Nữ giáo sư cả đời nghiên cứu vaccine
Giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Thị Phương Liên, 81 tuổi, đã có 112 công trình khoa học công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước, tham gia 12 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước. Trong đó, thành tựu nổi bật nhất của giáo sư Liên là sản xuất ba loại vaccine tả, thương hàn (TAB) và vaccine phòng chống đậu mùa trong kháng chiến chống Mỹ.
Bà tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản thế hệ một, giúp Việt Nam tự chủ được công nghệ sản xuất và đưa vaccine vào chương trình tiêm chủng mở rộng năm 1997. Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus, là nguyên nhân hàng đầu gây viêm não và tàn tật thần kinh do virus. Nhờ vaccine, tỷ lệ mắc bệnh, di chứng thần kinh và tử vong được giảm thiểu. Hiện tỷ lệ mắc chỉ còn 5-10%. Đây cũng là vaccine đầu tiên được Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, trung bình hơn 5,4 triệu liều sang Ấn Độ.
Từ 2006, bà nghiên cứu sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản thế hệ thứ hai, sử dụng công nghệ vaccine bất hoạt trên tế bào vero thay thế cho công nghệ cũ đã lạc hậu và bộc lộ nhiều hạn chế. Vaccine bất hoạt được chế tạo từ vi sinh vật đã bị giết chết nhưng vẫn giữ được khả năng gây miễn dịch cho cơ thể. Việt Nam là nước thứ 4 trên thế giới có công nghệ này, sau Áo, Nhật Bản và Trung Quốc. Năm 2018, vaccine viêm não Nhật Bản thế hệ thứ hai đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng ba giai đoạn, sắp được đưa ra thị trường.
Chia sẻ với VnExpress, giáo sư Liên cho biết: "Tôi chưa từng nghĩ phấn đấu trở thành Anh hùng lao động".
54 năm làm nghề, bà chỉ miệt mài với các nghiên cứu về vaccine, virus, các nghiên cứu cứ nối tiếp nhau. Với giáo sư Liên, sự đền đáp lớn nhất là khi vaccine được tiêm chủng rộng rãi trên trẻ em từ một đến năm tuổi, giảm gánh nặng bệnh tật cho đất nước, giá thành rẻ, dễ tiếp cận nhiều người và thậm chí xuất khẩu.
Giáo sư Liên hiện là chuyên gia cao cấp của công ty Vabiotech, một trong bốn đơn vị tham gia nghiên cứu vaccine Covid-19. Bà không trực tiếp tham gia quá trình nghiên cứu và sản xuất vaccine, song sẵn sàng tư vấn, chia sẻ các kiến thức về nghiên cứu virus và sản xuất vaccine.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, đánh giá: "Trong suốt quá trình công tác, thầy thuốc nhân dân, giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Thị Phương Liên đã luôn phấn đấu, nỗ lực với sự say mê và tinh thần trách nhiệm".
Chi Lê
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Blog chuyên gia - 14/11/2023
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Blog chuyên gia - 27/09/2021
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Blog chuyên gia - 25/09/2021
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Blog chuyên gia - 23/09/2021
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?
Blog chuyên gia - 22/09/2021
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?