Cỏ Nhọ nồi, một số phát hiện và ứng dụng mới

Cỏ nhọ nồi là loài cỏ mọc hoang khắp nơi, từ Bắc vào Nam ở nước ta. Thường gặp ở những chỗ ẩm mát, ven bờ ao, bờ mương, trong vườn, ngoài ruộng, ven đường … từ vùng thấp cho đến độ cao 1800m.
Cây nhọ nồi - Ảnh minh họa
Cây nhọ nồi - Ảnh minh họa

 

Cây có tên khoa học là Eclipta prostrata L. , thuộc họ Cúc Asteraceae

Trong Đông y, cỏ mực có tên chính thức là “"mặc hạn liên", còn có tên "kim lăng thảo", "hạn liên thảo", “liên tử thảo”, “hạn liên tử” ....

Dân gian thường gọi là "cỏ nhọ nồi" vì khi vò nát, thấy có màu đen như nhọ nồi. Cũng vì khi vò nát thấy có màu đen như mực tàu, nên dân gian còn hay gọi là nó là “cỏ mực”.

Cỏ mực là loài cây thảo, thân mọc thẳng đứng, có lông cứng, cao 10—60cm, màu lục, đôi khi hơi đỏ tía. Lá mọc đối, phiến lá hình ngọn giáo hoặc xoan dài, mép nguyên hoặc khía răng, có lông tơ dày ở cả hai mặt. Cụm hoa hình bán cầu, mọc ở nách lá hoặc ở ngọn cành. Tổng bao gồm 1 hàng lá bắc hình bầu dục, có lông tơ ở mặt lưng. Đế hoa lồi. Các hoa ở mép là hoa cái, có tràng dạng lưỡi nhỏ, màu trắng, đầu có 2 thùy. Các hoa ở giữa là hoa lưỡng tính, hình ống, ở đầu có 4-5 thùy. Quả bế dẹt, có 3 cạnh màu đen.

Cỏ mực là một vị thuốc quý, có tác dụng bổ dưỡng và chữa được nhiều bệnh. Trong thành phố, nhà diện tích nhỏ, cũng nên trồng vài khóm cỏ mực trong chậu hoa, hay trong hộp xốp, để bảo vệ sức khỏe và dùng chữa bệnh.

Theo Đông y: Cỏ mực có vị ngọt, chua; tính mát; vào các kinh can và thận; có tác dụng dưỡng âm, bổ can thận, lương huyết (mát máu), chỉ huyết (cầm máu), làm đen tóc, chắc răng, ...

Tác dụng của cỏ nhọ nồi - Ảnh minh họa
Tác dụng của cỏ Nhọ nồi - Ảnh minh họa

 

Cỏ mực là vị thuốc cầm máu, đã được sử dụng từ hơn 1000 năm trước. Sách Tân Tu Bản Thảo (ấn hành năm 659) viết: "... vết máu thương đang chảy máu, đắp cỏ mực vào máu sẽ lập tức cầm lại ...”. Tác dụng cầm máu hiện nay đã được chứng minh bằng thực nghiệm: Cắt động mạch ở chân chó, sau đó dùng bột cỏ mực đắp lên vết cắt, ấn nhẹ lên, thấy có tác dụng cầm máu tốt. Cơ chế cầm máu của cỏ mực cũng đã được lý giải rõ ràng trong sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS. Đỗ Tất Lợi từ những năm cuối thế kỳ trước.

Trong sách thuốc Đông y thời trước, cỏ mực thường được xếp vào nhóm các vị thuốc cầm máu. Thế nhưng, những kết quả nghiên cứu những năm gần đây cho thấy, cỏ mực còn có nhiều tác dụng tốt, đối với sự cải thiện thể chất con người, vì vậy trong các sách đông dược hiện đại, nó được chuyển sang nhóm các vị thuốc bổ âm, cùng với những vị thuốc quen thuộc như kỷ tử, nữ trinh tử, hoàng tinh, ngọc trúc, thiên môn, mạch môn, bách hợp, tang thầm, ...

Dưới đây, xin giới thiệu tóm tắt về một số phát hiện và ứng dụng mới của cỏ nhọ nồi.

MỘT SỐ TÁC DỤNG DƯỢC LÝ MỚI PHÁT HIỆN

Tác dụng dược lý mới của cỏ Nhọ nồi - Ảnh minh họa
Tác dụng dược lý mới của cỏ Nhọ nồi - Ảnh minh họa

 

  • Tác động đối với chức năng miễn dịch

Cỏ nhọ nồi có tác dụng kích hoạt hệ miễn dịch, xúc tiến sự chuyển hóa của các tế bào limphô (lymphocyte), đặc biệt là đối với tế bào limphô T (T- lymphocytes). Kết qủa thực nghiệm trên động vật cho thấy, cỏ mực có tác dụng tăng cường rõ rệt đối với chức năng miễn dịch phi đặc dị và miễn dịch tế bào. Đối với chức năng miễn dịch dịch thể, thì chưa phát hiện thấy ảnh hưởng.

  • Tăng bạch cầu:

Thuốc chiết xuất bằng ethanol có tác dụng giảm nhẹ tình trạng giảm bạch cầu do cyclophosphamide gây nên.

  • Bảo vệ gan

Chiết xuất benzene, acetone, petroleum ether và ethanol từ cỏ nhọ nồi, đều có tác dụng bảo vệ gan đối với những tổn thương do CCL4 gây nên. Trong các loại chiết xuất trên, chiết xuất ethanol có tác dụng mạnh nhất

  • Ảnh hưởng đối với hệ tim mạch:

Cỏ mực có tác dụng tăng lưu lượng máu qua động mạch vành ở tim cô lập của chuột thí nghiệm, đồng thời còn cải thiện sóng T trên điện tâm đồ. Đối với tình trạng thiếu ô-xy, trong điều kiện huyết áp bình thường hoặc huyết áp thấp, cỏ mực có tác dụng kéo dài thời gian sống hoặc nâng cao tỷ lệ sống sót.

  • Chống tổn thương nhiễm sắc thể, chống đột biến:

Thuốc sắc cỏ nhọ nồi có tác dụng bảo vệ nhất định đối với nhiễm sắc thể và còn có khả năng chống đột biến.

  • Đối với hệ thần kinh trung ương:

Nước sắc cỏ nhọ nồi có tác dụng trấn tĩnh và giảm đau rõ ràng.

  • Diệt khuẩn, chống viêm:

Chiết xuất nước từ cỏ mực có tác dụng diệt tụ cầu khuẩn (staphylococcus aureus), trực khuẩn bạch hầu (bacillus diphtheria), trực khuẩn viêm ruột (bacillus enteritidis) và có tác dụng ức chế nhất định đối với amip. Nước sắc cỏ nhọ nồi có tác dụng ức chế rõ ràng đối với viêm cấp tính và viêm mạn tính.

MỘT SỐ ỨNG DỤNG LÂM SÀNG MỚI

  • Viêm khí quản: Dùng cỏ mực tươi 200g, trần bì 5g, sắc nước uống mỗi ngày 1 thang. Thử nghiệm điều trị 50 ca, kết quả rất tốt: Khỏi bệnh 44, chuyển biến tốt 4, vô hiệu 2; tổng hiệu suất 96%. Nói chung, sau 5 ngày, các triệu chứng cải thiện rõ rệt.
  • Chữa bệnh mạch vành tim: Dùng cao cỏ nhọ nồi ngày 2 lần, mỗi lần 15g (tương đương 30g thuốc tươi), liệu trình 1 tháng. Thử nghiệm điều trị 30 ca đau thắt ngực do bệnh động mạch vành ở những mức độ khác nhau. Kết quả : 15 ca kiến hiệu rõ ràng, 14 có cải thiện, 1 ca vô hiệu. Quan sát lâm sàng cho thấy, cỏ nhọ nồi còn có tác dụng đối với chứng váng đầu, bệnh cột sống, tim loạn nhịp và thở hụt hơi.
  • Tan máu do thuốc (Dược vật tính dung huyết): Dùng cỏ nhọ nồi khô 60-90g, sắc nước uống trong ngày; hoặc dùng cỏ nhọ nồi tươi 500g, giã lấy nước cốt, pha thêm nước sôi để nguội cho đỡ đặc, chia thành 2 phần uống, trường hợp nặng cần kết hợp truyền dịch (không truyền dịch có tính kiềm). Thử nghiệm trị liệu 11 ca, tất cả đều khỏi hẳn.
  • Hỗ trợ trong điều trị chứng giảm tiểu cầu máu: Cỏ mực 10g, nhân sâm 5g (nếu không có thay bằng đảng sâm 12g), gạo tẻ 50g, đường trắng vừa đủ. Nhân sâm thái thành lát mỏng, hấp chín. Cỏ mực rửa sạch, sắc lấy nước để nấu cháo. Sau khi cháo chín, cho sâm vào, thêm chút đường cho đủ ngọt. Dùng mỗi ngày 1 lần, ăn thay bữa điểm tâm buổi sáng; liên tục trong 5 ngày.
  • Gan nhiễm mỡ: Cỏ nhọ nồi 30-100g, nữ trinh tử 20g, trạch tả 15g, đương quy 15g. Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang.

Gia giảm: Trường hợp gan nhiễm mỡ do nghiện rượu thêm cát căn 30g, chỉ củ tử (hạt khúng khéng) 15g, bồ công anh 15g. Người viêm gan vi rút, nhất là viêm gan B mạn tính thêm: Phong phòng 15g, bán biên liên 20g, hổ trượng 15g. Đái tháo đường thêm: Huyền sâm 15g, thương truật 15g. Béo phì dẫn đến gan nhiễm mỡ, thêm: Đại hoàng 6-10g, hà diệp 15g.

  • Khô miệng ban đêm ở người già: Dùng cỏ mực 40g, sinh địa 12g; sắc uống. Thử nghiệm điều trị 50 ca, đều có kết quả tốt. Một bệnh nhân nữ, 62 tuổi, bị chứng khô miệng về đêm đã 6 năm; có đêm phải thức dậy tới 5-6 lần, để nhấp nước; đã uống 10 thang thuốc đông dược mà vô hiệu. Dùng phương thuốc trên sắc nước uống thay trà trong ngày, sau 7 ngày miệng đỡ khô rõ rệt, uống liên tục 14 ngày, hoàn toàn không còn thấy miệng khô. Sau khi khỏi bệnh, thỉnh thoảng lại sắc uống để củng cố; Theo dõi sau nửa năm không thấy tái phát.
  • Loét miệng tái đi tái lại lâu năm: Dùng cỏ mực 40g, nữ trinh tử, đạm trúc diệp, liên kiều, mỗi thứ 30g. Thủy tẩm tần ẩm, nhất chu hậu chứng trạng tiêu thấp.
  • Sỏi thận, tiểu tiện ra máu: Cỏ mực 15g, cỏ mã đề (xa tiền thảo) 15g, đường trắng vừa đủ ngọt. Cỏ mực và mã đề sắc lấy nước; khi uống rót nước thuốc ra bát, sau đó cho thêm đường vào cho đủ ngọt. Mỗi ngày 1 thang, chia ra nhiều lần uống thay trà trong ngày; liên tục trong 20 ngày.
  • U xơ tuyến tiền liệt: Cỏ mực 15g, trạch tả, ích trí nhân, xa tiền tử, bổ cốt chi, cù mạch, hổ trượng căn – mỗi vị 10g. Chữa tuyến tiền liệt tăng sinh có tác dụng tốt.
  • Phụ nữ ngứa âm đạo: Lấy cỏ mực tươi khoảng 100g, sắc nước để rửa ngoài âm đạo. Có thể thêm chút câu đằng vào sắc cùng càng tốt.
  • Viêm da tiết bã (seborrheic dermatitis): Cỏ nhọ nồi 200g, sắc nước gội đầu ngày 1 lần. Trị liệu 36 ca, tổng hiệu suất 83,94%.
  • Giời leo (Zona): Cỏ nhọ nồi tươi, dùng nước sạch rửa sạch, vò nát, vắt nước bôi, ngày bôi 3-4 lần. Thử nghiệm điều trị 10 ca, cơ bản khỏi 8, chuyển biến tốt 2 ca.
  • Phòng và chữa viêm da khi làm ruộng nước: Lấy cỏ mực tươi 1 nắm - khoảng 50g, rửa sạch, vò nát rồi xát lên chân và tay cho đến khi màu da chuyển sang tím đen nhạt. Chờ một lát cho da khô, rồi có thể xuống ruộng nước làm việc. Thời trước, những người thợ nề hay lấy cỏ mực xát lên tay để chữa chứng bỏng rát do vôi vữa gây nên. Chất tanin và một số hoạt chất khác trong cỏ mực có tác dụng làm săn da và phòng viêm nhiễm ngoài da rất tốt. Tại Trung Quốc, các thầy thuốc đã chế ra một loại cao mềm từ cỏ mực, chuyên dùng để phòng viêm da khi làm việc dưới ruộng nước.
  • Eczema ở trẻ nhỏ: Cỏ nhọ nồi tươi, rửa sạch, giã lấy nước, cho vào nồi hấp 15-20 phút để tiệt trùng; để nguội, bôi vào chỗ bị bệnh ngày vài ba lần. Hoặc nếu không có cỏ tươi dùng 50g khô, sắc lấy nước, cô đặc, bôi vào chỗ bị bệnh, ngày 2-3 lần. Thường sau 2-3 ngày là dịch rỉ giảm rõ ràng, đống vẩy, đỡ ngứa, khoảng 1 tuần là khỏi.

Lương y: Đỗ Tất Hùng

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cây Hồng xiêm

Cây Hồng xiêm

Cây thuốc quanh ta - 06/03/2024

Cây Hồng xiêm

Hoa đào có thể chữa bệnh gì?

Hoa đào có thể chữa bệnh gì?

Cây thuốc quanh ta - 23/02/2024

Hoa đào có thể chữa bệnh gì?

Gừng vàng

Gừng vàng

Cây thuốc quanh ta - 30/01/2024

Gừng vàng

Quả lê có tác dụng trị ho, tiêu đờm?

Quả lê có tác dụng trị ho, tiêu đờm?

Cây thuốc quanh ta - 19/01/2024

Quả lê có tác dụng trị ho, tiêu đờm?

Bắp cải vừa ngon, vừa là bài thuốc rẻ, nhưng ai không nên ăn?

Bắp cải vừa ngon, vừa là bài thuốc rẻ, nhưng ai không nên ăn?

Cây thuốc quanh ta - 04/01/2024

Bắp cải vừa ngon, vừa là bài thuốc rẻ, nhưng ai không nên ăn?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới