"Để người dân tự xét nghiệm Covid-19, không nhất thiết nhập viện tất cả F0"
Lần này không dễ "cắt đuôi" Covid-19
Trong suốt các đợt dịch Covid-19 vừa qua, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì chiến lược "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực" một cách hiệu quả.
Trong đợt dịch thứ tư này, với sự xuất hiện của các biến thể mới, tốc độ lây lan chóng mặt khi số ca mắc mới nhanh chóng vượt hơn 10 nghìn sau chưa đầy 2 tháng. Đáng chú ý, dịch đã tấn công mạnh vào các khu công nghiệp, bệnh viện, những nơi tập trung đông người...
Ở giai đoạn này, phải thẳng thắn nhìn nhận là muốn thực hiện “cắt đuôi” Covid-19 như 3 giai đoạn trước là rất khó. Không còn cách nào khác, chúng ta phải xác định sống chung với dịch.
Suy nghĩ lại về chiến lược chống dịch trong giai đoạn mới là điều nên làm, cần làm lúc này.
Để người dân tự lấy mẫu, tự xét nghiệm
Trước hết, về mặt kỹ thuật phải đẩy mạnh xét nghiệm. Việc mở rộng xét nghiệm được coi là yếu tố cốt tử ở giai đoạn hiện nay. Trong đó, cần mở rộng nhiều loại xét nghiệm, thậm chí tính toán cả khả năng người dân có thể tự lấy mẫu và tự xét nghiệm.
Theo đó, mỗi khi cảm thấy không yên tâm, có yếu tố nguy cơ như mới gặp ai đó, mới tới một đám đông nào đó; hoặc khi thấy có triệu chứng, người dân có thể tự mua bộ xét nghiệm bán tại các hiệu thuốc để làm xét nghiệm cho mình.
Nếu xét nghiệm âm tính vẫn cần tự cách ly và thực hiện 5K. Cần khuyến cáo người dân làm xét nghiệm lại sau 7 và 14 ngày.
Còn nếu kết quả dương tính, phải gọi ngay cho cơ quan y tế giải quyết theo hướng dẫn hiện hành.
Việc này sẽ giúp phát hiện nhanh nhất các trường hợp dương tính và đang ở giai đoạn dễ lây nhiễm cho người khác nhất trong khi không rõ nguồn lây.
Bằng cách này, ngân sách sẽ giảm bớt được gánh nặng mà vẫn xét nghiệm được trên diện rộng.
Tất nhiên, không thể chắc chắn rằng tất cả các nguy cơ đều được ngăn chặn, tất cả các trường hợp dương tính đều được phát hiện sớm.
Tuy nhiên đây là giải pháp khả dĩ để chúng ta có thể sống chung với dịch thay vì đóng băng vì phong tỏa và giãn cách diện rộng ở một số địa phương như hiện nay.
Không nhất thiết cách ly tập trung F0 không triệu chứng
Về điều trị, để giảm tải cho hệ thống bệnh viện, cần nghiên cứu thí điểm quản lý cách ly ngoài bệnh viện đối với khoảng 84% F0 không triệu chứng hoặc nhẹ, không cần chăm sóc y tế, có thể tự khỏi (giống như cách ly F1 tại nhà đang thí điểm).
Đồng thời, cần theo dõi chặt chẽ, khi cần vào viện là có xe chuyên dụng đến đưa đi kịp thời.
Chỉ các trường hợp F0 thực sự cần điều trị y tế hoặc không có đủ điều kiện cách ly ngoài bệnh viện mới cần thực hiện các biện pháp như hiện nay.
Như vậy, các bệnh viện sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực để điều trị các bệnh nhân khác. Nhiều bệnh khác cũng rất nguy hiểm đến tính mạng con người nếu không được nhập viện hoặc không có đủ thiết bị điều trị, đặc biệt là máy thở, chứ không chỉ Covid-19.
Trong phòng chống dịch Covid-19, truy vết là hết sức cần thiết, nhưng việc xử lý kết quả truy vết ở thời điểm này cần có kinh nghiệm chuyên sâu, đánh giá được mức độ nguy cơ và có xét nghiệm chất lượng cao (nhạy và chính xác) hỗ trợ.
Nếu F1 đã xét nghiệm âm tính (xét nghiệm đáng tin cậy) thì cần giải phóng F2, F3 ngay lập tức.
Riêng với F1, hoàn toàn có thể có nhiều hình thức thực hiện cách ly tại nhà, khách sạn để giảm nguy cơ lây chéo trong khu tập trung đang quá tải. Tất nhiên việc này phải được thực hiện trong điều kiện an toàn.
Những điều kiện an toàn để cách ly tại nhà cần quy định rõ, đó là: F1, F0 phải là người có hiểu biết, có cam kết nghiêm túc thực hiện cách ly và chịu trách nhiệm trước pháp luật; phải ở trong phòng riêng có khu vệ sinh; có người phục vụ (thường là người nhà bệnh nhân) phải ký cam kết; phải có phương tiện giám sát để đảm bảo an toàn cộng đồng (ví dụ như camera hay vòng đeo tay giám sát bằng công nghệ).
Theo quan điểm của tôi, F1, F0 chỉ có thể cách ly tại nhà khi đáp ứng đủ các tiêu chí, đảm bảo không để lây ra người thân và cộng đồng. Cần sớm có chủ trương cho việc này vì từ khi quyết định đến lúc thực hiện cũng cần thời gian chuẩn bị.
Khoanh vùng đúng, trúng, tránh "bế quan, tỏa cảng"
Về khoanh vùng dập dịch, chúng ta vẫn luôn cân nhắc giữa an toàn và thiệt hại kinh tế.
Nhưng nếu khoanh vùng rộng trong khi đánh giá tình hình dịch mơ hồ thì chắc chắn lợi bất cập hại.
Vậy, để có thể khoanh vùng thật gọn thì cần có năng lực xét nghiệm thật tốt để phát hiện và đánh giá nhanh, có đủ dữ liệu phân tích tình hình dịch có khả năng lan rộng đến đâu. Khoanh vùng 3 lớp cũng là điều cần được áp dụng.
Trên thực tế, việc khoanh vùng gọn luôn đi kèm với nguy cơ mất an toàn, và quyết định khoanh vùng đến đâu luôn là điều làm đau đầu những người có trách nhiệm.
Bởi thế, cần có đội ngũ kỹ thuật tham mưu tốt, nếu không sẽ xảy ra tình trạng có địa phương "bế quan, tỏa cảng" khi chưa thật sự cần thiết, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế xã hội. Hoặc trái lại có địa phương do dự, lơ là, buông trôi qua thời điểm vàng, để dịch lan rộng gây hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Và cuối cùng, để nhanh chóng kiểm soát dịch, đương nhiên vấn đề đạt được miễn dịch cộng đồng bằng vaccine là yếu tố cốt lõi.
Nỗ lực hết sức để có được vaccine cho cộng đồng càng sớm càng tốt, đó là chiến lược kiểm soát dịch Covid-19 bền vững nhất.
PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Blog chuyên gia - 14/11/2023
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Blog chuyên gia - 27/09/2021
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Blog chuyên gia - 25/09/2021
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Blog chuyên gia - 23/09/2021
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?
Blog chuyên gia - 22/09/2021
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?