Chuyên gia dịch tễ: 'Đã khoanh trúng và đúng ổ dịch'
Ông Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, sáng 1/2 cho biết năm ngày qua đã ghi nhận số lượng lớn các ca nhiễm cộng đồng liên quan tới hai ổ dịch ở Quảng Ninh và Hải Dương. Mặc dù số người bệnh tăng nhưng đều được khoanh vùng, lấy mẫu từ trước. Điều này cho thấy lực lượng chức năng đã khoanh vùng được ổ dịch, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan, tạo thành các ổ dịch mới.
"Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 rất quyết liệt, vào cuộc sớm; Bộ Y tế cũng vào cuộc, làm đúng, trúng", ông Phu nhận định.
Ông cũng cho rằng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra thời hạn 10 ngày để xử lý hai ổ dịch "và đã làm được". Hiện ghi nhận chỉ còn các ca lây lan từ ổ dịch cũ, xuất hiện tại các địa phương mới và không tạo thành ổ dịch. "Điều này cũng cho thấy công tác truy vết của Việt Nam đang rất hiệu quả", ông nói.
Điều kiện nào để kết luận một ổ dịch đã được kiểm soát? Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), cho rằng các yếu tố cơ sở để xác định đã kiểm soát được ổ dịch gồm năng lực khoanh vùng, xét nghiệm và cách ly. Trong vòng 5-10 ngày, sớm khoanh vùng những người bị bệnh, cách ly xét nghiệm những người tiếp xúc gần thì sẽ sớm chặn được dịch.
"Một cụm dịch gọi là kiểm soát được khi số ca mới giảm dần đến hết, tất cả F1 được cách ly, tránh nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng", bác sĩ Khanh nói. Vấn đề quan trọng là sự đồng lòng của người dân. Nếu người dân giấu, không khai báo y tế hoặc khai báo trễ thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả chống dịch.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định mức độ đợt dịch này phức tạp hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước. Đa số người mắc Covid-19 chủ yếu là trẻ tuổi, quá trình đi lại, tiếp xúc trong cộng đồng lớn nên rất khó kiểm soát. Việc phát hiện muộn, lại không tìm được F0, thậm chí F1, khiến dịch ngày càng lan rộng. Nhiều bệnh nhân chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Đợt dịch này đúng vào dịp Tết nhu cầu đi lại cao, là yếu tố nguy cơ thuận lợi để bệnh lây lan mạnh.
Ngoài ra, biến chủng có chu kỳ lây lan rút ngắn nên tốc độ lây lan sẽ nhanh hơn. Bình thường chu kỳ lây bệnh từ người thứ nhất sang người thứ 2 trước kia mất 5 ngày. Nhưng hiện nay chu kỳ đó đã rút ngắn chỉ còn 3 ngày. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nguồn lây.
Vì vậy theo ông Nga, cơ quan chức năng cần phải truy vết rộng hơn, rà soát những người tiếp xúc đang tăng lên theo cấp số nhân để đối phó khi dịch Covid-19 bùng phát. "Phải đặt trong tình huống là ở bất kỳ đâu cũng có thể bùng phát dịch trong cộng đồng nếu lơ là mất cảnh giác, không tuân thủ các biện pháp chống dịch", phó giáo sư Nga nói.
Chỉ còn 10 ngày là Tết nguyên đán, có thể một số người sẽ không khai báo y tế để khỏi phải đi cách ly xuyên Tết. Trong khi đó, khả năng lây nhiễm trong cộng đồng sẽ rất lớn, nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên tự giác khai báo y tế, bởi nếu không khai báo sớm, đến khi phát hiện bệnh phải đi cách ly thì lúc đó sẽ ảnh hưởng nhiều đến bản thân, gia đình và mọi người xung quanh hơn nữa.
Ông Phu khuyến cáo nguy cơ dịch bệnh vẫn rất cao dù Việt Nam đã khoanh trúng và kiểm soát được ổ dịch. Hiện vẫn tiềm ẩn dịch bệnh xuất hiện do tình hình Covid-19 trên thế giới rất phức tạp, trong khi đó Việt Nam cần mở cửa, hội nhập, phát triển kinh tế. Vì vậy, ông Phu khuyến cáo người dân cần chấp hành nghiêm chỉ đạo của chính quyền và thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, duy trì các biện pháp phòng bệnh trong dịp Tết Nguyên đán, trên các phương tiện giao thông. Mọi người không nên tổ chức các hoạt động đông người như liên hoan tất niên, gặp gỡ và tổ chức ăn uống, vì sẽ tạo cơ hội cho dịch bệnh lây lan.
Chi Lê - Thúy Quỳnh - Lê Phương - Thùy An
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Blog chuyên gia - 14/11/2023
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Blog chuyên gia - 27/09/2021
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Blog chuyên gia - 25/09/2021
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Blog chuyên gia - 23/09/2021
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?
Blog chuyên gia - 22/09/2021
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?