Cỏ roi ngựa, vị thuốc quý mọc hoang
Cây còn có tên là “cỏ vọt ngựa” (Tuệ Tĩnh), “nhả tháng én” (dân tộc Tày), “co pin mạ” (Thái), “r’gờ mí” (K’Ho)... Tại Trung Quốc, cây có tới hơn 30 tên khác nhau; ngoài tên chính thức là “mã tiên thảo” - cũng có nghĩa là “cỏ roi ngựa” (mã = ngựa, tiên = roi, thảo = cỏ), còn những tên như “phượng cảnh thảo”, “tử đỉnh long nha”, “thiết mã tiên”, “cẩu nha thảo”, “hạc tất phong”, “thoái huyết thảo”, “thuận loát thảo”, “thiết tảo mao”, “thiết mã liên”… Còn ở châu Âu (Pháp) cây được dùng với tên “Verveine”.
Tên khoa học là Verbena officinalis L.; thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).
Đặc điểm hình thái: Là loại cỏ nhỏ, sống dai, mọc thành bụi, cao từ 10cm đến hơn 1m. Thân vuông, có 4 cạnh, mọc đứng, có lông. Vì thân cây có đốt giống như cái roi ngựa, nên người xưa đã gọi nó là "mã tiên thảo" (mã = ngựa, tiên = roi, thảo=cỏ). Lá mọc đối, xẻ thành những thùy hình lông chim không đều. Mép lá có răng cưa; phiến lá men theo cuống đến tận gốc; Lá không có cuống hoặc cuống rất ngắn. Hoa mọc thành bông ở ngọn hoặc nách lá, dài khoảng 20cm, phân nhánh nhiều. Đài hoa hình ống, dài khoảng 2mm, phiá trên phân thành 5 mảnh nông. Tràng hoa hình môi, môi dưới hơi to hơn môi trên, môi trên xẻ 2, môi dưới xẻ 3. Hoa lưỡng tính, mọc sát nhau, không đều; nhị 4, không thò ra ngoài, mọc trong ống tràng hoa; nhụy 1, núm xẻ 2. Quả nang, có 4 nhân, hạt nhỏ. Mùa hoa quả: tháng 3-9
Để dùng làm thuốc, người ta chặt toàn cây, hoặc nhổ cả cây kèm theo rễ, dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.
Theo “Những cấy thuốc và vị thuốc Việt Nam”: Thời trước dân châu Âu rất hay dùng vị thuốc này, coi như có khả năng chữa được bách bệnh, nhưng hiện nay chỉ còn dùng làm thuốc xoa bóp. Ở phương Đông, cây được ghi chép sớm nhất trong sách “Danh y biệt lục” của Đào Hoằng Cảnh (456-536).
Theo Đông y: Cỏ roi ngựa có vị đắng, tính mát vào các kinh Can và Tỳ. Có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, thanh nhiệt, giải độc, thông kinh, lợi tiểu, tiêu thũng. Thường dùng chữa sốt do ngoại cảm, hoàng đản (vàng da), thủy thũng (phù), kiết lỵ, sốt rét, bạch hầu, bế kinh ...
Kiêng kỵ: Phụ nữ mang thai phải thận trọng khi sử dụng. Sách Bản thảo kinh sơ viết: người mắc chứng thấp nhiệt và huyết nhiệt, nhưng tỳ âm hư mà vị khí suy nhược không nên dùng.
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy:
Thành phần hóa học:
Toàn cây có verbenalin, hastatoside, lupelo, β-sitosterol, ursolic acid, aucubin và artemetin. Lá có verbascoside, adenosine và beta-cacarotenne. Rễ và cành có stachyose.
Tác dụng dược lý:
1- Tác dụng sát khuẩn: Nước sắc cỏ roi ngựa có tác dụng ức chế đối với tụ cầu khuẩn vàng (staphylococcus aureus) ) và trực khuẩn lị (Shigella flexneri). Nước sắc nồng độ 31mg/lít có tác dụng diệt xoắn khuẩn leptospira
2- Tác dụng kháng viêm và giảm đau: Chiết xuất nước và chiết xuất ethanol, đều có tác dụng kháng viêm ở thỏ nhà thí nghiệm. Chiết xuất ethanol có tác dụng kháng viêm mạnh hơn chiết xuất nước.
3- Tác dụng giảm ho: Nước sắc có tác dụng giảm ho nhất định; thành phần có tác dụng giảm ho là β-sitosterol và verbenalin.
4- Verbenalin có tác dụng xúc tiến tăng tiết sữa lâu dài ở động vật có vú.
MỘT SỐ BÀI THUỐC CÓ DÙNG CỎ ROI NGỰA
- Ăn phải cá độc sinh cổ trướng: Cỏ roi ngựa một nắm to, sắc nước uống nhiều lần trong ngày (Theo Nam dược thần hiệu).
- Vú sinh nhọt sưng đau, tắc tia sữa sưng đau: Cỏ roi ngựa một nắm, gừng sống 1 củ - tất cả đem giã nát, chế vào 1 chén rượu, vắt lấy nước cốt uống, còn bã dùng để đắp lên chỗ bị bệnh (Nam dược thần hiệu; phương thuốc này cũng thấy chép trong sách Vệ sinh giản dịch phương của TQ).
- Họng sưng đau: Dùng cành lá cỏ roi ngựa tươi một nắm to, giã nát, vắt lấy nước cốt, hòa thêm một lượng sữa người, ngậm và nuốt dần từng ít một (Giang Tây Trung thảo dược học).
- Bạch hầu: Dùng cỏ roi ngựa khô 30-50g, sắc lấy khoảng 300ml nước thuốc. Người lớn mỗi lần uống 150ml, ngày uống 2 lần, liên tục 3-5 ngày, trẻ em 8-14 tuổi mỗi lần uống 100ml, ngày uống 2 lần, liên tục 3-5 ngày; trẻ nhỏ dưới 8 tuổi mỗi lần uống 50ml, ngày uống 2 lần, liên tục 3-5 ngày. Thử nghiệm điều trị 50 trường hợp, toàn bộ khỏi bệnh (Thảo mộc liệu pháp).
- Sốt rét: Dùng cỏ roi ngựa khô 30-60g, sắc nước uống. Trước và sau lúc lên cơn sốt 1-2 giờ uống 1 lần. Thử nghiệm điều trị cho 236 ca: 216 ca có kết qủa tốt (Thảo mộc liệu pháp).
- Phòng viêm gan truyền nhiễm: Dùng cỏ roi ngựa 25g, cam thảo 5g, sắc với 150ml nước, đun nhỏ lửa đến khi cạn còn 40ml - đó là liều lượng 1 lần uống đối với người lớn, mỗi ngày uống 3 lần vào trước bữa cơm, liên tục trong 4 ngày. Trong thời kỳ có dịch viêm gan truyền nhiễm, 74 người trong diện có nguy cơ bị nhiễm bệnh đã được sử dụng phương thuốc trên, theo dõi trong 4 tháng không thấy bị nhiễm bệnh (Trung y tạp chí 4/1960).
- Hoàng đản (vàng da): Dùng rễ cỏ roi ngựa tươi hoặc toàn cây tươi 50g, sắc lấy nước, bỏ bã, pha thêm đường, chia thành 3 phần uống trong ngày; nếu vùng gan trướng đau thêm sơn tra 15g, cùng sắc uống (Giang Tây Thảo dược thủ sách).
- Trĩ nội: Dùng cỏ roi ngựa, rau dền gai, mỗi thứ 20g, sắc nước uống thay trà trong ngày, liên tục trong nhiều ngày. Tạp chí Quảng Tây trung dược học số 2/1977 thông báo: 1 nữ bệnh nhân 26 tuổi, bị trĩ nội xuất huyết đã 11 năm, sử dụng phương thuốc này trong nửa tháng đã khỏi bệnh, 2 năm sau không thấy tái phát (Thảo mộc liệu pháp).
- Viêm khoang miệng: Dùng cỏ roi ngựa tươi 30g, sắc nước, uống thay trà trong ngày. Sách Thảo mộc liệu pháp cho biết trường hợp 1 bé gái 4 tuổi, khoang miệng bị viêm đã 4 tháng, nhiều điểm bị mưng mủ, chân răng hay chảy máu, miệng hôi, lưỡi đỏ; đã điều trị bằng thuốc kháng sinh kết hợp với vitamin B2 và vitamin C nhưng không có kết quả. Dùng phương thuốc này trong 5 ngày bệnh đã khỏi, theo dõi một năm sau không thấy tái phát.
- Da lở ngứa: Lấy cỏ roi ngựa nấu nước để tắm rửa hàng ngày và xoa xát lên chỗ da có bệnh (Kinh nghiệm dân gian VN).
- Chữa viêm kẽ móng (1) Dùng lá cỏ roi ngựa 30g, rửa sạch bằng nước sôi để nguội, thêm chút cơm tẻ và mấy hạt muối vào cùng giã nát, đắp lên chỗ móng tay bị viêm, dùng băng cố định, ngày thay thuốc 2-3 lần (Thảo dược trị ngoại khoa bệnh).
Lương y: Đỗ Tất Hùng
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Rau răm có làm giảm ham muốn ở nam giới?
Cây thuốc quanh ta - 07/11/2024
Rau răm có làm giảm ham muốn ở nam giới?
Hoa đu đủ đực có thể chữa ho?
Cây thuốc quanh ta - 03/06/2024
Hoa đu đủ đực có thể chữa ho?
Cây Hồng xiêm
Cây thuốc quanh ta - 06/03/2024
Cây Hồng xiêm
Hoa đào có thể chữa bệnh gì?
Cây thuốc quanh ta - 23/02/2024
Hoa đào có thể chữa bệnh gì?
Gừng vàng
Cây thuốc quanh ta - 30/01/2024
Gừng vàng