ÍCH MẪU THẢO – Một số phát hiện, ứng dụng mới

Ích mẫu thảo là một vị thuốc Nam thiết yếu.
Ích mẫu thảo
Ích mẫu thảo

 

Cây có tên khoa học là: Leonurus heterophyllus Sweet, thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae). “Leonurus” theo gốc chữ Hy Lạp có nghĩa  là đuôi con sư tử, “heterophyllus” là lá có hình dạng biến đổi - vì cây ích mẫu giống đuôi con sư tử, mà lá có hình dạng biến đổi.

Ích mẫu là vị thuốc đã được dùng từ rất lâu đời trong Y học cổ truyền. Trong “Thần nông bản thảo kinh,  bộ sách thuốc cổ nhất của Đông y,  ích mẫu có tên là "sung úy thảo" và được xếp vào loại thuốc “thượng phẩm”. Trong “Bản thảo cương mục”, Lý Thời Trân đã giải thích về tên của vị thuốc như sau: Thứ “thảo” (cỏ) này cả cành lá và hoa quả đều "sung thịnh mật úy" (tươi tốt dầy đặc) nên gọi là "sung úy thảo". Sau này,  do có tác dụng tốt đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trong kỳ sinh đẻ, nên thường được gọi là "ích mẫu thảo", có nghĩa là "thứ cỏ có ích cho người mẹ".

Sách thuốc Đông y cũng thường gọi vị thuốc này là "khôn thảo",  vì theo Kinh Dịch: “Càn đạo thành nam, khôn đạo thành nữ",  "càn" và "khôn" là các quẻ trong Kinh Dịch, “càn” đại diện cho nam, “khôn” đại diện cho nữ; "khôn thảo" có nghĩa là thứ cỏ dành cho phụ nữ.

Ở nước ta, từ xưa dân gian thường dùng thuốc này để chữa các bệnh phụ nữ, nhất là phụ nữ sau khi đẻ, cho nên có tên là “ích mẫu” và có câu ca dao: Nhân trần ích mẫu đi đâu/ Để cho gái đẻ đớn đau thế này

ĐẶC ĐIỂM

Cây ích mẫu
Cây ích mẫu

 

Cây ích mẫu có thân hình vuông, cao 0,6-1m, ít phân nhánh, lúc còn non toàn thân có phủ lông nhỏ ngắn. Lá mọc đối. Tùy theo vị trí mà lá có hình dạng khác nhau: Lá ở gốc có cuống dài, hình tim, mép có răng cưa dài và thô. Lá ở phần giữa cây có cuống ngắn hơn, phiến lá thường xẻ sâu thành 3 thùy, trên mỗi thùy lại có răng cưa thô. Lá ở phần trên ngọn hầu như không chia thùy và hầu như không có cuống. Hoa mọc vòng ở kẽ lá; tràng hoa màu hồng hay tím hồng, xẻ thành 2 môi gần đều nhau. Quả nhỏ 3 cạnh, vỏ màu xám nâu.

PHÂN BỐ, THU HÁI

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Ích mẫu là một loại cỏ mọc hoang ở khắp nơi, thường thấy ở ven suối, ven sông nơi đất cát, còn thấy ở ruộng hoang, ven đường. Vào khoảng tháng 5-6, lúc một nửa số hoa của cây bắt  đầu nở thì bắt đầu thu hái. Cắt toàn bộ phần trên mặt đất, đem về phơi hay sấy khô là được. Nếu muốn thu  hoạch hạt (quả) thì cần chờ khi hoa trên cây đã tàn hết, thu hoạch đến đâu giũ  hết quả đến đó.

Cây ích mẫu cung cấp cho ta 2 vị thuốc:

  1. “Ích mẫu” (Herba Leonuri) là toàn bộ phần trên mặt đất, phơi hay sấy khô của cây ích mẫu.

Theo Đông  y, ích mẫu có vị đắng, cay; tính mát; đi vào các kinh Can và Tầm bào.  Có tác dụng tán ứ sinh tân (thanh trừ  ứ huyết, sinh tân dịch, tạo huyết mới), hoạt huyết điều kinh, lợi thủy tiêu thũng. Dùng chữa kinh nguyệt không điều hoà, thống kinh (hành kinh đau bụng), bế kinh, sản hậu rong huyết, viêm thận cấp, ung nhọt, ngoại thương ứ huyết ...

  1. “Sung úy tử” (Fructus Leonuri) là quả chín, phơi hay sấy khô, của cây ích mẫu. Dân gian thường gọi nhầm là “hạt”, nhưng về mặt thực vật học thực ra là quả.

Theo Đông y, sung úy tử có vị cay, ngọt; tính hơi ấm; vào các kinh Tâm bào và Can.  Công dụng tương tự như ích mẫu,  có thêm tác dụng bổ thận, ích tinh, dưỡng can, minh mục.

 TÁC DỤNG DƯỢC LÝ MỚI PHÁT HIỆN

Ích mẫu khô
Ích mẫu khô

 

  • Ảnh hưởng đối với tử cung:

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, nước sắc và cao cồn ích mẫu có tác dụng kích thích tử cung, khiến cho biên độ,  tần số  và trương lực co bóp tử cung đều tăng. Đối với tử cung cô lập (li thể), tử cung tại chỗ (tại thể), tử cung có mang, cũng như tử cung chưa có mang, thuốc đều có tác dụng.  Những năm gần đây, y học đã xác định được, thành phần có tác dụng đối với tử cung, là một chất alcaloid, có tên leonurine.

Cũng trong những năm gần đây, Đông y đã phát hiện thêm: Chế phẩm ích mẫu thảo có tác dụng điều tiết hai chiều tương đối tốt đối với tử cung. Nghĩa là ở trạng thái bình thường thì ích mẫu có tác dụng hưng phấn, kích thích co thắt, còn khi tử cung đang co thắt thì lại có tác dụng nới lỏng, làm giảm sự co thắt tử cung  (Lý Nguyệt Sĩ và Hoàng Tỏa Nghĩa, 2014).

Cơ chế trị liệu của ích mẫu thảo đối với thống kinh nguyên phát là: nới lỏng trạng thái co thắt của cơ trơn tử cung, đồng thời làm giảm  hàm lượng prostaglandin (PG) trong cơ trơn tử cung (Lý Nghĩa Tú,  Luận văn bác sĩ, 2011).

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, ở mức độ phân tử, alcaloids toàn phần trong ích mẫu thảo, có tác dụng đối kháng rõ rệt đối với oxytocin – chất khiến cho tử cung ở chuột cống co thắt kịch liệt tạo ra những cơn đau, đồng thời lại ức chế rõ ràng đối với prostaglandin (PG) -  chất gây nên phản ứng đau trong khi hành kinh (Lý Vạn và Thái Á Linh, 2002).

Những kết quả trên cho thấy, Đông y cổ truyền sử dụng ích mẫu thảo làm thuốc điều kinh hòa kinh nguyệt, chữa thống kinh (hành kinh đau bụng) là có cơ sở.

  • Ảnh hưởng đối với tim mạch:

Thời xưa, ích mẫu thảo được mệnh danh là thuốc thánh để chữa trị các bệnh liên quan đến huyết dịch (“huyết gia thánh dược”).  Hiện tại, ích mẫu thảo là loại thuốc hoạt huyết hóa ứ thông dụng,  trên lâm sàng thường dùng chữa các bệnh tim mạch và huyết dịch.

Tác dụng hoạt huyết hóa ứ liên quan mật thiết đến thành phần hóa học của ích mẫu thảo. Các nghiên cứu những năm gần đây đã phát hiện, thành phần chủ yếu của ích mẫu bao gồm các alcaloids, flavonoid, diterpene, ferulic acid, các acid béo, tinh dầu, polysaccharide; còn chứa selenium (Se), manganese (Mn), đồng (Cu), các nguyên tố vi lượng. Cho đến nay alcaloids vẫn được coi là thành phần hoạt tính chủ yếu của ích mẫu; trong số đó, leonurine và stachydrine là hai chất có tác dụng làm giảm độ nhớt của huyết dịch rõ ràng. Các alcaloids cũng có tác dụng ức chế đối với sự  kết tập tiểu cầu, sự hình thành huyết khối và tụ tập hồng cầu. Tác dụng hoạt huyết hóa ứ của ích mẫu thảo liên quan đến các tác dụng dược lý như: cải thiện vi tuần hoàn, cải thiện tình trạng thiếu máu của cơ tim, chống sự hình thành của huyết khối, làm giảm độ nhớt của huyết dịch, chống lại sự kết tập tiểu cầu (Drug Evaluation Reseach 2015/4)

  • Tác dụng kháng viêm và giảm đau:

Các alcaloids trong ích mẫu thảo có tác dụng kháng viêm, giảm đau rõ ràng. Ích mẫu thảo có tác dụng làm giảm cảm giác đau do kích thích nhiệt, cũng như viêm do carrageenin gây nên. (Trung Hoa khoa kỹ đại học học báo, Y học bản, 2002, 31(2): 168-170).

Kết quả nghiên cứu của Vương Lệ Quyên và cộng sự, trên mô hình gây sưng bàn chân ở chuột nhắt cho thấy, tác dụng kháng viêm và giảm đau của ích mẫu thảo gần bằng tác dụng của aspirin, hoặc yếu hơn một chút – (Thời Trân quốc y quốc dược, 2009, 20(3): 645-646).

  • Ảnh hưởng đối với hệ tiết niệu:

Từ nhiều năm trước, ích mẫu đã sử dụng trên lâm sàng, chữa khỏi  một số trường hợp viêm thận và phù (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam). Kết quả nghiên cứu những năm gần đây cho thấy, ích mẫu thảo có tác dụng lợi niệu, tiêu thũng rõ rệt. Tuy nhiên, tác dụng của dung dịch nước hơi yếu. Để tăng cường tác dụng lợi niệu, khi sử dụng thuốc nước, cần phối hợp thêm với tinh dầu.

Kết quả nghiên cứu của Hy Vĩ Bân và Lý Hải Linh cho thấy,  chất stachydrine trong ích mẫu, có tác dụng làm tăng lượng nước tiểu ở chuột cống thí nghiệm rõ ràng. Chất leonurine, một ancaloid khác, cũng có tác dụng lợi niệu nhất định. Tác dụng lợi niệu trong vòng 2 giờ thì đạt tới đỉnh cao. Tác dụng lợi niệu của stachydrine tương đối nhanh. Tác dụng lợi niệu của leonurine tương đối ôn hòa (từ từ). Kết quả phân tích các i-on trong nước tiểu cho thấy: Cả hai loại ancaloid đều làm giảm lượng i-on K+ và Cl-  bài tiết qua nước tiểu, nhưng tăng lượng Na+. Như vậy, ích mẫu thảo có thể sử dụng như một loại thuốc lợi tiểu ôn hòa và bảo tồn Kali (K).

  • Tác dụng đối với hệ miễn dịch

Theo Đông y, ích mẫu thảo có vị cay, có công năng  hoạt huyết, trừ phong. Huyết ứ được hoạt hóa, phong tà bị tiêu trừ, thì chính khí của cơ thể sẽ được hồi phục, da thịt được nuôi dưỡng đầy đủ và các bệnh ngoài da sẽ bị tiêu trừ.

Các kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, ích mẫu thảo có tác dụng cải thiện hệ miễn dịch, có thể sử dụng để chữa trị một số bệnh ngoài da và một số chứng bệnh liên quan đến chức năng miễn dịch. Trên lâm sàng, thuốc chế từ ích mẫu đã được sử dụng để chữa trị ban xuất huyết do dị ứng (allegic purpura), mày đay (urticaria), ban xuất huyết ở trẻ nhỏ do viêm thận và vô sinh do miễn dịch, đạt kết quả tốt – (Lý Nguyệt Sĩ, Hoàng Tỏa Nghĩa, 2014)

  • Tác dụng chống lão hóa

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong ích mẫu có selenium (Se), manganese (Mn), đồng (Cu) và nhiều loại nguyên tố vi lượng. Đó là những chất có công hiệu chống lão suy, giữ gìn nhan sắc (dưỡng nhan mỹ dung), kéo dài tuổi thọ (diên niên ích thọ) và phòng ngừa ung thư, hết sức rõ ràng. Các chất stachydrine, leonurine, lauric acid và oleic acid có tác dụng xúc tiến quá trình trao đổi chất của da, khiến cho da được nuôi dưỡng tốt, trở nên tươi nhuận (Trình Tĩnh và cộng sự, 2007).

Kết quả thực nghiệm trên chuột cống già cho thấy: Bôi nước ép  ích mẫu tươi (ích mẫu thảo tiên trấp) có tác dụng xúc tiến quá trình phân liệt và hợp thành tế bào sợi, làm tăng số lượng tế bào sợi, độ đàn hồi của elastin và tăng sự tạo thành collagen, nhờ vậy mà khiến cho độ đàn hồi của da được khôi phục. Nước ép ích mẫu tươi đồng thời còn có thể ức chế hoạt tính của men tyrosinase và ức chế sự tăng sinh tế bào ung thư hắc tố B-16; nhờ vậy mà có thể tiêu trừ các vết đồi mồi, vết đen trên da và có tác dụng giữ gìn vẻ đẹp của da (Thẩm Lợi Hồng, Vương Thắng Lợi, 2010)

  • Độc tính:

Trước đây người ta vẫn cho rằng, ích mẫu thảo là một loại thảo dược an toàn, hoàn toàn không độc. Nhưng những năm gần đây, khi nghiên cứu sâu hơn, đã phát hiện: Nếu  sử dụng ích mẫu với liều cao, nhất là khi sử dụng dài ngày, sẽ xuất hiện những tác dụng phụ bất lợi. Thí dụ như, ích mẫu thảo có thể gây co bóp tử cung, dẫn đến xảy thai ở phụ nữ mang thai; Có thể giãn rộng các động mạch nhỏ - dẫn đến vã mồ hôi đầm đìa; Có thể làm tụt huyết áp, thậm chí bị sốc; Có thể gây hưng phấn trung khu hô hấp, dẫn đến thở gấp, người mệt lả; Có thể gây tổn thương hệ thống tiết niệu, với những triệu chứng như đau lưng, đái ra máu; Đối với thần kinh – cơ bắp: có tác dụng như bị trúng tên độc – (TQ cơ tầng y dược, 2002; 9(2):181-182).

Thái Chiết Nghị và cộng sự, thông qua thực nghiệm trên động vật, tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của ích mẫu đối với chức năng thận, sử dụng tễ lượng lớn hơn liều lượng tính trên kg thể trọng ở người lớn 20, 40, 80 lần, phát hiện: ích mẫu không gây tổn thương tiểu cầu thận, nhưng có thể khiến cho gián chất thận bị viêm và tăng sinh mô sợi, tiểu quản thận bị xơ mỡ ở mức độ nhẹ; Mức độ nghiêm trọng của bệnh biến tăng tỷ lệ thuận với liều sử dụng – (Thượng Hải trung y dược tạp chí, 2000, (11): 37-39).

Do đó, trên lâm sàng không nên sử dụng đơn độc ích mẫu thảo với liều cao trong thời gian dài; khi sử dụng liều nhỏ, cũng cần chú ý phối ngũ và rút ngắn thời gian dùng thuốc.

MỘT VÀI ỨNG DỤNG MỚI

  • Máu hôi ra không ngừng (ác lộ bất chỉ):

Dùng ích mẫu thảo 30g, tiên hạc thảo 30g, đường đỏ 10g. Sắc 2 vị thuốc, chắt lấy nước, pha đường vào, đun sôi lại là được. Chia ra uống trong ngày. Dùng trong các trường hợp sau khi đẻ, sẩy thai, mổ đẻ, nạo thai, máu hôi ra không ngừng -  (Trung y dược thiện học)

Thông thường, sau khi đẻ, máu hôi bài tiết khoảng 2 tuần thì sạch. Máu hôi (ác lộ) là dịch bài tiết từ dạ con, có lẫn máu, …

  • Tử cung không co hồi:

Dùng ích mẫu thảo 30g, kê huyết đằng 20g,  sắc nước uống, khi uống cho thêm đường vào cho đủ ngọt. Dùng trong các trường hợp sau khi đẻ, hoặc phẫu thuật, tử cung chưa khôi phục vị trí cũ  (Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách)

  • Vô sinh ở nữ giới:

Dùng ích mẫu tươi 30g (hoặc ích mẫu khô 15g), gà mái đã đẻ trứng 1 con.

Làm thịt gà, bỏ nội tạng, rửa sạch. Cho ích mẫu đã thái nhỏ, thêm chút muối, gừng và gia vị ăn vào bụng gà, đặt vào một cái bát lớn; đặt vào nồi hấp, đậy kín, hấp đến khi thịt gà chín nhừ. Chiều tối ăn thịt gà và uống nước thuốc. Nếu không ăn hết một lần, có thể để chiều hôm sau ăn nốt; chỉ cần ăn 1-2 con gà là có kết quả. Đã thử nghiệm điều trị 4 ca vô sinh nữ, trong đó 1 ca là vô sinh nguyên phát, 3 ca là vô sinh thứ phát, tất cả đều có kết quả tốt – (Quảng Tây Trung y dược)

  • Bệnh động mạch vành, đau thắt ngực:

Dùng ích mẫu thảo 30g, xuyên khung 10g, đan sâm 10g, hồng hoa 8g, đào nhân 10g, xích thược 8g, cam thảo 5g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang – (Thiểm Tây  Trung Y)

  • Huyết khối não:

Dùng ích mẫu thảo 30g, sắc nước uống, ngày 3 lần; liên tục 10 ngày (1 liệu trình); nghỉ 3-5 ngày, lại uống tiếp liệu trình khác. Người huyết áp cao cần bổ sung thuốc hạ huyết áp để duy trì huyết áp ổn định.  Đoạn Thành Lâm đã thử nghiệm điều trị 24 ca đã hình thành huyết khối não. Kết quả: 16 ca khỏi bệnh (Không còn các chứng trạng bệnh lý, kiểm tra bằng CT không còn huyết khối) - hiệu suất 66,67%;  6 ca chuyển biến tốt (Chứng trạng bệnh lý giảm, kiểm tra bằng CT thấy kích thước huyết khối giảm) – hiệu suất 25%; vô hiệu: 2 ca - 8,33% (Trung Quốc dân gian liệu pháp)

  • Viêm thận cấp, viêm thận mạn, tăng huyết áp:

Ích mẫu thảo 30g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 10g, sắc nước, chia 2 lần uống trong ngày, mỗi ngày một thang. Nếu có điều kiện có thể thêm: phục linh 20g, sa tiền tử 20g, bạch truật 12g, tang bì 12g, cùng sắc uống  (Thực dụng trung dược thủ sách)

  • Sỏi tiết niệu:

Dùng ích mẫu tươi 100g, chỉ xác 12g, trạch tả 12g, đại hoàng 6g, sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, liên tục 20 ngày (một liệu trình), nghỉ 3-5 ngày, lại uống tiếp liệu trình thứ 2. Thử nghiệm điều trị 60 ca sỏi tiết niệu, trong đó 40 ca sỏi niệu quản, 20 ca thuộc các dạng khác; kết quả đã có 48 ca khỏi bệnh, hiệu suất đạt 80% – (Nhất vị trung dược khứ ngoan tật).

  • U xơ tuyến tiền liệt:

Dùng ích mẫu thảo 30-50g, vỏ trắng rễ liễu 50-80g, sắc nước uống mỗi ngày 1 thang. Thử nghiệm điều trị 37 ca, kết quả đã có 34 ca khỏi bệnh, hiệu suất đạt 91,89%; 2 ca có cải thiện rõ ràng – 5,14%, 1 ca có chuyển biến tốt – 2,7% (Nhất vị trung dược khứ ngoan tật)

  • Chữa mẩn tịt (urticaria):

Dùng ích mẫu thảo 30g, sắc lấy nước, chia ra uống trong ngày. Đồng thời dùng ích mẫu thảo 120g, đổ ngập nước ngâm 2 giờ, sau thêm nước cho đủ 3 lít; đun 15 phút, chờ cho bớt nóng, rửa toàn thân, ngày 1 lần. Thử nghiệm điều trị 30 ca; 25 ca khỏi hoàn toàn, 5 ca hữu hiệu (Trung y tạp chí)

  • Phòng trị mụn trứng cá

Dùng ích mẫu đốt thành tro, bồ kết 10g, nấu nước rửa mặt (Dược thảo mỹ dung hộ phu nghiệm phương)

  • Phòng mụn nhọt cho trẻ sơ sinh

Khi trẻ mới sinh, lấy ích mẫu thảo đun nước tắm, sẽ không bị mụn nhọt (Trung Quốc dược học đại từ điển)

Lương y Đỗ Tất Hùng

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Rau răm có làm giảm ham muốn ở nam giới?

Rau răm có làm giảm ham muốn ở nam giới?

Cây thuốc quanh ta - 07/11/2024

Rau răm có làm giảm ham muốn ở nam giới?

Hoa đu đủ đực có thể chữa ho?

Hoa đu đủ đực có thể chữa ho?

Cây thuốc quanh ta - 03/06/2024

Hoa đu đủ đực có thể chữa ho?

Cây Hồng xiêm

Cây Hồng xiêm

Cây thuốc quanh ta - 06/03/2024

Cây Hồng xiêm

Hoa đào có thể chữa bệnh gì?

Hoa đào có thể chữa bệnh gì?

Cây thuốc quanh ta - 23/02/2024

Hoa đào có thể chữa bệnh gì?

Gừng vàng

Gừng vàng

Cây thuốc quanh ta - 30/01/2024

Gừng vàng

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới