đổi được, bao gồm các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, chế độ ăn uống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường, các bệnh lý mạn tính.
Hút thuốc lá, kể cả thụ động, là một trong những nguy cơ hàng đầu gây bệnh ung thư phổi. Người hút thuốc lá nguy cơ mắc ung thư cao hơn người không hút thuốc 6-30 lần. Các nhà khoa học phát hiện được trong khói thuốc lá có hơn 4.000 chất độc, trong đó hơn 40 chất gây ung thư. Nhiều nghiên cứu khảo sát bệnh nhân mắc ung thư phổi chỉ ra, 90% người mắc có liên quan đến hút thuốc lá, 24% người mắc bắt nguồn từ hút thuốc thụ động.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tổn thương lao phổi cũ, u lao phổi cũ, các nốt vôi hóa, tổn thương sẹo cũ ở phổi, các viêm phổi mạn có dị sản... là nguyên nhân gây ung thư phổi, bên cạnh yếu tố về môi trường như nghề nghiệp độc hại tiếp xúc amiant, chrome, sắt, arsenic, silic, chất thải từ động cơ, khói bụi, tia xạ, ô nhiễm không khí...
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính tiến triển rất âm thầm ở giai đoạn sớm, hầu như không có triệu chứng lâm sàng. Các triệu chứng chỉ xuất hiện khi khối u kích thước đủ lớn và xâm lấn vào các tổ chức lân cận xung quanh, đa số trường hợp phát hiện sớm là do khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám các bệnh lý khác tình cờ phát hiện ra.
Phương pháp giúp tầm soát, phát hiện sớm ung thư phổi là chụp X-quang phổi. Trên phim X-quang có thể phát hiện các tổn thương khối u kích thước nhỏ. Trên cơ sở đó, bác sĩ áp dụng các kỹ thuật chuyên sâu hơn giúp chẩn đoán xác định. Tuy nhiên, X-quang phổi có một số hạn chế là khó đánh giá các tổn thương nhỏ vùng đỉnh phổi, các tổn thương khu vực trung tâm rốn phổi, vùng trung thất, sau bóng tim, lấp sau xương sườn, dễ bỏ sót tổn thương.
Thay vì chụp X-quang có thể chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp để tầm soát ung thư phổi. Bác sĩ nhận định đây là một tiến bộ lớn của lĩnh vực sàng lọc. Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư phổi, việc tiến hành sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư bằng chụp cắt lớp với liều xạ thấp giúp phát hiện thêm 20% số trường hợp ung thư phổi so với chụp X-quang phổi thông thường.
Nội soi phế quản bằng ánh sáng huỳnh quang là một trong những phương pháp phát hiện sớm ung thư phổi bằng cách phát hiện sớm các tổn thương niêm mạc phế quản, qua đó sinh thiết xác định có tế bào ung thư hay không, đặc biệt những trường hợp ung thư biểu mô tại chỗ (carcinoma in situ ), các tổn thương loạn sản khó có thể xác định bằng nội soi phế quản ánh sáng trắng đơn thuần.
Một số phương pháp khác như nội soi phế quản sử dụng nguồn sáng NBI, các chất chỉ điểm u như SCC, CEA, Cyfra 21-1, Pro –GRP, NSE trong máu tăng đóng vai trò tham chiếu định hướng đến ung thư phổi. NBI tăng cường khả năng hiển thị mao mạch (mạch máu nhỏ) và các cấu trúc khác trên bề mặt niêm mạc. Dựa vào hình ảnh thu được, bác sĩ có thể nhận biết được vùng nghi ngờ tổn thương và quyết định sinh thiết niêm mạc tại chỗ nghi ngờ để làm xét nghiệm mô bệnh học, giúp chẩn đoán xác định tổn thương đó có phải ung thư hay không ngay từ rất sớm.
Nhóm nguy cơ cao như tuổi trên 45, hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm, những người làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất độc hại, các chất phóng xạ, những người trong gia đình có nhiều người mắc ung thư, những người có các tổn thương mạn tính tại phổi cần khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm ung thư phổi. Những người có dấu hiệu bất thường về hô hấp như ho kéo dài, ho khạc đờm dây máu thâm, tức ngực, cảm giác khó thở hoặc toàn thân mệt mỏi, ăn kém, gày sút cân cần phải đến các cơ sở y tế khám phát hiện sớm ung thư phổi.
Bác sĩ Hạnh nhận định, đến nay ung thư phổi vẫn là một trong số bệnh ung thư phổ biến hàng đầu trong các loại bệnh ung thư, có tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong khá cao. Tuy nhiên với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ung thư phổi có rất nhiều mô thức điều trị. Bệnh nhân có thể phẫu thuật, tia xạ, hóa chất, áp dụng các mô thức điều trị theo cá thể như điều trị nhắm đích, điều trị miễn dịch. Phối hợp đa mô thức điều trị trong ung thư phổi mang lại hiệu quả điều trị rất tích cực, kéo dài sự sốngvà chất lượng sống cho người bệnh.
Bác sĩ nhấn mạnh, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi là vô cùng quan trọng trên cơ sở đó sẽ giúp cho việc điều trị đạt được kết quả tốt hơn rất nhiều. Do vậy, hàng năm cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ cao.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Bệnh ung thư - 01/10/2024
Tự điều trị ung thư máu bằng đắp thuốc "giác hơi", nam thanh niên nguy kịch
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Bệnh ung thư - 30/09/2024
Ung thư cổ tử cung có thể tầm soát sớm?
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Bệnh ung thư - 09/08/2024
Phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư nhờ thực hiện đều đặn việc này
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Bệnh ung thư - 06/08/2024
Tiến bộ về kỹ thuật di truyền tạo bước tiến lớn trong điều trị ung thư
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk
Bệnh ung thư - 22/07/2024
Mổ nội soi thành công ca bệnh ung thư trực tràng cho bệnh nhân lớn tuổi ở Đắk Lắk