Nguyên nhân không ngờ khiến 50% người Việt mắc trĩ

Theo Vietnamnet 03:52 26/11/2019 - Blog chuyên gia
Tới hơn 50% dân số Việt trưởng thành mắc bệnh trĩ song hầu hết các bệnh nhân đều cố chịu đựng thời gian dài trước khi đi khám vì ngại ngùng.

Ông Nguyễn Thiện C., 60 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội đã bị trĩ 35 năm nay. Trước đây ông chỉ uống và bôi thuốc mỗi khi đau quá, gần đây búi trĩ lồi ra, ông phải dùng tay ấn vào. Búi trĩ to nên thường xuyên chảy máu, đau rát, mỗi khi bước đi ông rất đau đớn.

Khi đi khám tại BV Việt Đức, bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật cắt trĩ bệnh mới đỡ.

Trường hợp khác là chị Nguyễn Minh T., 43 tuổi ở Hà Nội, đã bị trĩ 10 năm nay. Ban đầu chỉ là các triệu chứng khó đại tiện, dần dần thành táo bón nhưng chị không để ý. Sau một thời gian, hậu môn có búi trĩ nhỏ lòi ra, nhưng ban đầu không đau lắm nên chị tặc lưỡi bỏ qua. Đến khi mang bầu bé thứ 2, trĩ trở thành nỗi ám ảnh với chị, chị đã thử dùng thực phẩm mát, xông nhưng không đỡ.

Khi sinh con xong, chị thấy búi trĩ sa dài gần một đốt ngón tay, đứng hay ngồi đều vướng víu, khó chịu, mỗi khi cọ vào quần đau đến phát khóc. Khi không thể chịu đựng được, chị mới đến bệnh viện thăm khám, lúc đó trĩ đã tiến triển độ độ 3, bác sĩ chỉ định phẫu thuật.

PGS Hùng khám và tư vấn cho bệnh nhân
PGS Hùng khám và tư vấn cho bệnh nhân

Theo PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc TT Phẫu thuật Đại trực tràng – Tầng sinh môn, BV Việt Đức, trĩ là căn bệnh lành tính phổ biến vùng hậu môn. Theo thống kê, hơn một nửa dân số trưởng thành mắc bệnh trĩ, thường bắt đầu sau tuổi 30, trong đó phụ nữ dễ mắc bệnh hơn nam giới.

Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân đều cố chịu đựng thời gian rất lâu trước khi đến khám các bác sĩ chuyên khoa vì tâm lý bệnh vùng kín, ngại ngùng, khi đến bệnh viện, bệnh đã tiến triển nặng, gây khó khăn cho điều trị và tốn kém cho bệnh nhân.

Ngoài gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bệnh trĩ nếu không được điều trị có thể dẫn tới biến chứng tại chỗ như tắc mạch, chảy máu, hoại tử trĩ hay các biến chứng toàn thân như thiếu máu mạn tính, giảm thể lực...

Đáng nói, có không ít trường hợp bị chẩn đoán nhầm giữa trĩ với ung thư đại trực tràng do triệu chứng ban đầu giống nhau. Trong quá trình thăm khám thời gian qua, PGS Hùng đã gặp khoảng 10 trường hợp mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn do bị chẩn đoán nhầm sang trĩ, có trường hợp từng điều trị trĩ suốt 3 năm.

Do đó, PGS Hùng khuyến cáo, khi chẩn đoán bệnh trĩ, đầu tiên phải loại trừ ung thư ở vùng hậu môn. Với những trường hợp bị rối loạn tiêu hóa, đại tiện kèm nhầy, sụt cân nhiều, hơn 50 tuổi thì phải làm thêm các xét nghiệm lâm sàng bổ sung, soi đại tràng, chụp MRI để loại trừ polyp hay ung thư đại trực tràng trước khi điều trị trĩ.

Về nguyên nhân bệnh trĩ, PGS Hùng cho biết, ngoài yếu tố tuổi tác, những trường hợp bị táo bón mãn tính, phải rặn nhiều khi đại tiện, ngồi đại tiện quá lâu trong nhà vệ sinh (vừa đại tiện vừa đọc sách, báo, lướt điện thoại...), những người bị tiêu chảy, chức năng đường ruột kém... là những người có nguy cơ cao mắc bệnh.

BS Phạm Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc TT Phẫu thuật Đại trực tràng – Tầng sinh môn, BV Việt Đức chia sẻ thêm, hầu hết người dân chưa có ý thức điều trị bệnh táo bón, nghĩ đây là bệnh thông thường, trong khi đây chính là triệu chứng cho thấy bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích từ nhẹ đến nặng. Nếu để kéo dài, là một trong những nguyên nhân gây bệnh trĩ.

BS Huyền lưu ý người dân có ý thức điều trị bệnh táo bón bằng cách thay đổi chế độ ăn và chế độ sinh hoạt
BS Huyền lưu ý người dân có ý thức điều trị bệnh táo bón bằng cách thay đổi chế độ ăn
và chế độ sinh hoạt

Khi bị táo bón, một số bệnh nhân có ý thức điều chỉnh chế độ ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước nhưng bệnh vẫn không giảm. Khi khai thác kĩ, mọi người mắc sai lầm là không tập thói quen đi đại tiện vào giờ cố định.

“Rất nhiều trường hợp nhịn đi vệ sinh do ngồi lì làm việc ở văn phòng hoặc ôm điện thoại cả ngày. Đến khi vào nhà vệ sinh lại cầm sách báo, điện thoại, ngồi lâu hơn gây rối loạn co bóp đại tràng, rối loạn hấp thu đường ruột dẫn đến hội chứng ruột kích thích”, BS Huyền giải thích.

Khi mắc bệnh trĩ, ở thể nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa, ở thể nặng, có thể phải căn thiệp bằng thủ thuật thắt vòng cao su, tiêm xơ búi trĩ, phẫu thuật triệt mạch, treo trĩ...

Tuy nhiên sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, áp dụng chế độ ăn uống nhiều chất xơ, uống nhiều nước, không ăn đồ cay, nóng, rượu bia, các chất chứa cafein như cafe, chè, tăng cường vận động...

Đặc biệt, bệnh nhân không được rặn mạnh khi đi vệ sinh, không ngồi trong nhà vệ sinh quá lâu, tập thói quen đi đại tiện vào giờ cố định hàng ngày. Để giảm đau và sưng nề, hàng ngày bệnh nhân có thể ngâm hậu môn trong nước ấm.

Thúy Hạnh

Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/tu-van-suc-khoe/nguyen-nhan-khong-ngo-khien-50-nguoi-viet-mac-tri-591704.html

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Blog chuyên gia - 14/11/2023

Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Blog chuyên gia - 27/09/2021

Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Blog chuyên gia - 25/09/2021

Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Blog chuyên gia - 23/09/2021

Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Blog chuyên gia - 22/09/2021

Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới