Chuyên gia chỉ ra bài học cho các bệnh viện tránh thành ổ dịch như Bạch Mai
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp TT Đáp ứng sự kiện y tế công cộng khẩn cấp, Bộ Y tế cảnh báo nhiều nguy cơ với các cơ sở y tế.
Đứng ở góc độ dịch tễ, đến thời điểm hiện tại, ông đánh giá như nào về những ca bệnh Covid-19 liên quan tới BV Bạch Mai?
Chúng tôi đánh giá “ổ dịch” ở Bạch Mai xuất phát từ 3 nơi gồm TT Bệnh nhiệt đới, khoa Thần kinh và từ công ty Trường Sinh – đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống cho bệnh viện.
Đến nay đã phát hiện 43 ca mắc Covid-19 liên quan đến BV Bạch Mai, trong đó có 27 trường hợp là nhân viên công ty Trường Sinh, một số là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
PGS.TS Trần Đắc Phu
Điều này cho thấy có sự lây lan trong môi trường bệnh viện, ngoài cộng đồng và lây lan giữa các nhân viên của công ty Trường Sinh. Mấy hôm nay vẫn phát hiện tiếp, đó là điểm phải lưu ý.
“Ổ dịch” tại Trường Sinh được đánh giá phức tạp vì công ty này không chỉ phục vụ riêng cho BV Bạch Mai mà còn cho một số cơ sở y tế khác.
Tuy nhiên rất may, ngoài 2 điều dưỡng TT Bệnh nhiệt đới đã mắc Covid-19 trước đó, hiện tại hơn 7.000 nhân viên y tế Bạch Mai được xét nghiệm, chưa phát hiện thêm trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Dù vậy, một số nhân viên công ty Trường Sinh đã về nhà, tiếp xúc trong cộng đồng nên các địa phương phải theo dõi chặt, yêu cầu tất cả những người tiếp xúc với những người này phải cách ly tại nhà hoặc khai báo y tế.
Vừa qua BV Bạch Mai đã thực hiện một loạt giải pháp nối tiếp nhau, từ phong toả từng khoa đến nội bất xuất ngoại bất nhập toàn bệnh viện. Với những giải pháp như hiện tại, chúng ta có thể kiểm soát được “ổ dịch” này?
Với những dữ kiện hiện tại, chúng ta có thể “kiểm soát” được ổ dịch này. Hiện chưa phát hiện thêm nhân viên y tế nào mắc Covid-19, “ổ dịch” tại Trường Sinh ban đầu cũng quản được như tại BV Nội Tiết, BV Hữu Nghị xét nghiệm các nhân viên của công ty này làm việc tại nhà ăn đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Với 44.000 người từng ra vào BV Bạch Mai từ 12-28/3, Bộ Y tế cũng đã họp với các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, yêu cầu các địa phương lập danh sách, cách ly, theo dõi toàn bộ những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính, tiếp xúc với người tiếp xúc gần và những trường hợp có nguy cơ để quản lý. Các tỉnh đang làm rất tốt.
Bước đầu Hải Phòng, Quảng Ninh thông báo chưa phát hiện trường hợp nào mắc Covid-19 trong danh sách này.
Riêng tại BV Bạch Mai, ngay khi dịch xảy ra tại TT Bệnh nhiệt đới, C4 Viện Tim mạch, bệnh viện đã phong toả, cách ly toàn bộ nhân viên của khoa, chuyển bệnh nhân sang BV Bệnh nhiệt đới, sau đó khi phát hiện ca bệnh ở khoa Thần kinh, lại tiếp tục phong toả rồi cách ly toàn bệnh viện.
Việc phong toả, cách ly bệnh viện vừa qua là một sự cân nhắc kỹ càng, phải tính toán sao cho phù hợp.
Bạch Mai là cơ sở y tế rất lớn, là tuyến cuối nên điều trị rất nhiều bệnh nhân nặng, do đó việc khoanh vùng BV Bạch Mai khác với những vùng khác, phải tính đến cơ chế rất đặc thù khi vừa đảm bảo khám chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân nặng, vừa đảm bảo các nguyên tắc để dịch không lây lan.
Trong lúc này, chúng tôi mong tất cả người dân ủng hộ, giúp đỡ BV Bạch Mai, không được kỳ thị với nhân viên y tế, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt có rất nhiều bệnh nhân nặng chỉ Bạch Mai mới cứu chữa được.
Giờ khi dịch đã xuất hiện ở cộng đồng, sự việc tại BV Bạch Mai có lẽ không còn là cá biệt nữa, thưa ông?
Đúng là như vậy, trước đó đã có bài học của BV Hồng Ngọc liên quan đến bệnh nhân số 17. Sau đó bệnh viện đã phải tạm ngừng hoạt động, cách ly 150 nhân viên y tế.
Các bệnh viện đối mặt với nhiều nguy cơ bị dịch Covid-19 xâm nhập
Giờ đã xuất hiện những ca bệnh trong cộng đồng, đồng nghĩa rất nhiều bệnh nhân có biểu hiện sốt, triệu chứng tưởng cúm nhưng có thể đã nhiễm Covid-19 đến các cơ sở y tế khám bệnh. Nếu bệnh viện không phân luồng tốt, không phát hiện sớm, không thực hiện phòng hộ, phòng bệnh ngay từ đầu thì nguy cơ bùng dịch trong bệnh viện rất cao.
Mới nhất, ngay tối qua, Bộ Y tế đã công bố bệnh nhân 237 đi qua rất nhiều bệnh viện như Việt Pháp, Đức Giang, Huyết học – Truyền máu Trung ương.
Do đó, hơn bao giờ hết, các cơ sở y tế cần chuẩn bị thật tốt các phương án phân loại bệnh nhân, khai thác thật kĩ yếu tố dịch tễ. Song song với đó, cần quản lý thật tốt các dịch vụ từ bên ngoài, quản được người vào chăm.
Với dịch vụ bên ngoài, có lẽ giai đoạn trước, nhiều cơ sở điều trị chỉ chú ý khám bệnh, điều trị bệnh nhân mà không để ý đến các dịch vụ này, trong khi dịch vụ này tiếp xúc với nhiều khoa phòng, bệnh nhân nên rất dễ lây lan sang cơ sở khám chữa bệnh.
Xin cảm ơn ông!
Thúy Hạnh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Blog chuyên gia - 14/11/2023
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Blog chuyên gia - 27/09/2021
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Blog chuyên gia - 25/09/2021
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Blog chuyên gia - 23/09/2021
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?
Blog chuyên gia - 22/09/2021
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?