Lý do bất ngờ khiến người Mỹ dễ nhiễm Covid-19
Mỹ vốn đã phải chịu nhiều gánh nặng đè lên hệ thống chăm sóc sức khỏe, vì tỷ lệ cao dân số bị béo phì, tiểu đường, huyết áp cao cùng nhiều bệnh mãn tính khác.
Các nghiên cứu cho thấy các bệnh như béo phì, tiểu đường và huyết áp cao làm gia tăng nguy cơ nhiễm virus corona và tử vong. |
Cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Tom Frieden chỉ ra rằng, hơn 60% người trưởng thành ở nước này có ít nhất một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Tất cả những vấn đề về sức khỏe đó càng làm gia tăng tình trạng lây nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), thậm chí dẫn tới điều tồi tệ nhất là tử vong.
Theo trang thống kê toàn cầu Worldometers, tính đến ngày 1/4, Mỹ đã ghi nhận hơn 188.500 người mắc Covid-19, đứng đầu thế giới và gần gấp đôi Italia, và hơn 4.000 ca tử vong.
Các chuyên gia y tế lo ngại, cả hai số liệu này sẽ tiếp tục tăng cao vì thực tế rất ít người ở Mỹ thuộc diện nguy cơ lây nhiễm thấp. Họ thậm chí chỉ ra rằng, tình trạng béo phì có nguy cơ đẩy người Mỹ vào một đại dịch tương tự dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Theo CDC, có tới 42,4% dân số trưởng thành Mỹ béo phì và con số này ở trẻ em Mỹ là 18,5%. Các chuyên gia cảnh báo, tỷ lệ người lớn thừa cân ở Mỹ sẽ tăng cao vì nhiều thế hệ người trẻ cũng đã béo sẵn.
Theo một nghiên cứu mới đây của trường Y tế Công Đại học Michigan, người trưởng thành béo phì nhiễm cúm không những có nguy cơ biến chứng nặng hơn mà còn nhiễm bệnh lâu hơn. Như vậy có thể thấy béo phì có liên quan đến nguy cơ cao lây nhiễm cúm. Tuy chưa rõ vì sao nhưng các nhà khoa học tin rằng trọng lượng cơ thể quá lớn có thể làm thay đổi phản ứng miễn dịch của cơ thể và dẫn tới viêm nhiễm mãn tính.
Một nhân viên y tế đứng cạnh thi thể được chuyển đến lưu tạm ở một nhà xác di động ở Brooklyn ngày 30/3. |
Thêm nữa, theo một nghiên cứu mới trong tháng 3 vừa qua, các bệnh nhân Covid-19 mắc các bệnh nền có tỷ lệ tử vong cao hơn. Kết quả cho thấy tỷ lệ tử vong là 10,5% với những ai bị bệnh về tim mạch, 7,3% với người tiểu đường, 6,3% với bệnh nhân hô hấp mãn tính, 6% với người huyết áp cao và 5,6% với những người bị ung thư.
Một nghiên cứu của Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill kết luận chỉ 12% người Mỹ trên tuổi 20 được cho là "khỏe mạnh về trao đổi chất". Thành phần dân số này có các số đo vòng eo "tốt", các mức đường huyết, huyết áp và cholesterol tối ưu mà không cần dùng thuốc. Trong khi đó, 80 triệu người (tỷ lệ 1/3) bị huyết áp cao, 100 triệu người bị tiểu đường hoặc tiền tiểu đường, và 102 triệu người có mức cholesterol cao. Nhiều người mắc hai hoặc cả ba vấn đề này.
Như vậy chỉ một tỷ lệ nhỏ dân số ở Mỹ được coi là có nguy cơ nhiễm Covid-19 thấp.
Thanh Hảo
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Blog chuyên gia - 14/11/2023
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Blog chuyên gia - 27/09/2021
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Blog chuyên gia - 25/09/2021
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Blog chuyên gia - 23/09/2021
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?
Blog chuyên gia - 22/09/2021
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?