Bác sĩ kể lại 45 phút giành lại sự sống cho bệnh nhân Covid-19
Trong phòng điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, 3 nữ điều dưỡng đang tiến hành lau rửa, vệ sinh cho một bệnh nhân Covid-19 nặng.
Do người bệnh sức khỏe còn khá yếu, lại thêm việc nằm lâu ngày khiến cơ thể xuất hiện các vết loét tỳ đè, nhân viên y tế phải thực hiện việc lau rửa, bôi thuốc một cách rất cẩn trọng. Thỉnh thoảng, nữ điều dưỡng vỗ vai, động viên bệnh nhân khi thấy họ thoáng nhăn mặt.
Đoàn phóng viên chúng tôi có dịp được chứng kiến tất cả quá trình ấy qua một chiếc màn hình theo dõi lớn đặt ở phòng trực phía ngoài của khoa. Một phóng viên thốt lên: “Chăm sóc 1 bệnh nhân đã vất vả chừng này, không biết nhiều bệnh nhân sẽ còn mệt ra sao”.
Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh là đơn vị tuyến cao nhất của miền Bắc tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng, thường là các trường hợp phải thở máy. Hiên tại, khoa còn điều trị cho 4 bệnh nhân, trong đó các trường hợp đều đã cai được máy thở và đang trong quá trình hồi phục chức năng.
Ngoài việc theo dõi diễn tiến và đưa ra điều trị, do đặc thù của các ca nặng, nhân viên y tế tại đây phải chăm sóc toàn diện mọi sinh hoạt cá nhân cho người bệnh, từ giúp họ ăn uống tới tắm rửa, vệ sinh,…
Những ngày gần đây, số lượng người bệnh đã ít đi và các bệnh nhân đều đang có biến chuyển tốt, khoa duy trì kíp trực 12 tiếng gồm 1 bác sĩ, 3 điều dưỡng/ca, thay phiên nhau làm việc mỗi ngày. Ngoài kíp phía bên trong, luôn có các y bác sĩ trực “vòng ngoài”, sẵn sàng hỗ trợ mỗi khi có tình huống cấp bách.
Bác sĩ Trần Văn Kiên (sinh năm 1992) vừa kết thúc ca làm việc của mình. Chỉ cho tôi về những vệt hằn trên sống mũi và gò má do lực tỳ đè của khẩu trang N95, anh Kiên bảo, nhiều anh em trong khoa còn xuất hiện các vết loét, thậm chí chảy máu ở vùng mặt do làm việc thời gian dài trong bộ đồ bảo hộ.
“Để giảm đau khi có vết thương bị loét hay chảy máu, chúng tôi sẽ gắn thêm những miếng đệm mút dưới khẩu trang rồi tiếp tục làm việc”, bác sĩ Kiên chia sẻ.
Với đặc thù của đơn vị điều trị bệnh nhân nặng, trong phòng bệnh luôn có bác sĩ, điều dưỡng trực để kịp thời cấp cứu bệnh nhân những tình huống xấu.
Anh Kiên cho biết, thông thường, các y bác sĩ có thể thay nhau đi ăn nếu đến giờ cơm. Tuy nhiên, khi bệnh nhân diễn biến nguy kịch, kíp thường không rời phòng bệnh, thậm chí có những lúc bác sĩ phải đóng bỉm để đảm bảo luôn túc trực bên cạnh bệnh nhân.
Tình huống bác sĩ Kiên nhớ nhất trong những ngày điều trị các ca Covid-19 nặng là 45 phút giành giật sự sống cho bệnh nhân 19 (nữ bệnh nhân 64 tuổi ở Trúc Bạch, Hà Nội) khỏi “vòng tay tử thần”.
Một đêm giữa tháng 3, bệnh nhân 19 bất ngờ ngừng tuần hoàn. Ngay khi phát hiện tình huống xấu, kíp trực đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân. Nhiều bác sĩ khác của khoa từ “vòng ngoài” cũng ngay lập tức được huy động để hỗ trợ.
30 phút đầu nỗ lực hết sức, bệnh nhân vẫn chưa có đáp ứng. Mồ hôi ướt đầm vùng trán phía trong những bộ đồ bảo hộ, những điều xấu nhất đã được nghĩ đến. Thế nhưng, các bác sĩ không bỏ cuộc. Họ vẫn tiếp tục tìm mọi cách để giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Đến khoảng phút thứ 45, tim bệnh nhân bắt đầu có nhịp đập trở lại. Nơi phòng bệnh, mọi cảm xúc như vỡ òa.
“Hạnh phúc và xúc động vô cùng. Chúng tôi như tìm được ánh sáng nơi cuối đường hầm”, bác sĩ Kiên nhớ lại.
Bác sĩ Trần Văn Kiên - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2 |
Anh Kiên tâm sự, 4 năm công tác tại khoa Hồi sức tích cực tính cả thời gian học nội trú, anh đã có rất nhiều lần cấp cứu cho các ca ngừng tuần hoàn. Vì tỷ lệ thành công ở các ca bệnh tương tự không cao, anh đã chuẩn bị sẵn tâm lý khi tình xuống xấu xảy đến. Tuy nhiên, sự không bỏ cuộc tới tận cùng đã giúp các bác sĩ làm nên điều kỳ diệu.
Ngoài lần ngừng tuần hoàn nguy kịch, bệnh nhân 19 cũng từng phải chạy tim phổi nhân tạo khi tổn thương suy hô hấp tiến triển nặng, không còn đáp ứng thở máy. Các bác sĩ một lần nữa nỗ lực từng ngày để giúp bà cải thiện tổn thương phổi, tìm lại sự sống.
Sau tất thảy cố gắng của nhân viên y tế, bệnh nhân 19 dần ngừng chạy tim phổi nhân tạo, sau đó cai được thở máy. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh, giao tiếp tốt. Kết quả xét nghiệm của bà cũng bước đầu âm tính, cho thấy hy vọng rất lớn về sự hồi phục của trường hợp này.
Ngoài nữ bệnh nhân 64 tuổi nói trên, 3 ca bệnh khác còn đang điều trị tại khoa hiện cũng đều có ít nhất 1 lần âm tính nCoV.
Tính từ ngày 15/3, khi khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng đầu tiên tới nay, bác sĩ Kiên và nhiều đồng nghiệp khác không thể về nhà. Anh Kiên tâm sự, anh cũng có những lúc yếu lòng vì nhớ nhà, nhớ người thân.
Thế nhưng, các y bác sĩ tại đây có một nguồn động lực đặc biệt để vượt qua mọi khó khăn, chính là sự hồi phục của các bệnh nhân mà họ điều trị.
Ông John Garth, 74 tuổi, quốc tịch Anh (bệnh nhân 28) là một trường hợp đặc biệt mà anh Kiên rất nhớ. Ông John từng diễn tiến nặng, phải thở máy. Đến khi cai được máy thở, dù thể trạng còn mệt, ông luôn cố gắng tự thực hiện mọi sinh hoạt với sự phối hợp của nhân viên y tế. Mỗi khi trò chuyện với bác sĩ, ông John đều mỉm cười rất tươi và bày tỏ sự lạc quan.
“Nhìn thấy bệnh nhân nghị lực như vậy, tôi như được tiếp thêm năng lượng. Niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi thời điểm hiện tại là được thấy các bệnh nhân khỏe mạnh trở lại”, bác sĩ Kiên tâm sự.
Hiện nay, ông John Garth và vợ - cũng là một bệnh nhân Covid-19 khác đã trở về nước sau khi được chữa khỏi. Nhiều bệnh nhân Covid-19 từng điều trị tại khoa Hồi sức tích cực cũng được ra viện hoặc chuyển sang khu cách ly sau khỏi bệnh để theo dõi sức khỏe trước khi về lại cộng đồng.
Tại khoa Hồi sức tích cực, công việc của bác sĩ Kiên và các đồng nghiệp vẫn diễn ra như mọi ngày. Ngoài việc hồi phục chức năng cho 4 bệnh nhân còn lại, họ vẫn đang chuẩn bị sẵn tinh thần để ứng phó với các tình huống mới, khi dịch bệnh còn nhiều diễn biến.
Nguyễn Liên
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Blog chuyên gia - 14/11/2023
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Blog chuyên gia - 27/09/2021
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Blog chuyên gia - 25/09/2021
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Blog chuyên gia - 23/09/2021
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?
Blog chuyên gia - 22/09/2021
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?