Chuyên gia dịch tễ nói gì về số ca mắc liên tục giảm?
Giai đoạn 2 của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam bắt đầu từ ngày 7-4 với việc phát hiện thêm bốn ca có yếu tố dịch tễ khác hoàn toàn với những ca ở giai đoạn đầu, chủ yếu từ châu Âu về Việt Nam. Số ca mắc tại Việt Nam lên đỉnh điểm vào ngày 22-3 với 19 ca và sau đó có xu hướng tăng nhẹ và giảm dần.
Đặc biệt, trong bốn ngày gần đây, số ca mắc giảm mạnh, từ 10 ca ngày 3-4 xuống ba ca ngày 4-4, một ca ngày 5-4 và đến sáng nay, ngày 6-4, Việt Nam chưa ghi nhận thêm ca nào.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh những ngày qua, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho hay, các ca mắc mới giảm bởi Việt Nam đã triển khai biện pháp mạnh mẽ là tập trung giám sát các ca bệnh nhập cảnh. Thực tế, khi số người nhập cảnh đã giảm thì số ca mắc được ghi nhận trong nhóm này cũng giảm hẳn.
Tuy nhiên, PGS Phu khẳng định, hiện tại, vẫn chưa thể đánh giá được tình hình dịch bệnh. Bây giờ mối quan tâm chính là các ca trong cộng đồng. Nếu như ở giai đoạn một, mục tiêu của Việt Nam là làm chậm thời gian xuất hiện dịch, từ đó làm chậm quá trình bùng phát dịch, thì thực tế, chúng ta đã làm mạnh các biện pháp khoanh vùng, cách ly và dập dịch nên dịch diễn biến chậm, đến giờ vẫn chưa bùng. Tuy nhiên, ở giai đoạn hai với những diễn biến về dịch tễ khác với giai đoạn đầu và số ca mắc, nhất là ca mắc trong cộng đồng tăng nhanh, nếu Việt Nam không làm tốt, dịch sẽ bùng lên như ở các nước.
"Vì thế, trong thời gian quyết định này, người dân tuyệt đối không được lơi lỏng, vẫn phải giữ vững tinh thần "chống dịch như chống giặc". Hiện, nhiều người chưa ý thức được tình hình, vẫn đi lại, không thực hiện giãn cách xã hội", ông Phu nói.
Để dịch không bùng phát, chuyên gia dịch tễ này một lần nữa nhấn mạnh, người dân vẫn cần phải nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội và làm theo những khuyến cáo từ Bộ Y tế như không tiếp xúc gần; không đi ra ngoài khi cảm thấy không thực sự cần thiết; không tập trung quá hai người tại nơi công cộng; luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc và luôn đứng cách xa người khác 2 m; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn.
Số ca mắc giảm dần trong ba ngày qua đến nay.
Trước thực trạng số ca giảm mạnh trong những ngày qua, PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho rằng đây là một tín hiệu vui song việc chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 chưa có giá trị dịch tễ để đánh giá dịch đã lui. Theo đó, phải ít nhất trong hai tuần không có thêm ca mắc mới có thể nói dịch đã lui hay chưa.
“Việt Nam đang trong giai đoạn vàng để ngăn chặn dịch. Cơ hội trong những ngày này là hạn chế lây lan đến mức thấp nhất, khoanh vùng kịp thời các ổ dịch Covid-19 để nó không bùng phát mạnh trong cộng đồng. Tuân thủ cách ly xã hội của người dân được xem là có ảnh hưởng trực tiếp việc thành bại khống chế dịch”, PGS, TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhận định, còn sớm để có thể đánh giá tình hình. Bởi số ca mắc còn phụ thuộc vào công cụ tìm kiếm. Lo ngại nhất hiện nay là các mầm bệnh vẫn còn ở trong cộng đồng.
Vì thế, hiện nay, xét nghiệm nhanh là một giải pháp để rà soát các mầm bệnh trong cộng đồng. Các trạm xét nghiệm nhanh (xét nghiệm huyết thanh) có tác dụng chỉ điểm nhất định và là yếu tố khả quan để tiên lượng tình hình dịch trong cộng đồng, hạn chế các trường hợp mất dấu F0.
Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Việt Nam hiện là một trong những nước được mua test X-pert Xpress SARS-CoV-2. Đây là hệ thống máy của chương trình chống lao đang thực hiện thường quy tại Việt Nam từ năm 2012. Việt Nam đang có 175 máy và sẽ có thêm khoảng 30 máy nữa trong thời gian tới. Hệ thống này xét nghiệm virus SARS-CoV-2 dựa trên định danh của ba loại gien nên tính chính xác có thể trên 90%, tương đương với xét nghiệm RT-PCR. Đặc biệt, thời gian có kết quả xét nghiệm chỉ từ 35-45 phút. Đây là biện pháp tốt nhất để sàng lọc những trường hợp nghi ngờ và phát hiện đích danh các ca nhiễm trong cộng đồng. Máy xét nghiệm này đang được triển khai trong phạm vi toàn quốc.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Blog chuyên gia - 14/11/2023
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Blog chuyên gia - 27/09/2021
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Blog chuyên gia - 25/09/2021
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Blog chuyên gia - 23/09/2021
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?
Blog chuyên gia - 22/09/2021
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?