Truy vết, xét nghiệm thần tốc ngăn dịch Covid-19 lây lan
Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng nhận định: Hiện Việt Nam phải đối mặt với nhiều “hình thái” lây lan khiến dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát cao.
Điểm khác biệt nguy hại của đợt dịch thứ 4
Đợt dịch thứ 4 dù mới khởi phát nhưng đã lây lan rất nhanh và tạo nên nhiều ổ dịch, ông đánh giá thế nào về đợt dịch này?
Phải khẳng định nguy cơ lây lan dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện rất cao. Nguyên nhân thấy rõ khi các nước láng giềng như Lào, Campuchia hay Thái Lan vốn kiểm soát được dịch nhưng nay lại bùng phát trở lại với số ca mắc cao.
Thậm chí, một số nước còn “vỡ trận” trong công tác điều trị khiến số người tử vong tăng nhanh. Hơn nữa, tại các nước này cũng xuất hiện các biến chủng SARS-CoV-2 của Anh và Ấn Độ lây lan rất nhanh. Các chủng này cũng được xác định đã có mặt tại Việt Nam.
Điểm khác biệt so với đợt dịch trước là sự xuất hiện của nhiều “hình thái” lây lan dịch cùng một lúc ở nước ta. Đó là nguy cơ bệnh dịch xâm nhập từ các nguồn nhập cảnh bất hợp pháp qua biên giới đường bộ, đường biển với các nước trong khu vực đang bùng phát dịch như đã nói.
Bên cạnh đó, trong nước xuất hiện cùng lúc các nguồn lây trong khu cách ly, lây trong bệnh viện, trong quán bar, karaoke hoặc lây trên máy bay với bằng chứng rất rõ ràng là hành khách ngồi hàng ghế trước và sau ca bệnh cũng bị lây (trong đợt dịch trước cũng phát hiện lây nhiễm trên máy bay nhưng không có bằng chứng rõ ràng).
Hơn nữa, còn có thể có các mầm bệnh lẩn khuất trong cộng đồng. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ lễ, việc đi lại, giao lưu giữa các tỉnh, thành phố rất lớn… nên khả năng lây lan nhanh, phát sinh ra nhiều ổ dịch và ở nhiều địa phương.
Trong đợt dịch này, xuất hiện nhiều ổ dịch bắt nguồn từ những người nhập cảnh đã hoàn thành cách ly tập trung, liệu hiện tượng này có bất thường?
Về khả năng lây nhiễm của các ca đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung, theo tôi có nhiều giả thuyết, có thể bệnh nhân lây nhiễm trong khu cách ly, sau đó về nhà mới phát bệnh; Bệnh nhân có thể nhiễm bệnh từ nước ngoài nhưng thời gian ủ bệnh dài hơn 14 ngày nên xét nghiệm vào ngày thứ 14 vẫn chưa dương tính; Hoặc thời điểm lấy mẫu xét nghiệm lần 3 nếu vào ngày thứ 12-13 không phát hiện ra dương tính.
Ngoài ra, cũng có thể do xét nghiệm lấy mẫu, sinh phẩm gây âm tính giả, quá trình xét nghiệm… bởi không xét nghiệm nào chính xác 100%.
Giả thuyết cuối cùng là trong quá trình di chuyển trên các phương tiện hoặc gặp gỡ người khác, bệnh nhân đó đã lây nhiễm từ cộng đồng nhưng chưa xác định được nguồn lây.
Nhưng 2 trường hợp gây ra 2 ổ dịch ở Hà Nam và Vĩnh Phúc, chúng tôi nghĩ nhiều đến việc bị từ khu cách ly trước khi về địa phương, không phải từ cộng đồng. Điều này cũng đặt ra việc phải siết chặt công tác quản lý cách ly tập trung và sau cách ly.
Bộ Y tế quy định rất rõ ràng về quản lý cách ly tập trung và sau cách ly về địa phương. Tại các điểm cách ly tập trung do quân đội phụ trách hoặc tại khách sạn, dưới quản lý của chính quyền địa phương và phối hợp liên ngành y tế, công an đều có quy trình chặt chẽ về chống nhiễm khuẩn.
Nhưng ở đây đã có những vi phạm, dẫn tới việc lây từ người được cách ly với nhau và lây cho nhân viên phục vụ tại khu cách ly… Vì chủng virus lần này lây lan nhanh nên chỉ sơ hở một chút là có thể lây nhiễm.
Do vậy, trong lúc này, cần nhấn mạnh việc rà soát về cơ sở vật chất khu cách ly, đặc biệt là con người quản lý khu cách ly phải có ý thức, cần huấn luyện lại để thực hiện tốt các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn và tăng cường kiểm soát các cơ sở này.
Còn sau cách ly cũng cần thực hiện tốt việc giám sát, nâng cao trách nhiệm của người cách ly và chính quyền địa phương.
Khẩn trương truy vết, xét nghiệm cộng đồng tại nơi có nguy cơ cao
Nỗi lo lớn hiện nay là dịch đã xảy ra ở bệnh viện, vốn được coi là tuyến đầu trong chống dịch Covid-19, vậy chúng ta cần làm gì để bảo vệ chiến tuyến này, thưa ông?
Với ổ dịch vừa được xác định tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trước hết cần khẳng định, bệnh viện vốn là môi trường có nguy cơ lây nhiễm rất cao, hơn nữa đây lại là cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19.
Do vậy, chỉ sơ hở một chút thì nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân khiến bệnh viện này trở thành ổ dịch.
Có thể lây từ bệnh nhân ra nhân viên và lan rộng sang các khoa điều trị; có thể bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân nhiễm nơi khác vào thăm khám lây trong bệnh viện; cũng có thể nhân viên y tế bị lây từ ngoài mang vào bệnh viện... nhưng chú ý nhiều đến lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Nhưng dù với nguyên nhân gì thì việc phòng chống nhiễm khuẩn phải luôn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt trong bệnh viện. Việc kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở y tế được Bộ Y tế quy định với quy trình rất chi tiết từ phân luồng xét nghiệm, đến sàng lọc, xử trí với ca bệnh… được quán triệt từ đầu mùa dịch và chưa lúc nào hạ mức quan tâm, cảnh báo.
Theo ông, chúng ta cần ứng phó ra sao với các biến chủng SARS-CoV-2 mới để kiểm soát được dịch bệnh?
Qua các ổ dịch như Vĩnh Phúc, Hà Nam vừa qua, dễ dàng nhận thấy sự lây lan rất nhanh chóng từ 1 trường hợp nhiễm bệnh sang nhiều ca khác và ở nhiều tỉnh, thành phố chỉ trong thời gian rất ngắn.
Điều này minh chứng rõ cho khả năng lây nhanh, mạnh của các chủng virus mới này. Nếu ở đợt dịch trước, các ca bệnh được mệnh danh “siêu lây nhiễm” như bệnh nhân 17 ở Hà Nội hay bệnh nhân ở Bình Thuận cũng chỉ khu trú ở 1 địa phương thì dịch lần này có sự thay đổi.
Chính vì vậy, đặt ra yêu cầu truy vết, xét nghiệm thần tốc để phát hiện sớm ca bệnh, phát hiện ổ dịch sớm. Bên cạnh đó là các giải pháp được duy trì từ trước là phong tỏa, tập trung dập ổ dịch... Không làm vậy không thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19.
Hiện nay, việc quan trọng nữa cũng phải làm là cần có đánh giá kỹ lưỡng về nguy cơ và tiến triển của dịch, từ đó mới có biện pháp đáp ứng hợp lý. Chính vì vậy, tại các địa phương có nguy cơ cao (đang xuất hiện bệnh nhân, ổ dịch Covid-19, nơi có giao thương đông đúc…) như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… cần nhanh chóng thực hiện xét nghiệm cộng đồng ở các khu vực đông người, chợ, quán karaoke, sân bay, bệnh viện, khu vực chuyên gia sinh sống…
Cảm ơn ông!
Rà soát lỗ hổng sau cách ly tập trung Liên quan đến việc BN 2899 “siêu lây nhiễm” sau khi cách ly tập trung ở Đà Nẵng về quê ở thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, đại diện Công an tỉnh Hà Nam cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan y tế Đà Nẵng và y tế Hà Nam trong việc gửi và tiếp nhận văn bản thông báo việc hoàn thành cách ly BN2899, xác minh cụ thể việc khai báo y tế, tuân thủ những quy định về phòng chống dịch đúng chưa? Chính quyền địa phương đã thực hiện quản lý, giám sát công dân đi từ vùng có dịch về đúng quy định chưa?... Trước tình hình trên, UBND tỉnh Hà Nam giao cho Công an tỉnh rà soát toàn bộ hồ sơ cá nhân để xử lý vi phạm. Đồng thời, cũng sẽ kiến nghị với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia rà soát, xác định lại lỗ hổng trong việc gửi văn bản giữa các địa phương, các ngành về việc thực hiện cách ly đối với các trường hợp hoàn thành cách ly tập trung trở về địa phương quản lý. |
Phúc Tuấn
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Blog chuyên gia - 14/11/2023
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Blog chuyên gia - 27/09/2021
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Blog chuyên gia - 25/09/2021
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Blog chuyên gia - 23/09/2021
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?
Blog chuyên gia - 22/09/2021
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?