Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nhiều lần thay đổi cách điều trị Covid-19

Theo VnExpress 08:21 05/10/2020 - Blog chuyên gia
Trong 9 tháng điều trị bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Cấp nhiều lần thay đổi cách chữa dựa trên kinh nghiệm thực tế, như đặt nội khí quản, kết luận nCoV lây qua khí dung...

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, 50 tuổi, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khi ấy là Trưởng khoa Cấp cứu. 9 tháng qua, anh cùng đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đứng ở tuyến đầu trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngay từ đầu dịch là cơ sở y tế điều trị chính bệnh nhân Covid-19 ở miền Bắc. Hầu hết bệnh nhân từ các tỉnh phía Bắc điều trị tại đây, chưa kể những người nghi nhiễm hay có yếu tố dịch tễ cách ly theo dõi. Khoảng 500 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại viện, chưa có ca tử vong.

Sáng 3/10, bác sĩ Cấp được lãnh đạo Hà Nội trao tặng danh hiệu "Công dân ưu tú Thủ đô" năm 2020 vì những đóng góp quan trọng trong các đợt dịch Covid-19.

Nhớ lại những ngày chống dịch, bác sĩ nói rằng việc điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân cần rất nhiều yếu tố: kế hoạch của bệnh viện, sự chuẩn bị tâm lý, kiến thức, kinh nghiệm điều trị các bệnh khác, nhất là khi Covid-19 là bệnh quá mới với cả thế giới, chưa ai biết gì về cơ chế gây bệnh, diễn biến bệnh lý... của nó. Anh xác định mình phải cố gắng vượt qua, cải tiến và đảm bảo phòng hộ an toàn không chỉ cho bản thân mà còn những người khác.

Anh không thể quên hai lần phải đưa ra những quyết định có tính bước ngoặt. Lần thứ nhất khi khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đón nam bệnh nhân sau "bệnh nhân 19". "Nếu bệnh nhân số 19 là điển hình cho lý thuyết trong y văn, còn bệnh nhân này ngược lại", bác sĩ Cấp kể lại.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Chi Lê.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Chi Lê.

Lúc này, Covid-19 vẫn còn quá mới, không có nhiều tài liệu nghiên cứu, nguồn thông tin hạn chế. Các quan điểm, chiến lược điều trị đều dựa vào các kiến thức đã có từ các bệnh lý tương tự hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

Tuy nhiên, không phải kinh nghiệm nào cũng đúng. Nếu chiếu theo lý thuyết và kinh nghiệm cũ, nam bệnh nhân này phải đặt ống nội khí quản và ECMO (hệ thống oxy hóa màng ngoài cơ thể). Thực tế, bác sĩ Cấp chỉ định chỉ hỗ trợ hô hấp không xâm nhập vì phù hợp với điều kiện của bệnh nhân hơn, đi ngược lại lý thuyết và kinh nghiệm trước đó. Sau một thời gian chăm sóc, bệnh nhân hồi phục, không cần thở máy, ECMO, chứng minh quyết định của bác sĩ là chính xác.

Lần thay đổi quan điểm thứ hai xảy ra khi nam bác sĩ, 29 tuổi đang làm việc tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nhiễm nCoV trong quá trình làm việc dù đã mặc đồ phòng hộ đầy đủ.

Bác sĩ Cấp cho rằng khí dung, giọt bắn kích cỡ siêu nhỏ và lơ lửng trong không khí thời gian dài, có thể là đường lây nhiễm virus trong tình huống này. "Cần phòng cả đường lây này", bác sĩ Cấp kết luận. Vì vậy, anh cùng các đồng nghiệp chế tạo thiết bị bảo hộ cá nhân từ những vật dụng có sẵn như mũ trùm đầu bộ bảo hộ an toàn sinh học cấp ba, thiết bị khí an toàn sinh học cấp 4...

"Lúc đó y bác sĩ chúng tôi rất hoang mang vì mặc bộ đồ bảo hộ đầy đủ rồi mà vẫn nhiễm. Lo lắng hơn cả chính là bác sĩ Cấp, trăn trở rất lâu về đường lây nhiễm nCoV trong môi trường kín", Nguyễn Đình Hưởng, 34 tuổi, điều dưỡng Khoa Cấp cứu, nhớ lại.

Mũ bảo hộ con vịt chống lây nhiễm nCoV do bác sĩ Cấp và đồng nghiệp cải tiến. Ảnh: Nhật Minh.
Mũ bảo hộ con vịt chống lây nhiễm nCoV do bác sĩ Cấp và đồng nghiệp cải tiến. Ảnh: Nhật Minh.

Thiết bị bảo hộ mới có tên gọi "thân thương" là "mũ bảo hộ con vịt".

"Nó rất tuyệt vời", Hưởng cho biết. Mũ này có thiết bị áp lực dương, màng lọc không khí, giúp người dùng dễ chịu, không làm mờ màng che mặt trong quá trình sử dụng và không gây hằn trên mặt như đeo khẩu trang N95.

"Sau đó, chúng tôi không có ai bị lây nhiễm nCoV nữa", điều dưỡng Hưởng nói.

Còn bác sĩ Cấp thì khiêm tốn: "Thực ra đây không phải phát minh gì mới, chúng tôi chỉ thay đổi quan điểm để vượt qua hoàn cảnh".

Theo bác sĩ Cấp, cần một chút liều và can đảm để thay đổi, dù thay đổi đó so với sách vở, lý thuyết chưa đúng. Vụ việc hai nhân viên y tế nhiễm nCoV dù được cung cấp, mặc đồ bảo hộ rất đầy đủ, là một ví dụ điển hình. Dù chưa được thế giới đồng thuận, các y bác sĩ buộc phải lật ngược quan điểm về đường lây truyền Covid-19: bệnh lây rất dễ dàng thay vì lây hạn chế từ người sang người và có thể lây qua khí dung, không còn chỉ qua các giọt bắn nhỏ.

"Thay đổi quan điểm điều trị khi thế giới chưa đồng thuận thật không dễ dàng", anh nói.

Các quan điểm, kiến thức về dự phòng lây nhiễm Covid-19 của bác sĩ Cấp càng được củng cố khi bệnh viện nhận nhiệm vụ sang Guinea Xích Đạo đưa hơn 200 công dân về nước, trong đó phẩn lớn họ nhiễm nCoV. Khi ấy, bệnh viện đã chuẩn bị rất kỹ, theo cách rất riêng, để đảm bảo không lây nhiễm nCoV trên máy bay và cho người lành lẫn phi hành đoàn cùng tổ công tác.

Tổ y tế của bệnh viện có 4 người, mang theo 6 bộ đồ bảo hộ con vịt, trang bị thêm buồng áp lực dương để ngăn cản tối đa nguy cơ lây nhiễm. Kết quả, toàn bộ đoàn đón công dân đều an toàn, âm tính nCoV.

Những kinh nghiệm điều trị này cũng được đúc rút, theo bác sĩ Cấp vào hỗ trợ các y bác sĩ tại Huế đầu tháng 8, trong đợt bùng phát Covid-19 lần thứ hai. Sau đó một tuần, tình hình chống dịch đã ổn định hơn rất nhiều so với trước đó.

Bác sĩ Cấp cùng đồng nghiệp hội chẩn cho bệnh nhân nặng ngày 28/9. Ảnh: Chi Lê.
Bác sĩ Cấp cùng đồng nghiệp hội chẩn cho bệnh nhân nặng ngày 28/9. Ảnh: Chi Lê.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ hai đã qua. Hiện bác sĩ Cấp vừa tham gia điều trị bệnh nhân thường, vừa điều phối và tư vấn, định hướng công tác chuyên môn của bệnh viện trong thời gian tới.

Chia sẻ về danh hiệu Công dân ưu tú thủ đô, bác sĩ Cấp cho rằng anh chỉ may mắn hơn những người khác, là đại diện cho các nhân viên y tế xuất sắc được nhận thưởng.

Theo bác sĩ Cấp, hạnh phúc nhất là khi được ngồi uống cà phê tại quán quen, đi lại ngắm mọi người, được ra ngoài, không còn phải cách ly. "Khi ấy, tôi mới cảm thấy ý nghĩa và nỗ lực chống dịch được đền đáp", anh nói.

Chi Lê

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Blog chuyên gia - 14/11/2023

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Blog chuyên gia - 27/09/2021

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Blog chuyên gia - 25/09/2021

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Blog chuyên gia - 23/09/2021

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Blog chuyên gia - 22/09/2021

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới