Vì sao người già nhiễm Covid-19 dễ trở nặng?
Lưu tâm người cao tuổi kèm bệnh nền
Mới đây, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong số ca bệnh nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, hiện có 2 bệnh nhân cao tuổi phải thở máy và điều trị tích cực tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh. Cụ thể, một bệnh nhân nữ người Việt (64 tuổi), có bệnh lý nền rối loạn tiền đình. Sau 10 ngày nhập viện điều trị, nữ bệnh nhân này có dấu hiệu suy hô hấp, phải dùng máy thở, lọc máu duy trì được các chỉ số sinh tồn ổn và được theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực. Một bệnh nhân khác người Anh (69 tuổi) có bệnh nền đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, hiện trong tình trạng suy hô hấp tăng, phải thở máy, đồng thời, dùng các kỹ thuật huy động phổi.
TS. Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết: “Với những bệnh nhân mắc Covid-19 cao tuổi kèm các bệnh lý mãn tính như: Tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mãn, xơ gan, viêm gan, bệnh thận mãn tính… thì thường có triệu chứng nặng hơn những người khác. Họ cũng có nguy cơ cao sẽ diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của virus”.
Còn theo TS. Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thống kê mới về dịch bệnh Covid-19 gần đây, nhóm người cao tuổi nhiễm bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất và tỷ lệ tử vong cũng cao nhất.
Người cao tuổi thường là nhóm người có nhiều bệnh lý mãn tính. Do đó, sức đề kháng của nhóm người này giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu người cao tuổi bị bệnh, virus SARS-CoV-2 sẽ làm cho các bệnh mãn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong. Thực tế tại các nước có đông người mắc và tử vong (như Trung Quốc, Ý…), tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong chủ yếu là người cao tuổi có kèm nhiều bệnh lý mãn tính.
Giải thích về vấn đề người cao tuổi dễ bị nặng hơn khi bệnh xâm nhập, PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, ngoài việc phải uống rất nhiều các loại thuốc điều trị bệnh nền, cơ thể của người cao tuổi cũng suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, dễ mắc thêm các bệnh khác. Khi họ mắc bệnh thì thường bị rất nặng do tương tác của bệnh mới với bệnh nền cũng như tương tác của rất nhiều loại thuốc. Khi bị nhiễm virus, cơ thể không đủ sức chống lại, đồng thời lại khởi động một chuỗi rối loạn kèm theo trên nền bệnh mạn tính như suy gan, suy thận, suy đa tạng làm phức tạp việc điều trị.
“Chính vì vậy, với người cao tuổi việc phòng chống dịch phải được lưu tâm hơn cả, do vậy nên hạn chế tối đa việc đi ra ngoài, tới nơi đông người, giữ vệ sinh cá nhân, tăng cường sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng, luyện tập và sinh hoạt khoa học”, BS. Thanh chia sẻ.
Người ung thư có nguy cơ mắc gấp đôi người thường
Theo TS. BS. Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa Nội 6, BV K T.Ư, nghiên cứu mới đây được các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện và công bố trên tạp chí khoa học The Lancet Oncology tháng 3/2020 cho thấy, người bệnh ung thư có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn so với người không mắc bệnh ung thư.
“Người bệnh ung thư (đặc biệt là ung thư phổi) đang hoặc vừa được điều trị phẫu thuật hay hóa chất, khi nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ gặp biến cố lâm sàng nặng cao hơn người không ung thư. Khi khởi phát, nhiễm SARS-CoV-2 có thể gây ho khan, sốt. Trường hợp tiến triển nặng có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Do đó, khi người bệnh ung thư phổi đã có tổn thương ở phổi thì việc nhiễm thêm SARS-CoV-2 càng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt với người bệnh ung thư phổi đang xạ trị, hoá trị, nếu mắc SARS-CoV-2 bệnh dễ có nguy cơ diễn biến nặng hơn”, BS. Huyền cho biết.
Không riêng gì bệnh ung thư, người bệnh có các bệnh lý nền mạn tính khác như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận... có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn và nếu mắc Covid-19 thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn so với những người không mắc các bệnh kèm theo này.
Trước băn khoăn của nhiều bệnh nhân “liệu có nên tiếp tục đến khám, điều trị trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay không?”, BS. Huyền cho hay: “Việc điều trị bất kỳ bệnh nào, không riêng gì bệnh ung thư, tuân thủ đúng phác đồ điều trị luôn được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng tôi lưu ý bệnh nhân thực hiện đúng các chỉ dẫn khi đến điều trị tại bệnh viện, ví như chủ động đeo khẩu trang; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng; Sử dụng khăn giấy nếu ho hoặc hắt hơi… Cùng đó, người bệnh cần được chăm sóc dinh dưỡng tích cực để duy trì sức khỏe, tăng cường miễn dịch”.
BS. Huyền cũng khuyến cáo thêm, mọi người cần lưu ý nếu xuất hiện các biểu hiện như mệt mỏi, sút cân, ho ra máu, đi ngoài ra máu, phát hiện u, cục, hay nhận thấy dấu hiệu bất thường của cơ thể thì nên chủ động đến khám tầm soát ung thư tại Bệnh viện K hoặc cơ sở chuyên khoa uy tín. Bởi nếu vì lo lắng dịch bệnh lan rộng mà bỏ qua “thời điểm vàng” để phát hiện sớm và điều trị ung thư hiệu quả thì hậu quả để lại với sức khỏe còn đáng lo ngại hơn rất nhiều.
“Ngoài ra, với những người bệnh đã điều trị ổn định, không có dấu hiệu bất thường, đến lịch tái khám thì có thể trao đổi với bác sĩ để hẹn lùi ngày, không cần thiết phải đến khám ngay trong thời điểm dịch bệnh cao điểm”, bà Huyền khuyến cáo.
Vũ Uyên
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Blog chuyên gia - 14/11/2023
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Blog chuyên gia - 27/09/2021
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Blog chuyên gia - 25/09/2021
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Blog chuyên gia - 23/09/2021
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?
Blog chuyên gia - 22/09/2021
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?