Lãnh đạo Bạch Mai: ‘Bệnh nhân không phải con gà béo để bóc lột’

HÀ NỘI - Phó Giám đốc Dương Đức Hùng cho biết Covid-19 giúp lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai quyết xóa nạn bòn rút tiền người bệnh, bởi "bệnh nhân không phải con gà béo để bóc lột".

- Sau thời gian bị phong tỏa do Covid-19, bệnh viện thay đổi như thế nào?

- Bệnh viện Bạch Mai đã bước vào tự chủ từ đầu năm 2020. Tuy nhiên khi vừa triển khai thực hiện thì dịch Covid-19 xảy ra, việc bị cách ly toàn viện là biến cố không ngờ. Tuy nhiên trong giai đoạn đó, chúng tôi có thời gian ngồi suy nghĩ về hướng đi sắp tới của bệnh viện, không bị cuốn theo công việc và sự quá tải thường ngày.

Hiện nay, bệnh viện chưa quay trở lại 100% công suất như trước khi có dịch, nhưng chúng tôi đặt vấn đề bệnh viện cần thay đổi để phù hợp với yêu cầu tự chủ và tình hình mới. Nguyên tắc chủ đạo là công khai, minh bạch, lấy chất lượng làm tiêu chí. Mục tiêu hàng đầu của bệnh viện là phục vụ người bệnh, các hoạt động khác cũng phải xoay quanh tiêu chí này.

Chúng tôi đã có những điều chỉnh, một số thay đổi về bề mặt, ví dụ như bệnh viện quang đãng hơn, sạch sẽ hơn, bớt người vào đi lại trong viện. Chúng tôi sắp xếp lại một số cơ cấu tổ chức, ví dụ chỉ duy trì một bãi đỗ xe máy, cấm xe máy đi lại tự do trong khuôn viên bệnh viện.

Tình trạng đi lại trong bệnh viện trước kia rất lộn xộn, khiến xe cấp cứu đưa bệnh nhân nặng tới chậm, gây nguy hiểm tính mạng. Giờ đây số lượng xe ra vào bệnh viện đều được kiểm soát, không phải cứ có nhu cầu đến bệnh viện thì sẽ được đi xe vào, mà ưu tiên cho cấp cứu và bệnh nhân nặng.

Bệnh viện nào cũng có người tử vong, phải có nhà xác, nhà đại thể, khoa giải phẫu bệnh. Tuy nhiên việc tổ chức tang lễ, kèn trống theo truyền thống gây ảnh hưởng tới tâm lý của người đang điều trị. Vì vậy chúng tôi thay đổi, làm hợp đồng với các đơn vị chuyên tổ chức tang lễ của thành phố, khang trang và chuyên nghiệp hơn. Nhà tang lễ của bệnh viện sẽ không làm tang lễ với kèn trống ầm ĩ nữa.

Chúng tôi cũng ưu tiên tuyệt đối cho chăm sóc và điều trị người bệnh như đi sâu kiểm soát nhiễm khuẩn, vấn đề sử dụng kháng sinh dự phòng... Những việc này không thay đổi ở bề nổi, nhưng sẽ thay đổi về gốc rễ trong điều trị. Và giai đoạn tới chắc chắn Bạch Mai còn nhiều thay đổi nữa.

Bác sĩ Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Giang Huy.
Bác sĩ Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Giang Huy.

- Bệnh viện làm gì để nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh?

Tôi chỉ lấy ví dụ về việc thăm và nuôi người bệnh để trả lời. Vì bệnh tật, rất nhiều hoạt động bệnh nhân không tự làm được nên cần người nhà chăm sóc. Nhưng có những hoạt động chăm sóc chuyên môn, người nhà không thể thực hiện, ví dụ khi bệnh nhân thở máy. Thậm chí bệnh nhân cao tuổi bị liệt nửa người, người nhà chăm chỉ chăm sóc được một thời gian sau đó mệt mỏi, vậy ai sẽ là người thay thế?

Ở nhiều cơ sở y tế, không chỉ riêng Bệnh viện Bạch Mai, có đội ngũ chăm người bệnh thuê, hoạt động dựa trên thỏa thuận giữa gia đình bệnh nhân và người nhận dịch vụ. Song, rất khó kiểm soát về mặt chăm sóc và giá cả, uy tín của người chăm sóc. Có những gia đình bị bòn rút nhiều tiền hoặc bị nâng giá cao vì có điều kiện một chút. Trong khi đó, nhu cầu chăm sóc người bệnh luôn luôn tồn tại.

Vấn đề đặt ra là kiểm soát chất lượng thế nào? Bệnh viện Bạch Mai không thể không kiểm soát. Tới đây chúng tôi sẽ đưa ra mô hình chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, trong đó có người trợ giúp chăm sóc, đào tạo, tổ chức chăm sóc cho gia đình bệnh nhân có nhu cầu và ký hợp đồng rõ ràng. Bệnh viện kiểm soát về chất lượng và giá cả và tính vào tiền giường bệnh.

- Bệnh viện giải quyết tình trạng bệnh nhân nằm ghép giường, thiếu giường ra sao?

Giường theo yêu cầu đã có từ nhiều năm nay, khi xảy ra sự khác biệt về cơ sở vật chất giữa giường bệnh kế hoạch và giường theo yêu cầu. Giường theo yêu cầu sinh ra dựa trên cơ sở nhu cầu về điều kiện nằm viện tốt hơn, tránh nằm ghép của bệnh nhân.

Chúng tôi sẽ xây dựng tiêu chuẩn về giường theo yêu cầu như phải có phòng riêng, toa lét, các điều kiện vật chất đi kèm. Không thể chỉ tính giường theo yêu cầu là có điều hòa như trước đây vì hiện nay 100% khoa phòng ở Bệnh viện Bạch Mai đều có điều hòa để giúp bệnh nhân chịu đựng cái nắng nóng. Tiêu chí của giường theo yêu cầu còn phải kèm chất lượng dịch vụ.

Trong tương lai, chúng tôi đẩy mạnh chất lượng chăm sóc trong bệnh viện, tiến tới không còn giường theo yêu cầu trong bệnh viện nữa mà tất cả cung cấp dịch vụ tốt nhất có thể.

Chất lượng chăm sóc, phục vụ sẽ giống nhau giữa giường theo yêu cầu và giường không theo yêu cầu.

Hiện tỷ lệ giường theo yêu cầu được duy trì ở mức dưới 30%, một số đơn vị giảm 50%. Tương lai chúng tôi tiến tới chỉ còn 25-20% giường theo yêu cầu, sau đó xóa giường theo yêu cầu, tập trung cung cấp dịch vụ tốt nhất.

Bệnh viện Bạch Mai là tuyến cuối nên không thể tránh được bệnh nhân cấp cứu và từ tuyến cuối chuyển lên. Chúng tôi không chủ động được số lượng bệnh nhân, xảy ra tình trạng nằm ghép. Vì vậy sẽ có mô hình để hạn chế nằm ghép, ví dụ cho bệnh nhân nằm tạm trên cáng 24 tiếng, sau đó sẽ sắp xếp giường bệnh hoặc chuyển bệnh nhân về tuyến dưới. Một bệnh nhân cấp cứu chưa sắp xếp giường thì trong vòng 24 tiếng phải giải quyết tình trạng đó.

Hàng ngày số lượng bệnh nhân cấp cứu và số lượng bệnh nhân các khoa phòng sẽ được báo cáo lên phòng kế hoạch tổng hợp sau đó báo cáo phó giám đốc phụ trách chuyên môn để đưa ra chỉ đạo quyết liệt ngay.

Chúng tôi đang cố gắng duy trì không nằm ghép bằng cách kiểm tra liên tục. Đơn vị nào để bệnh nhân nằm ghép, phải trả lời trước ban lãnh đạo bệnh viện lý do và giải tỏa ngay tình trạng nằm ghép.

Các phòng, ban phối hợp rà soát, những bệnh nhân thực sự cần nằm viện mới tiếp nhận điều trị nội trú. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ hội chẩn chuyên môn với hội đồng khoa học, để luận xem trường hợp này có cần điều trị nội trú không.

Bác sĩ bệnh viện Bạch Mai khám cho bệnh nhân. Ảnh: Giang Huy.
Bác sĩ bệnh viện Bạch Mai khám cho bệnh nhân. Ảnh: Giang Huy.

Chúng tôi cũng sẽ mở các mô hình khác được bảo hiểm chi trả để giải quyết nhu cầu khám chữa bệnh trong ngày. Có rất nhiều bệnh nhân chỉ cần truyền hóa chất xong về, không có lý do gì để điều trị nội trú rồi đẩy tình trạng nằm ghép tăng lên. Bạch Mai bắt đầu mở điều trị ban ngày để giải tỏa chuyện nằm ghép.

Chúng tôi quy định nếu đơn vị nào để người nằm ghép thì không được thu tiền theo yêu cầu. Tất cả đang được thực hiện nghiêm túc. Nhưng Bạch Mai chưa hẳn đã hết nằm ghép đâu, vì bây giờ bệnh viện mới hoạt động trở lại và hậu cách ly, chưa phục vụ như trước khi chưa có dịch. Chúng tôi đang tiếp tục kiểm soát và giảm nằm ghép ở mức tối thiểu.

- Bệnh viện nói gì khi người bệnh phải trả tiền cho những dịch vụ nhỏ nhưng tốn kém tại bệnh viện, ví dụ dịch vụ vận chuyển, vệ sinh công cộng?

Bệnh viện Bạch Mai không kiếm tiền qua mấy loại phí nhỏ nhặt như vậy mà mong muốn cung cấp dịch vụ thỏa mãn yêu cầu của người bệnh. Nhưng thực tế bệnh viện không thể ôm hết các dịch vụ mà phải đấu thầu để đơn vị khác đảm nhận, còn tiêu cực xảy ra khi người nhà tự thỏa thuận với các đơn vị dịch vụ và đôi khi vụ việc không xảy ra trong khuôn viên bệnh viên.

Tôi rất lo lắng những chuyện như vậy, mệt mỏi vì bệnh viện sẽ phải chịu liên đới trách nhiệm khi có biến cố xảy tới, bệnh nhân là người thiệt thòi.

Trong thời gian tới chúng tôi sẽ đề ra các phương án giải quyết những tiêu cực bòn rút tiền của người bệnh. Bệnh nhân không phải con gà béo để bóc lột.

Ví dụ với dịch vụ vận chuyển, khi có bằng chứng xác thực, chúng tôi đánh công văn cho đơn vị vận chuyển, yêu cầu rút phép nếu sai phạm tới lần thứ ba. Bạch Mai chủ trương không để xảy ra tranh giành khách để vận chuyển trong bệnh viện và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngoài ra bệnh viện cũng sẽ chịu trách nhiệm nếu có chuyện nhân viên bệnh viện tự ý mời chào, vòi vĩnh, ‘gợi ý’ với bệnh nhân.

Mô hình hoàn toàn tự chủ tại bệnh viện đặt ra vấn đề cân đối nguồn thu với chất lượng dịch vụ đưa ra. Tuy nhiên, không được quên bệnh viện không phải là cơ sở kinh doanh, nghề y không phải là nghề kiếm tiền, lời lãi ko phải tiêu chí quyết định trong hoạt động.

Bệnh viện không phải doanh nghiệp, tính an sinh xã hội đặt lên trên hết. Chúng tôi sẽ có nguồn thu nhưng nguồn thu chính đáng và hợp pháp thông qua chất lượng điều trị, thông qua tổ chức bộ máy đơn giản hiệu quả, tinh gọn. Áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giảm bộ phận trung gian không cần thiết và sắp xếp vị trí việc làm phù hợp, đúng người đúng việc.

Chi Lê

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Blog chuyên gia - 14/11/2023

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Blog chuyên gia - 27/09/2021

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Blog chuyên gia - 25/09/2021

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Blog chuyên gia - 23/09/2021

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Blog chuyên gia - 22/09/2021

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới