Mảnh xương nhỏ có thể làm bạn bị thủng tạng rỗng
BS Phạm Văn Hiệp, Khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, khoa vừa mổ hai trường hợp bị thủng ruột non do ăn xương sườn, xương cá. Đó là bệnh nhân Nguyễn Thị M (55 tuổi) và bệnh nhân Mai Văn T (60 tuổi).
Bệnh nhân M khi đang ăn bún vô tình nuốt phải miếng xương, đến tối cùng ngày tình trạng đau bụng dữ dội nên vào bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ chụp CT chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phúc mạc do thủng ruột non do dị vật. Do kích thước xương sườn lớn nên các bác sĩ bắt buộc phải mổ mở để lấy xương ra, khâu phục hồi ruột non, rửa sạch ổ bụng. Còn trường hợp của ông T, do ăn cá nhai không kĩ đã nuốt chửng cả miếng xương. Hai ngày sau, ông đến bệnh viện trong tình trạng bụng chướng, sốt cao, đau khắp ổ bụng. Các bác sĩ đã mổ, lấy dị vật là cả mảnh xương cá lớn.
Thực tế không chỉ ở miền núi mà ngay tại đồng bằng, giữa thủ đô do thói quen chủ quan với đau bụng, với bệnh lý mạn tính người dân không đi khám ngay nên hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc vì đau, mặt mày xanh xám, nhợt nhạt lo âu, sợ hãi, toát mồ hôi, thân nhiệt hạ thấp dưới 37 độ C, mạch nhỏ nhanh có khi không đếm được. Nhiều người bị viêm phúc mạc rất nguy hiểm.
Cũng tại khoa này, các bác sĩ vừa cứu một bệnh nhân bị nguy kịch tính mạng do thủng tạng rỗng. Bệnh nhân Nguyễn Văn B, 86 tuổi, ở Hà Nội đến bệnh viện trong tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng. Người nhà cho biết, bệnh nhân bị đau bụng đã bốn ngày, người nhà nghĩ rằng bị đau dạ dày, tự uống thuốc, đến khi thấy không chịu được mới đi bệnh viện. Kết quả chẩn đoán ông bị sốc nhiễm khuẩn do thủng ổ loét mặt trước hành tá tràng.
Bệnh nhân được hồi sức và mổ cấp cứu ngay sau đó. Khi mổ, các bác sĩ thấy ổ bụng chứa toàn dịch bẩn. Dạ dày, ruột và các tạng trong ổ bụng ngâm trong dịch bẩn... nguy cơ suy đa tạng. Các bác sĩ đã xử lý lỗ thủng ở mặt trước hang vị kích thước 1*1 cm, hút dịch bẩn, rửa ổ bụng, đặt thông dạ dày hút dich, đặt ống thông dưới gan và dougla, bàng quang để thoát dịch. Sau mổ bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt và rất may sau 15 ngày bệnh nhân đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thủng (vỡ) tạng rỗng có thể là vỡ đại tràng, tiểu tràng hay còn gọi là ruột non nhưng hay gặp nhất là thủng dạ dày - tá tràng chiếm 90%, xếp thứ 2 - 4 trong các bệnh lý cấp cứu ngoại khoa sau viêm ruột thừa cấp, tắc ruột, viêm tụy cấp.
“Thủng tạng rỗng nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời, biến chứng này sẽ đe doạ tính mạng bệnh nhân. Nếu phẫu thuật muộn thì tỷ lệ tử vong từ 2,5 - 10%, ở bệnh nhân già yếu tỷ lệ tử vong cao hơn. Bệnh thường gặp nhiều ở nam giới tuổi từ 35 – 65 nhưng nhiều nhất là từ 30 – 40 tuổi, nhưng cũng có nhiều bệnh nhân trên 80 – 85 tuổi cũng bị”, BS Tuấn cho hay.
Có nhiều nguyên nhân gây thủng tạng rỗng như: chấn thương bụng kín, dị vật ăn phải, khối u và nhiều nhất là do biến chứng của ổ loét dạ dày – tá tràng. Yếu tố thuận lợi gây bệnh là thời tiết lạnh. Thủng có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong ngày nhưng phần đông bệnh nhân bị thủng một vài giờ sau ăn, thủng sau bữa ăn thì ổ bụng càng bẩn và càng chóng đưa đến tình trạng viêm màng bụng. Cũng có những trường hợp bệnh nhân bị thủng do chấn thương tinh thần mạnh như phẫu thuật, bỏng,...
Khi bệnh nhân thấy đau bụng đột ngột dữ dội và toàn bộ bụng bệnh nhân co cứng như khúc gỗ, gọi là đau như bị dao đâm, bí trung đại tiện, bụng co cứng, nôn hoặc buồn nôn... thì cần phải đi cấp cứu ngay. Bệnh diễn biến rất nhanh, trong vòng 12 – 14 giờ bệnh tiến triển thành viêm màng bụng. Những bệnh nhân được xử trí trong vòng 6 giờ đầu thì kết quả tốt, tỷ lệ tử vong thấp.
Trước đây, để điều trị bệnh, người ta chỉ có một cách duy nhất là phẫu thuật mở ổ bụng để tìm và khâu lỗ thủng. Đây là một cuộc phẫu thuật lớn, nên sau phẫu thuật, bệnh nhân phải mất rất nhiều thời gian mới có thể phục hồi như bình thường. Tuy nhiên, nhờ các tiến bộ kỹ thuật, nhất là từ khi có kỹ thuật mổ nội soi, việc điều trị thủng ổ loét dạ dày – tá tràng đã trở nên dễ dàng hơn. Phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật theo phương pháp truyền thống: vết mổ nhỏ, ít xấm lấn, ít tác động đến các tạng khác trong ổ bụng, nên sẽ giúp quá trình phục hồi sau phẫu thuật của bệnh nhân diễn ra nhanh hơn, ít nhiễm trùng hơn và bệnh nhân sớm được ra viện hơn.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người không nên chủ quan với sức khỏe của bản thân, nên đi khám bệnh sớm nếu thấy có các biểu hiện của viêm loét dạ dày – tá tràng với các triệu chứng như nóng rát vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua,… để được tư vấn điều trị thích hợp, kịp thời, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm như thủng ổ loét, chảy máu dạ dày, ung thư...
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Blog chuyên gia - 14/11/2023
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Blog chuyên gia - 27/09/2021
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Blog chuyên gia - 25/09/2021
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Blog chuyên gia - 23/09/2021
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?
Blog chuyên gia - 22/09/2021
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?