Chuyển đổi số trong quản lý F0 tại nhà
Ngày 12/3, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thử nghiệm giải pháp chuyển đổi số cho cả quy trình xác nhận F0 và quy trình xác nhận hoàn thành cách ly tại nhà. Theo thống kê của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, vào thời điểm tháng 3, số ca nhiễm Covid-19 tăng cao trở lại. Riêng ngày 10/3, thành phố có hơn 9.500 ca cần được cách ly, chăm sóc và điều trị tại nhà, trong đó có 3.368 ca được chẩn đoán xác định (xét nghiệm PCR) và 6.219 ca nghi ngờ (test nhanh). Phần lớn người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo quy định "cứng" thì tất cả người nhiễm phải đến trạm y tế để đăng ký và làm xét nghiệm để được xác nhận là F0; rồi lại đến trạm y tế làm xét nghiệm và làm thủ tục xác nhận hoàn thành thời gian cách ly. Điều này dẫn đến ùn ứ tại trạm y tế do nhân viên y tế bị quá tải.
Với sự hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế đã khẩn trương triển khai giải pháp chuyển đổi số cho cả quy trình xác nhận F0 và quy trình xác nhận hoàn thành cách ly tại nhà. Trọng tâm của chuyển đổi số công tác quản lý F0 chính là ứng dụng khai báo F0 trên nền tảng Web tại địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn (dành cho người dân) và "Nền tảng số quản lý Covid-19" (dành cho trạm y tế và cơ sở y tế). Khi có triệu
chứng nghi mắc Covid-19, người dân xét nghiệm nhanh tại nhà, nếu có kết quả dương tính thì đăng nhập vào địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn để khai báo và được xác nhận là F0. Khi đủ thời gian cách ly, F0 xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại nhà, nếu có kết quả âm tính thì gửi hình ảnh xét nghiệm vào "Nền tảng số quản lý Covid-19" để nhận được giấy hoàn thành cách ly y tế tại nhà (được gửi qua thư điện tử đến F0). Giải pháp chuyển đổi số toàn bộ quy trình xác nhận F0 và quy trình xác nhận F0 đã hoàn thành cách ly theo hướng cung ứng dịch vụ công cấp độ 4.
Trạm y tế phường 14, quận 11 là đơn vị đã triển khai nhanh chóng quy trình chuyển đổi số, cấp quyết định cách ly cũng như giấy hoàn thành cách ly y tế tại nhà cho F0. Các cán bộ y tế ở đây cho biết, khi đã chuyển đổi số, việc cấp quyết định cách ly và giấy hoàn thành cách ly y tế trở nên dễ dàng hơn, giảm đáng kể khối lượng công việc cho nhân viên y tế, rút ngắn thời gian chờ cho người dân; đồng thời giúp việc lưu trữ thông tin người bệnh đơn giản và thuận lợi, các ban, ngành cũng dễ dàng giám sát và hỗ trợ trạm y tế một cách nhanh chóng. Ngoài ra, Sở Y tế vừa bổ sung tiện ích là tin nhắn cảnh báo người F0 thuộc nhóm nguy cơ cao đã giúp nhân viên y tế giảm sai sót, giúp theo dõi sát và không bỏ sót nhóm người bệnh nguy cơ cao, để kịp thời tư vấn và cung cấp thuốc điều trị cũng như nhập viện ngay khi có chỉ định.
Quận 3 cũng là một trong những đơn vị triển khai nhanh chóng chuyển đổi số trong quản lý F0. Bà Nguyễn Phương Liên, Trưởng Trạm y tế phường 4 cho biết, ngay trong đợt dịch lần thứ tư bùng phát tại thành phố, phường đã triển khai nhiều giải pháp quản lý F0, trong đó có quét mã QR cho người dân, nên khi Sở Y tế triển khai chuyển đổi số quản lý F0, phường 4 không gặp nhiều trở ngại.
Tính đến hết tháng 3, sau 20 ngày thí điểm chuyển đổi số trong quản lý F0 tại nhà trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đã có 84.799 lượt F0 khai báo tại địa chỉ https://khaibaof0.tphcm.gov.vn, qua đó, các trạm y tế tiếp nhận thông tin khai báo, đánh giá, sàng lọc và xác nhận 61.406 trường hợp là F0 do có đầy đủ thông tin được khai báo theo yêu cầu, chiếm tỷ lệ 72%. Tỷ lệ này đã cải thiện rõ rệt nếu so với những ngày đầu triển khai (khoảng 20%). Điều đáng ghi nhận đó là đã có 1.233 người thuộc nhóm nguy cơ cao (hơn 65 tuổi và có bệnh nền) và 12.753 người khai báo có triệu chứng nghi nặng đã được trạm y tế chủ động tiếp cận, chăm sóc và điều trị kịp thời sau khi được cảnh báo qua tin nhắn gửi đến các trạm y tế. Đây là một tiện ích đã được Sở Y tế bổ sung sau một tuần thử nghiệm, giúp các bác sĩ của trạm y tế không bỏ sót F0 có dấu hiệu nặng hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao.
Thực tế cũng có một số trạm y tế vẫn còn gặp trở ngại khi triển khai chuyển đổi số trong quản lý F0 tại nhà. Bác sĩ Lâm Bích Cơ, Trưởng Trạm Y tế phường 9, quận Phú Nhuận cho biết, công việc ở trạm thì nhiều, nhưng lực lượng y tế lại mỏng, cho nên việc bố trí một người ở lại trạm để tiếp nhận thông tin khai báo của F0 nhiều khi cũng khó. Trạm phải linh động sắp xếp công việc. Theo ông Huỳnh Ngọc Hiền, Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận 5, giải pháp chuyển đổi số trong quản lý F0 tại nhà đòi hỏi con người và thiết bị tại các trạm y tế phải được trang bị đầy đủ, đồng bộ. Hiện nhiều trạm y tế vẫn còn thiếu trưởng trạm, bác sĩ, nhân viên, máy vi tính thì đã cũ nên chuyển đổi số vẫn chưa nhịp nhàng, thuận lợi.
Sắp tới, Sở Y tế sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo thành phố rút ngắn thời gian khai báo xuống còn trong vòng 48 giờ đầu nhằm tạo thói quen khai báo sớm cho người dân.
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Ghép tủy đồng loại thành công cho hai bệnh nhân tan máu bẩm sinh
Công nghệ - 08/10/2024
Ghép tủy đồng loại thành công cho hai bệnh nhân tan máu bẩm sinh
Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khi triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân
Công nghệ - 17/07/2024
Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khi triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân
Lần đầu tiên ghép gan thành công cho bệnh nhân hôn mê gan cấp
Công nghệ - 08/05/2024
Lần đầu tiên ghép gan thành công cho bệnh nhân hôn mê gan cấp
Những dịch vụ công nào được thực hiện qua ứng dụng VNeID?
Công nghệ - 06/05/2024
Những dịch vụ công nào được thực hiện qua ứng dụng VNeID?
Laptop phát nổ khiến một nam sinh chấn thương sọ não, hôn mê
Công nghệ - 10/03/2024
Laptop phát nổ khiến một nam sinh chấn thương sọ não, hôn mê