Cây Hy thiêm
Hy thiêm là loài thân thảo sống hàng năm, cây cao khoảng 40 – 50cm. Thân cành có lông. Lá mọc đối, cuống ngắn bám sát thân, phiến lá hình quả trám hay tam giác, mép lá có răng cưa thưa và nông, ba gân chính tỏa ra từ gốc lá. Hoa đầu, màu vàng tươi, cuống hoa có lông tuyến dính. Hoa có hai loại lá bắc không đều nhau. Lá bắc ngoài mọc tỏa thành hình ngôi sao, lá bắc trong ngắn hợp thành một cụm bao lấy hoa. Quả bế hình trứng nhỏ xíu, màu xám.
Hy thiêm là cây hoang dại. Vào mùa hè, lúc cây chưa ra hoa người ta cắt cả cây về, làm sạch, phơi hoặc sấy khô dùng làm thuốc. Theo tài liệu cổ: Hy thiêm có vị đắng, tính hàn hơi có độc, vào hai kinh Can, Thận, có tác dụng khư phong, trừ thấp, lợi gân cốt. Dùng để chữa các chứng chân tay tê dại, lưng gối mới đau, chứng bản thân bất toại, chứng ung nhọt, sang độc.
Hy thiêm, ngoài việc được sử dụng làm thuốc sắc theo phương dược cổ truyền để chữa bệnh còn được nấu thành cao lỏng (cao hy thiêm) hoặc hoàn thành viên hay sản xuất thành viên nén theo phương pháp hiện đại công dụng trị bệnh cũng như nhau, miễn sao liều lượng phù hợp, thích ứng với từng người bệnh.
Những phương dược có vị Hy thiêm
* Phương bình can, tức phong (gia giảm) – cổ phương:
Chủ trị: Trúng phong (liệt nửa người).
Hy thiêm (16g)
Câu đằng Thiên ma (16g)
Bạch tật lê (12g)
Bạch cương tầm (12g)
Địa long (10g)
Nam tỉnh (8g)
Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần xa bữa ăn 30 phút. Kiêng: Thịt gà, cá chép, cá ếch, ba ba, thịt bò (gân bò), các chất kích thích; kiêng gió lạnh
* Phương cao hy thiêm (cổ phương):
Chủ trị: Phong thập, xương cái đau nhức tê mỏi, cử động khó khăn trở ngại.
Hy thiêm thảo và thiên niên kiện tỷ lệ: 20/1
Chẳng hạn: 1.000g hy thiêm thảo, 50g thiên niên kiện.
Hy thiêm thảo làm sạch phơi khô, thái ngắn. Thiên niên kiện làm sạch phơi khô, thái mỏng.
Cả hai cho vào nồi đổ nước ngập bã 1 gang tay, ninh kỹ. Chắt lấy nước đặc cho thêm mật (lượng mật vừa phải, không nhiều quá, lợ và không mạnh). Tiếp tục đun cho đến sánh là dùng được.
Ngày uống 3 lần, mỗi lần một thìa canh.
Kiêng: Thịt gà, cá chép, cá quả, ếch, ba ba, các chất kích thích.
Chú ý: Cây hy thiêm còn có nơi gọi là cây cứt lợn nhưng không phải là cây cứt lợn có tên khoa học Ageratum conyzoides L. mà người ta thường dùng chữa xoang mũi hoặc đun nước lấy mùi thơm gội đầu,...
Nguyễn Văn Hiếu
TC Thuốc và Sức khoẻ (536)
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Rau răm có làm giảm ham muốn ở nam giới?
Cây thuốc quanh ta - 07/11/2024
Rau răm có làm giảm ham muốn ở nam giới?
Hoa đu đủ đực có thể chữa ho?
Cây thuốc quanh ta - 03/06/2024
Hoa đu đủ đực có thể chữa ho?
Cây Hồng xiêm
Cây thuốc quanh ta - 06/03/2024
Cây Hồng xiêm
Hoa đào có thể chữa bệnh gì?
Cây thuốc quanh ta - 23/02/2024
Hoa đào có thể chữa bệnh gì?
Gừng vàng
Cây thuốc quanh ta - 30/01/2024
Gừng vàng