Việt Nam sẽ dùng huyết tương điều trị Covid-19
Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19, cho biết Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cùng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và hệ thống các bệnh viện chuyên ngành huyết học nghiên cứu tách chiết huyết tương từ người khỏi, để điều trị cho các bệnh nhân nặng theo phác đồ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo.
Trao đổi với VnExpress, tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết sử dụng huyết tương của người khỏi bệnh là phương pháp điều trị bệnh nhân nặng, cơ thể có tải lượng virus cao, đã điều trị bằng các phương pháp thông thường nhưng virus trong cơ thể không giảm. Huyết tương của người khỏi bệnh, có chứa kháng thể chống virus, khi truyền vào cơ thể người bệnh, kháng thể sẽ phát huy tác dụng, hỗ trợ bệnh nhân diệt virus.
"Phương pháp này ít biến chứng. Huyết tương được tách chiết sẽ là chế phẩm máu đặc biệt, cần có chỉ định đặc biệt", tiến sĩ Khánh nói.
Sáng 9/4, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã cử bác sĩ làm việc cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để xây dựng quy trình, hướng dẫn, chỉ định của phương pháp điều trị bằng huyết tương. Trong đó, quan trọng nhất là hướng dẫn chọn người cho máu để tách huyết tương và bệnh nhân được chỉ định điều trị, do Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phụ trách. Còn Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương sẽ tách chiết huyết tương theo yêu cầu.
Điều trị bằng huyết tương là phương pháp mới, chưa được Việt Nam sử dụng, nên nhóm chuyên gia đang nghiên cứu tài liệu và đánh giá kỹ lưỡng.
"Hiện chưa thể thực hiện ngay, chúng tôi cần thêm vài ngày để đọc tài liệu, hướng dẫn và tham khảo để đưa ra phương án cụ thể", tiến sĩ Khánh nói.
Riêng việc tách chiết huyết tương không khó khăn, do sử dụng máy móc và thiết bị tương tự với chiết tách các chế phẩm máu khác. Do đó theo tiến sĩ Khánh, "Viện Huyết học có đủ công nghệ để thực hiện".
Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết nhóm chuyên gia đang thu thập và nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu y khoa, các cách hạn chế biến chứng nếu có để đảm bảo an toàn cho người bệnh khi thử nghiệm lâm sàng.
"Chúng tôi sẽ sử dụng phương pháp điều trị Covid-19 bằng huyết tương của người khỏi bệnh trong trường hợp phải tiếp nhận quá nhiều ca bệnh nặng và khó", bác sĩ Thạch nói.
Chi Lê - Lê Nga
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Blog chuyên gia - 14/11/2023
Chuyên gia hàng đầu thế giới bàn về phẫu thuật, phục hồi dị tật tiết niệu-sinh dục cho trẻ em
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Blog chuyên gia - 27/09/2021
Có nên tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 khi đã sốc phản vệ lúc tiêm mũi 1?
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Blog chuyên gia - 25/09/2021
Hà Nội phân luồng xét nghiệm như thế nào?
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Blog chuyên gia - 23/09/2021
Ai cần thường xuyên xét nghiệm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh?
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?
Blog chuyên gia - 22/09/2021
Người tiêm 1 mũi vaccine có nên được cấp thẻ xanh?