Nhật ký 14 ngày chiến thắng Covid-19 tại nhà của tiến sĩ Việt ở Thuỵ Sĩ
TS Trịnh Ngọc Thành vốn là chuyên gia của một tập đoàn tư vấn về xây dựng ở Lausanne, Thụy Sĩ. Những ngày dịch bệnh bùng phát, anh luôn ý thức nghiêm ngặt việc phải tự bảo vệ bản thân.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước ấm, dùng khuỷu tay để mở cửa,... anh Thành hiểu rằng, chỉ cần một người nhiễm bệnh, cả công ty với gần 1.000 người sẽ vô cùng hoảng loạn.
Một tuần trước khi biết mình dương tính với Covid-19, buổi sáng anh vẫn đi làm bình thường bằng xe cá nhân. Giữ thói quen cũ, anh thường xuyên rửa tay theo khuyến cáo, thậm chí chỉ khi vệ sinh sạch sẽ anh mới ôm con vào lòng.
Dù rất cẩn thận nhưng cuối cùng, anh vẫn bị virus nCoV xâm nhập vào cơ thể. Đến giờ, anh Thành vẫn chưa chắc chắn mình lây nhiễm nguồn bệnh từ đâu.
“Có thể đó là buổi chiều ngày 13/3, khi đi làm về, tôi có ghé qua siêu thị mua ít đồ tập thể dục cho con, vì mấy đứa nhỏ tuần sau đó phải nghỉ học vì nhà trường đóng cửa.
Cùng lúc đó, con gái muốn đi vệ sinh. Nhưng nhà vệ sinh của siêu thị khi ấy không có nước nóng và hết giấy lau tay”, anh Thành nhớ lại.
Ngay khi biết mình mắc Covid-19, 14 ngày sau đó là chuỗi ngày anh Thành chiến đấu chống lại virus nCoV ngay tại nhà với sự hướng dẫn của bác sĩ. Đã có những ngày anh mê man giữa cơn sốt ngày 40°C, phải bò, lết ra cửa để lấy đồ ăn vì không đứng nổi nhưng anh vẫn tuân thủ nghiêm ngặt việc tự cách ly và làm chỉ dặn của bác sĩ.
Những bữa cơm được vợ đặt trước cửa. Chỉ chờ khi vợ đi ra khỏi, anh mới mở cửa để lấy đồ ăn.
Ngày 1
Cơ thể anh bắt đầu có những dấu hiệu của virus tấn công. Buổi sáng thức dậy, anh thấy người đau nhức và mệt mỏi. Cặp nhiệt độ báo 37,9°C, anh vội gọi điện cho công ty xin nghỉ làm.
Sau khi đi thăm khám, bác sĩ kết luận anh bị cảm cúm thông thường vì không xuất hiện bất kì triệu chứng nào của nhiễm Covid-19. Thế nhưng đến buổi tối cùng ngày, anh lại tiếp tục sốt cao hơn 39°C. Lúc này ở Thụy Sĩ, số người được xác nhận nhiễm Covid-19 lên 2.200 ca.
Ngày 2
Buổi sáng thức dậy anh thấy người có dấu hiệu khoẻ hơn do đã uống một liều Dafalgan vào đêm hôm trước theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên đến trưa, cơ thể lại tiếp tục “phản kháng” với cơn sốt hơn 39°C.
Tự nhủ bản thân không thể nhiễm Covid-19 được, anh dẫn con ra ngoài cánh đồng hít thở không khí. Đây cũng là điều khiến anh cảm thấy hối hận nhất bởi ngay khi có biểu hiện triệu chứng đầu tiên, anh đã chủ quan không tự cách ly ngay mình với mọi người trong gia đình.
Ngày 3
Sau 2 ngày, khi các triệu chứng vẫn không hề thuyên giảm, anh tiếp tục đến đề nghị bác sĩ cho xét nghiệm Covid-19. Lần này, bác sĩ đồng ý. Trong lúc chờ kết quả, anh được khuyến cáo phải tự cách ly tại nhà và dùng phòng vệ sinh riêng.
Cũng từ ấy, mọi giao tiếp trong nhà đều được liên lạc thông qua điện thoại. Khi đi từ phòng ra nhà vệ sinh, anh cũng đeo khẩu trang y tế. Đến giờ ăn cơm, vợ anh sẽ nấu và đặt sẵn trước cửa phòng. Chỉ chờ khi vợ đi ra khỏi, anh mới mở cửa để lấy đồ ăn.
Đến 22 giờ cùng ngày, trong lúc đang mê man vật lộn với cơn sốt gần 40°C, anh nhận được điện thoại của bác sĩ báo tin mình đã dương tính với Covid-19.
“Em nhớ đo thân nhiệt 4 lần/ ngày và gọi cho anh biết nhé. Một ngày em uống 4 viên Dafalgan 1g để giảm sốt và làm dịu phổi,...”, bác sĩ dặn.
Thông tin này làm anh choáng váng.
Ngày 4
Sáng sớm khi thức dậy, việc đầu tiên anh làm là báo tin “không được vui” ấy cho cả gia đình, sau đó thông báo với công ty và khách hàng để hủy các buổi họp đã sắp xếp trước đó.
Đây cũng là ngày đầu tiên cả nhà anh cùng bước vào “hành trình tự cách ly” chính thức dưới sự hướng dẫn từ xa của bác sĩ gia đình. Mọi giao tiếp trực tiếp ngay trong căn nhà cũng là điều cấm kỵ.
“Nhiều khi con nhìn thấy bố và muốn bố ôm vào lòng, nhưng tôi vẫn phải kìm lại vì điều đó là không thể”, anh Thành nhớ lại.
Bức tranh cô con gái 6 tuổi vẽ cổ vũ tinh thần bố: "Con ruồi cũng phải rửa tay chống Covid-19".
Ngày 5 - ngày 10
Những ngày này, anh Thành liên tục sốt cao trên 38.5°C. Sự mệt mỏi khiến anh phải nằm miên man trên giường suốt cả ngày.
“Tôi chỉ biết cố gắng uống thật nhiều nước, vì ăn khi ấy không còn biết ngon. Sáng uống nước cam, trưa uống nước chanh, tối uống nước sả hoặc nước gừng và mật ong. Tôi không để mình ho vì mỗi lần như thế rất tức ngực. Một ngày, tôi uống gần 3 lít nước để lọc chất độc trong cơ thể mình”.
Sốt liên tục trong 6 ngày khiến nhiều khi, anh không thể đứng nổi dù chỉ vài phút. Thậm chí, anh còn phải “bò và lết” ra ngoài cửa để lấy cơm vào trong phòng ăn.
“Nhiều lúc khi ho, tức ngực và bị hụt hơi, tôi phải đấu tranh với chính bản thân về việc có nên gọi cấp cứu đến bệnh viện hay không.
Nhưng khi ấy tôi nghĩ, bệnh viện nên dành cho người già yếu và cần máy trợ thở. Còn tôi cảm thấy mình vẫn còn thở được nên vẫn cố gắng để vượt qua tất cả”.
Trong thời gian này, cô con gái 6 tuổi và cậu con trai 2 tuổi của anh cũng bị nhiễm Covid-19. Dù thương con nhưng anh không thể làm gì khác. “Con gái tôi phải tự cách ly ở phòng riêng. Cháu cũng tự lo vệ sinh cho mình và tự ăn uống mà không cần bố mẹ giúp đỡ. Còn cậu con trai vẫn cần đến mẹ bởi cháu còn quá nhỏ”.
Dù vậy, cô con gái 6 tuổi vẫn ngày ngày vẽ tranh hay gửi những bức thư động viên bố qua khe cửa. Với anh, đây là món quà động viên tinh thần vô cùng ý nghĩa giúp mình vượt qua hơn chục ngày tự giam mình trong bốn bức tường.
"Con yêu papa, Papa là người con yêu nhất trên thế gian này. Con thương ba nhiều!", cô con gái nhỏ viết động viên ba.
Cứ thế, hàng ngày anh mở hé cửa cho thoáng khí vào phòng. Để giữ cho mình tinh thần lạc quan, anh cố gắng vận động nhẹ bằng cách tập Yoga, tranh thủ đọc những cuốn sách còn dang dở hay nghe vài bản nhạc piano quen thuộc.
Anh bắt đầu tìm nguyên nhân vì sao mình bị ho, bởi khi ho sẽ dễ bị tức ngực, hụt hơi thở và mất sức rất nhanh.
“Tôi uống nhiều nước ấm bởi nó sẽ giúp làm ấm phổi, giảm ho đi rất nhiều. Đặc biệt hàng ngày tôi súc miệng bằng nước muối vì như vậy sẽ loại được nhiều virus trong cuống họng trước khi nó xâm nhập vào phổi của mình”.
Ngày 11 - ngày 13
Sức khoẻ của anh Thành có chiều hướng tốt lên. Nhiệt độ đã dần giảm xuống chỉ còn 36.5°C.
Ngày 14
Lần đầu tiên sau những ngày vật vã, anh có cảm giác mình như được khoẻ lại. Bác sĩ cho anh “ra trại” sau khi tự giam mình trong 4 bức tường.
“Cảm giác được đi lại trong ngôi nhà của mình thật khó tả. Bác sĩ bảo tôi xem như đã diệt được virus corona chủng mới (nCoV) trong người. Tuy nhiên, tôi vẫn cẩn thận mang khẩu trang trong nhà”.
Vượt qua hành trình 14 ngày tự chiến đấu với Covid-19, anh thầm cảm ơn vợ và các con - những người luôn chăm sóc và động viên anh trong những ngày bị cách ly trong phòng. Anh cũng bày tỏ sự biết ơn tới bác sĩ, đồng nghiệp và cộng đồng người Việt ở Thụy Sĩ đã dõi theo mình trên suốt hành trình chiến thắng Covid-19.
Anh cũng tự rút ra bài học từ chính những trải nghiệm của mình: “Nếu có thể, hãy hạn chế tối đa khi đi ra ngoài và tránh tiếp xúc nhiều người. Điều quan trọng nhất, cần tuyệt đối phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc. Không nên tự uống thuốc theo những chỉ dẫn trên mạng và chỉ nên tin duy nhất vào bác sĩ để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”, anh Thành nhắn nhủ.
Thúy Nga
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Blog chuyên gia - 14/11/2023
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Blog chuyên gia - 27/09/2021
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Blog chuyên gia - 25/09/2021
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Blog chuyên gia - 23/09/2021
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?
Blog chuyên gia - 22/09/2021
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?