Nhóm chuyên gia WHO đến Trung Quốc 'bặt vô âm tín'
WHO thậm chí không tiết lộ tên các chuyên gia, lịch trình chuyến đi và công việc cụ thể của họ. Chính quyền và truyền thông Trung Quốc cũng không đưa ra bất cứ tuyên bố nào liên quan đến sự có mặt của nhóm chuyên gia. Các tổ chức có thẩm quyền, bao gồm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, đến nay chưa xác nhận rằng họ sẽ trao đổi với phái đoàn của WHO.
Hôm 12/7, hãng tin Associated Press báo cáo hai chuyên gia đã có mặt ở Bắc Kinh. Nhiệm vụ của họ là hợp tác với giới chức y tế và các nhà khoa học đại lục, chuẩn bị cho chuyến thăm với quy mô lớn hơn trong thời gian chưa xác định, nhằm tìm hiểu nguồn gốc của Covid-19.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thông tin về nguồn gốc của đại dịch đã bị chính trị hóa.
Một số gương mặt có tầm ảnh hưởng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đổ lỗi cho Trung Quốc, cho rằng nCoV xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, thành phố ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên. Giới chức đại lục sau đó đã phản bác lại luận điểm trên, khẳng định việc tìm ra virus ở nước này không có nghĩa mầm bệnh bắt nguồn tại đây.
Hôm 7/7, Mỹ cũng chính thức khởi động tiến trình rút khỏi WHO với cáo buộc tổ chức này đã phớt lờ các dấu hiệu ban đầu về Covid-19. David Fidler, chuyên gia y tế toàn cầu, thành viên cao cấp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại New York, cho rằng động thái của Mỹ sẽ khiến WHO gặp khó khăn, đặc biệt là trong việc đàm phán các điều khoản của sứ mệnh quốc tế.
"Thiếu sự hậu thuẫn của Mỹ, WHO sẽ mất đi lợi thế. Tổ chức đang rơi vào tình thế khó khăn, chỉ có thể hành động nương theo quyết định của Trung Quốc", ông nói.
Tuy nhiên, Wang Yiwei, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Trung tâm nghiên cứu châu Âu tại Đại học Renmin, lại cho rằng việc rút tài trợ của Washington có thể thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa WHO và Trung Quốc.
Chuyến thăm của phái đoàn chuyên gia là một phần trong nghị quyết tháng 5, được Trung Quốc ủng hộ và nhất trí tại cuộc họp của Đại hội đồng Y tế Thế giới. Trước đó, tổ chức đã được kêu gọi xác định nguồn gốc của nCoV.
Yanzhong Huang, thành viên cao cấp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định cuộc điều tra minh bạch có thể là cơ hội để WHO xây dựng lại danh tiếng và hình ảnh trung lập trong mắt công chúng cũng như các nhà lãnh đạo toàn cầu.
"Nhưng địa điểm và kế hoạch điều tra của nhóm chuyên gia là vấn đề cần đàm phán", ông nói. Bên cạnh đó, dù tuần trước tổ chức tuyên bố Vũ Hán sẽ là điểm khởi đầu của công đoạn tìm hiểu, quá trình này vẫn phụ thuộc vào quyết định của Trung Quốc.
Một số nhà quan sát cho biết kết quả chuyến công tác của WHO phần lớn dựa trên quyền tiếp cận dữ liệu và tìm hiểu các kịch bản khác nhau, bao gồm luận điểm nCoV bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Daniel Lucey, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Georgetown, khẳng định tổ chức sẽ phải đưa ra lời giải thích thỏa đáng về giả thuyết này.
Thục Linh (Theo SCMP)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Blog chuyên gia - 14/11/2023
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Blog chuyên gia - 27/09/2021
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Blog chuyên gia - 25/09/2021
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Blog chuyên gia - 23/09/2021
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?
Blog chuyên gia - 22/09/2021
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?