Bác sĩ Hàn Quốc: 'Sẽ là nói dối nếu bảo tôi không sợ'
Tính đến ngày 5/3, Hàn Quốc ghi nhận hơn 5.700 ca dương tính và 35 trường hợp tử vong. Khoảng 5.300 bệnh nhân là ở Daegu, 774 người tại tỉnh Bắc Gyeongsang. Các ca tử vong chủ yếu ghi nhận tại khu vực đông nam thành phố.
"Sẽ là nói dối nếu bảo rằng tôi không sợ", Kim Eun-yong, một bác sĩ gia đình chia sẻ qua cuộc phỏng vấn điện thoại. Ông bắt đầu khám bệnh tình nguyện vào ngày 26/2.
Kim đã điều hành một phòng khám tư nhân tại quận Suseong, phía đông nam thành phố Daegu trong 12 năm. Kể từ khi dịch bệnh quét qua, 6h tối mỗi ngày ông điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Dongsan thuộc Đại học Keimyung ở Dalseo, một quận phía tây Daegu. Kim cũng liên tục đi lại giữa nhiều cơ sở y tế khác nhau, bất cứ nơi nào cần sự giúp đỡ.
Nhân viên y tế tại Daegu đeo khẩu trang bảo hộ để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 vào ngày 2/3. Ảnh: AFP |
"Tôi được biết lịch làm việc của mình trước khoảng vài ngày", ông nói.
Cởi đồ bảo hộ rất phức tạp nên bác sĩ Kim và người đồng nghiệp của mình thường ăn mì gói trừ bữa.
"Chúng tôi được nhận rất nhiều hộp cơm trưa từ người quyên góp và các nhà hàng gần đó. Nhưng thật khó để ăn uống giữa ca trực, chúng tôi buộc phải từ chối một số thứ", ông nói.
"Mỗi vụ dịch đều có đỉnh điểm, nhưng đến nay căn bệnh tiếp tục leo thang và lây lan nhanh chóng. Thật đáng sợ", bác sĩ Kim nhận định.
Ông cho biết ngay cả đội ngũ y tế cũng không thể chẩn đoán chỉ bằng việc khám lâm sàng qua triệu chứng. Bệnh nhân cần được xét nghiệm để biết rõ, liệu họ nhiễm nCoV hay chỉ bị cảm cúm.
Ông Kim và đồng nghiệp phải chấp nhận các nguy cơ nhiễm bệnh vì tiếp xúc liên tục với bệnh nhân. Bệnh viện chỉ có khoảng 2.000 bộ quần áo bảo hộ cho tất cả bác sĩ, đủ để sử dụng trong 4 ngày.
Bộ Y tế Hàn Quốc đã khuyên nhân viên mặc áo choàng phẫu thuật thay vì trang phục chuyên dụng để khắc phục tình trạng khan hiếm. Song bác sĩ Kim cảnh báo điều này "vô cùng nguy hiểm", đi ngược lại khuyến cáo của các hiệp hội y tế.
Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Daegu Lee Seong-gu đã gửi lời cảm ơn đến các nhân viên tình nguyện khắp cả nước, ngày đêm làm việc trong suốt tuần vừa qua. Nhờ vào nỗ lực của họ, sức ép lên hệ thống y tế do thiếu nguồn lực hiện đã giảm.
Một y tá mới tại Học viện Điều dưỡng Lực lượng Vũ trang Hàn Quốc đang được tập huấn vào ngày 2/3 trước khi tới Daegu hỗ trợ chống dịch. Ảnh: AFP |
Song vật tư như khẩu trang và quần áo bảo hộ đang dần cạn kiệt. Hiện chưa có phương án thay mới, bổ sung hiệu quả. Hầu hết các bác sĩ trông đợi vào đồ dùng quyên góp.
Hôm 3/3, Phó thủ tướng Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết vấn đề thiếu hụt giường bệnh ở Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang đã được giải quyết. Tuy nhiên ông Lee cho biết điều này là không chính xác.
"Vẫn còn quá nhiều bệnh nhân không có chỗ nằm tại bệnh viện", ông nói.
Lee cho biết hiện có khoảng 110 y bác sĩ đang tư vấn và giám sát sức khỏe qua điện thoại cho gần 2.000 bệnh nhân nhiễm Covid-19 cách ly tại nhà. Họ sẽ cảnh báo cơ quan y tế nếu các triệu chứng của bệnh nhân không giảm bớt hoặc chuyển biến xấu hơn.
Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc cho biết ông hy vọng các nhà lập pháp sẽ hiểu được mong muốn của y bác sĩ. "Chúng ta cần lắng nghe những người biết về căn bệnh hơn ai hết, bởi họ tiếp xúc với bệnh nhân hàng ngày. Nếu không, các biện pháp đề ra sẽ vô ích, thậm chí còn cản trở nỗ lực của bác sĩ tuyến đầu", Bang Sang-hyok, người lãnh đạo của hiệp hội cho biết.
Thục Linh (Theo Korea Herald)
Nguồn: https://vnexpress.net/suc-khoe/bac-si-han-quoc-se-la-noi-doi-neu-bao-toi-khong-so-4064758.html
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Blog chuyên gia - 14/11/2023
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Blog chuyên gia - 27/09/2021
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Blog chuyên gia - 25/09/2021
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Blog chuyên gia - 23/09/2021
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?
Blog chuyên gia - 22/09/2021
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?