Phải quyết liệt thực hiện chủ động “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch
Sáng 11/8, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn đã chủ trì buổi họp trực tuyến với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Bà Rịa -Vũng Tàu về công tác phòng, chống dịch.
Tỉnh Đồng Nai hiện đã ghi nhận hơn 9.200 ca nhiễm, số ca được dự báo tiếp tục tăng lên đến 2.000 ca/ngày. Tỉnh đang khẩn trương thực hiện việc xét nghiệm diện rộng, tập trung trước tiên tại khu vực "vùng đỏ" để bóc tách triệt để các ca dương khỏi khu vực này; nâng công suất xét nghiệm mẫu đơn lên 20.000 mẫu/ ngày; làm đồng bộ nhiều giải pháp, hy vọng mục tiêu đến ngày 1/9 kiểm soát dịch trên địa bàn.
Đại diện Đồng Nai cũng thông tin hiện tại gần 2.000 doanh nghiệp trong các khu/cụm công nghiệp của tỉnh đang thực hiện “3 tại chỗ”, khoảng 10 ngày gần đây không xuất hiện các ổ dịch lớn, các ổ dịch nhỏ đều khoanh ngay. Tuy nhiên vẫn còn thực trạng nhiều doanh nghiệp không bảo đảm yêu cầu về giãn cách, phân luồng. Việc xét nghiệm sàng lọc đầu vào chưa triệt để, chưa bảo đảm giãn cách.
Tại cuộc họp, đại diện Tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai đề nghị Đồng Nai nếu qua kiểm tra thực tiễn ở các doanh nghiệp “3 tại chỗ” chưa bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch, cần tạm dừng hoạt động. Tỉnh phải cương quyết với tình trạng này nếu không sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh tiếp.
Bình Dương đang là địa phương có số ca nhiễm cao thứ 2 cả nước với 32.400 ca mắc Covid-19. Trong thời gian tới số ca bệnh trên địa bàn có thể gia tăng hơn do tỉnh tiến hành xét nghiệm diện rộng trên địa bàn. Hiện Bình Dương thành lập trung tâm điều phối phản ứng nhanh để tiếp nhận mọi thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đại diện tỉnh Tây Ninh cho biết dịch diễn biến phức tạp, đặc biệt tại huyện Dương Minh Châu và TP Tây Ninh. Tỉnh sẽ thay đổi chiến lược xét nghiệm để bảo vệ vùng xanh, hạn chế dần vùng vàng và vùng cam, thu hẹp dần vùng đỏ.
Tại Long An, đến nay tỉnh này đã ghi nhận hơn 11.000 ca bệnh, trung bình mấy ngày gần đây tăng khoảng 500 ca/ngày; hơn 70% không có triệu chứng, 5% bệnh nhân có diễn biến nặng. Tỉnh đã lên kế hoạch tầm soát trên diện rộng tại 4 huyện nguy cơ cao, theo phương án làm từng huyện, kết hợp cả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên và PCR để triệt để bóc tách F0 trong khu vực vùng đỏ.
Tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước cũng dự báo số ca mắc gia tăng. Cả hai địa phương này đều đang thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà; nỗ lực nâng công suất xét nghiệm để bảo vệ vững chắc vùng xanh, thu hẹp dần các vùng vàng và đỏ. Huy động các nguồn nhân lực tại chỗ; chủ động ngay phương án về dự trù, sử dụng ô-xy.
Tại cuộc họp, đại diện các địa phương đều đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ về nhân lực. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế bày tỏ chia sẻ về tình trạng thiếu nhân lực của các địa phương trong phòng, chống dịch.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, các địa phương cần chủ động huy động nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời phải bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế trên địa bàn thông qua việc tập huấn về sử dụng trang thiết bị phòng hộ; cách điều phối bệnh nhân phù hợp. Ông khuyến nghị các địa phương huy động nguồn nhân lực y tế tư nhân, sinh viên khối ngành y dược trên địa bàn tham gia lấy mẫu xét nghiệm hoặc tổ chức thực hiện tiêm chủng.
Liên quan đến hậu cầu cho điều trị bệnh nhân Covid-19, ông Nguyễn Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế đề nghị các địa phương chủ động rà soát lại khả năng trữ, điều phối và vận chuyển ô-xy cho các cơ sở y tế trên địa bàn.
Bộ Y tế đã công bố danh sách cụ thể các đơn vị sản xuất, cung ứng ô-xy, do đó Sở Y tế các địa phương cần liên hệ chủ động với các đơn vị cung ứng ô-xy để ký hợp đồng đặt hàng dự trù cho nhu cầu sử dụng, tránh bị động khi dịch lan rộng và nhu cầu sử dụng tăng lên. Song song đó cần rà soát lại hệ thống đầu cuối sử dụng ô-xy tại các cơ sở y tế để bảo đảm an toàn khi sử dụng.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong công tác phòng, chống dịch, tuy nhiên đề nghị các địa phương nghiên cứu tiếp thu các khuyến nghị của các Tổ công tác Bộ Y tế hỗ trợ địa phương, cũng như các chuyên gia của Bộ Y tế về các vấn đề xét nghiệm, điều trị, sử dụng nhân lực…
Thứ trưởng Y tế cũng đề nghị các tỉnh thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 đặc biệt tại vùng vàng, vùng đỏ, tận dụng “thời gian vàng” này cùng với xét nghiệm trên diện rộng để bóc tách nhanh, triệt để các ca F0 ra khỏi cộng đồng, đặc biệt tại khu vực vùng đỏ.
Trong công tác xét nghiệm, các địa phương cần có chiến lược xét nghiệm hợp lý, kết hợp hài hoà giữa test nhanh kháng nguyên và PCR; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch nói chung, xét nghiệm, truy vết, tiêm chủng vaccine, phân tầng điều trị… nói riêng.
Liên quan công tác điều trị, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các tỉnh thực hiện chiến lược phân tầng theo hướng dẫn nhằm sử dụng hợp lý nguồn nhân lực y tế. Tránh để bệnh nhân chuyển tuyến không phù hợp.
Thứ tưởng Y tế cũng đề nghị các tỉnh phải quyết liệt thực hiện chủ động “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch, đặc biệt đẩy nhanh thiết lập các trung tâm, khu vực điều trị hồi sức tích cực (ICU), chuẩn bị chủ động về ô-xy.
Trong công tác tiêm chủng, các địa phương cần quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tiêm, “vaccine về đến đâu tiêm ngay và bảo đảm an toàn”, tránh tình trạng tiêm chậm, nhận vaccine chậm nhưng vẫn đề xuất phân bổ thêm vaccine.
Cũng tại cuộc họp, Bộ Y tế thông tin, Bộ Y tế đã có quyết định cấp 700.000 test nhanh cho các tỉnh, thành phố khu vực phía nam. Các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước… cần liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy để nhận test nhanh tại kho dự trữ của Bộ ở phía nam. Bên cạnh đó, trong thời gian qua Bộ Y tế đã cấp phát, phân bổ, điều chuyển nhiều máy thở, máy thở HFNC, trang thiết bị và vật tư chống dịch cho các tỉnh, thành phố khu vực phía nam.
TRẦN LAM
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Blog chuyên gia - 14/11/2023
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Blog chuyên gia - 27/09/2021
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Blog chuyên gia - 25/09/2021
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Blog chuyên gia - 23/09/2021
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?
Blog chuyên gia - 22/09/2021
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?