Mô hình tư vấn F0 qua zalo: Yên tâm, bác sĩ sát sao với người bệnh
“Có nhóm tư vấn zalo, chúng tôi yên tâm điều trị tại nhà”
Ngày 24/2, chị Nguyễn Thị Lệ đăng tấm hình 5 bà cháu F0 rất vui vẻ, gửi lời cảm ơn các bác sĩ trong nhóm tư vấn điều trị qua zalo: “Nhà mình 13 người nhiễm, trong đó có 5 trẻ con, bé nhất là 9 tháng tuổi... Cả nhà nhảy múa ăn uống linh đình rồi, mọi người đừng quá lo lắng”. Những chia sẻ của chị, càng tiếp thêm động lực cho các F0 trong nhóm an tâm điều trị.
Chị Nguyễn Thị Lệ có gia đình hai con cùng 5 cháu nội đều nhiễm Covid-19 trong một ngày, trong đó có cháu bé nhất mới 9 tháng tuổi. Không hoang mang, chị Lệ xem hết các khuyến cáo của Bộ Y tế, bình tĩnh cho cả gia đình súc họng, sử dụng vitamin, thuốc ho, giảm sốt khi cần.
Sau khi làm theo hướng dẫn của y tế phường, chị Lệ được đưa vào nhóm zalo để các bác sĩ tư vấn.
“Tôi xem lại các phần trả lời của bác sĩ, nếu có những thông tin mà mình cần quan tâm hỏi thì sẽ không hỏi lại nữa, làm theo tư vấn. Mình biết các bác sĩ đã quá tải và mệt mỏi khi phải trả lời lại những câu đã từng tư vấn. Tuy nhiên, khi cháu nội 9 tháng tuổi bị sốt cao liên tục, tôi đã xin tư vấn và rất ngạc nhiên chỉ sau 1 phút, tôi đã được bác sĩ tư vấn và làm theo. Ở đâu đó có chuyện quá tải hay không được trả lời, nhưng ở nhóm zalo này, các bác sĩ tư vấn vô cùng tận tâm. Chỉ sau 1 đêm làm theo hướng dẫn, cháu nội tôi đã giảm sốt và ngủ ngon”, chị Lệ nói.
Sau 3 ngày tuân thủ đúng hướng dẫn, ông xã chị Lệ đã âm tính. Những lo lắng điều trị cho trẻ em cũng qua đi nhờ được các bác sĩ tư vấn sát sao. “Ông xã mình ngày 3 đã 1 vạch nhưng tuân thủ đủ 7 ngày để làm đúng trách nhiệm công dân, không phụ lòng giúp đỡ hỗ trợ của y tế phường và các bác sĩ”, chị Lệ nói.
Đó là niềm hạnh phúc có thật của bất kỳ F0 nào trên địa bàn phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình khi được hưởng mô hình chăm sóc của y tế phường và Bệnh viện Phổi Trung ương.
Rưng rưng xúc động, cầm gói thuốc điều trị Covid-19 trên tay chỉ sau vài giờ khai báo tình trạng nhiễm Covid-19 của gia đình, chị Hoàng Thị M. (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) cho biết, cả gia đình 6 người nhà chị đều cùng trở thành F0 trong một ngày.
Điều làm chị hoang mang nhất là mẹ chị cao tuổi, tiền sử huyết áp, có những biểu hiện nặng nhưng chưa có bất kỳ loại thuốc phòng nào. Nhưng không phải chờ đợi lâu, sau khi được hướng dẫn khai báo thông tin trên điện thoại với y tế phường, chị được đưa vào nhóm được hỗ trợ điều trị từ xa qua zalo. Vậy là chị đã phần nào yên tâm.
Không giấu được hạnh phúc khi vượt qua được Covid-19, chị Đoàn H.L (phường Vĩnh Phúc) tâm sự, chị không rõ nguồn lây từ đâu. Nhìn thấy bạn bè ở các địa bàn khác khó khăn tiếp cận được y tế phường vì bị quá tải, chị thấy mình vô cùng hạnh phúc khi được nhanh chóng quản lý điều trị bởi các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương.
“Sau 12 ngày tôi đã âm tính. Tôi xin cảm ơn sự tư vấn và hỗ trợ nhiệt tình của các bác sĩ cùng các nhân viên y tế trong thời gian qua. Nó là chỗ dựa rất lớn để các F0 như chúng tôi chiến thắng được bệnh tật. Xin chúc các bác sĩ luôn mạnh khỏe và các F0 sớm bình phục”, chị L. tâm sự trước khi rời khỏi nhóm tư vấn.
Thành lập nhóm tư vấn F0 điều trị tại nhà qua zalo là một sáng kiến kết hợp hiệu quả của Bệnh viện Phổi Trung ương với quận Ba Đình, TP Hà Nội. Giữa sự hỗn loạn của thông tin tư vấn, người dân không biết tin ai, nghe ai hoặc chờ rất lâu mới được trả lời đúng chuyên môn thì nhóm zalo của các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương giúp người bệnh yên tâm vì có lực lượng luôn luôn sát cánh với sức khỏe của mình.
Nhóm zalo không chỉ có bác sĩ tư vấn về chuyên môn mà còn có y tế phường và lãnh đạo phường, sẽ trực tiếp hỗ trợ nhanh nhất có thể cho người bệnh về mặt thủ tục giấy tờ hành chính hay cần khám tại nhà, vận chuyển cấp cứu.
Quản lý 4 nhóm zalo chăm sóc cho khoảng 3.000 F0 tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, bác sĩ Trần Thị Tuấn Anh, Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, mỗi nhóm zalo hiện có khoảng 150 F0 đại diện cho các gia đình có nhiều người cùng nhiễm.
Trước đây, việc tư vấn chỉ qua điện thoại có thể không lưu được hết các thông tin cụ thể của người bệnh để tư vấn nối tiếp. Nhưng qua zalo, các thông tin được lưu trữ, các bác sĩ dễ dàng tìm lại diễn tiến tình trạng của người bệnh để tư vấn. Nhờ đó, diễn biến sức khỏe của người bệnh được nắm rõ ràng hơn.
Vừa làm bác sĩ, vừa là người nhà người bệnh
Quản lý hàng nghìn F0, đồng nghĩa với việc mỗi ngày, các bác sĩ phải trả lời hàng trăm tin nhắn, có nhiều câu phải trả lời lặp nhiều lần với từng trường hợp người bệnh. Ngoài việc chuyên môn, bất kỳ thời gian rảnh nào, nhóm bác sĩ tư vấn khoảng 5-6 người luôn trong trạng thái sẵn sàng online để tư vấn cả ngày lẫn đêm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh, Trưởng Khoa Thăm dò Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương tâm sự, không chỉ khám, chữa bệnh Covid-19 từ xa, những chia sẻ của bác sĩ động viên tinh thần người bệnh an tâm hơn.
"Tại Hà Nội, số ca nhiễm Covid-19 là trẻ em tăng mạnh. Tuy nhiên, có nhiều phụ huynh rất lo lắng, nôn nóng trong quá trình chăm sóc con và có phần mất bình tĩnh. Bởi vậy, chúng tôi không chỉ đưa ra lời khuyên với tư cách là bác sĩ dành cho người bệnh mà còn đứng vai là những người mẹ có con nhỏ để động viên các phụ huynh yên tâm bình tĩnh làm đúng nhất cho con học vượt qua giai đoạn bệnh”, bác sĩ Phương Anh cho hay.
Sau thời gian chi viện cho Đồng Nai, trở về bệnh viện và hỗ trợ cho phường Quán Thánh, quận Ba Đình, bác sĩ Trần Thanh Tuấn (ông xã của bác sĩ Trần Thị Tuấn Anh), Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ, mặc dù tình trạng tăng nặng của bệnh nhân chỉ còn rất ít so với giai đoạn đỉnh dịch tại TP Hồ Chí Minh, nhưng người dân vẫn đang thiếu bình tĩnh và hoang mang. Đặc biệt, trước các thông tin về hậu Covid-19, người bệnh lo lắng hơn về những di chứng.
“Khi chúng ta đã tiêm 3 mũi vaccine mà vẫn quan điểm Covid-19 là bệnh chết người rất khó cho việc tư vấn và hỗ trợ điều trị. Tôi nghĩ các phương tiện truyền thông cần phải tăng cường thông tin hơn nữa về các hướng dẫn tự chăm sóc tại nhà. Chỉ cần đặc biệt lưu ý quan tâm chăm sóc, điều trị những người cao tuổi, có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, trẻ em…”, bác sĩ Tuấn nói.
Hai vợ chồng cùng công tác tại bệnh viện, bởi vậy, bác sĩ Thanh Tuấn và bác sĩ Tuấn Anh hỗ trợ được nhau rất nhiều trong chuyên môn. Ngoài công tác tại bệnh viện, về nhà, những lúc vợ tư vấn, chồng sẽ thu xếp cơm nước, chăm con và ngược lại.
“Có khi bận họp chuyên môn hoặc khám chữa bệnh không thể trả lời ngay cũng rất sốt ruột. Nhiều hôm nửa đêm mở máy còn thấy tin nhắn hỏi tư vấn bệnh tật. Lúc ấy, chúng tôi đều xác định tranh thủ đêm nghiên cứu tài liệu, thức khuya hơn chút để trả lời tin nhắn. Ban ngày sẽ nghỉ ít hơn, tranh thủ mọi thời gian, kể cả khi dừng đèn đỏ trên đường đi làm để tư vấn cho người bệnh”, bác sĩ Thanh Tuấn nói.
Tuy vậy, trong lúc tư vấn, cũng có những người bệnh không tin bác sĩ, tìm thông tin ở nơi khác để “đối chất”. Có những người tự làm bác sĩ tại nhà và vặn vẹo khi hỏi về các loại thuốc gia đình đang sử dụng. Những lúc ấy, các bác sĩ phải tìm các bằng chứng để tư vấn cho người bệnh. Trong trường hợp không tin, họ phải nhắn tin riêng để người bệnh tin tưởng và làm theo các tư vấn.
Ngoài hỗ trợ 14 phường tại quận Ba Đình, hiện nhóm bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương cũng đang hỗ trợ một số địa bàn tại huyện Chương Mỹ, quận Hà Đông. Quận Hai Bà Trưng cũng đang có những bước đầu xây dựng theo mô hình y tế phường, bác sĩ hỗ trợ F0 điều trị tại nhà qua zalo.
"Chúng tôi chỉ mong muốn mang lại những kiến thức chăm sóc, điều trị tại nhà chuẩn nhất để người bệnh thật sự bình tĩnh, có tinh thần lạc quan, làm theo đúng các hướng dẫn để yên tâm điều trị tại nhà, không bị rơi vào ma trận các thông tin tự điều trị trên mạng xã hội", bác sĩ Tuấn nói.
27/2 năm nay cũng đặc biệt như năm trước, khi bác sĩ Tuấn Anh - Thanh Tuấn cùng nhiều bác sĩ khác vẫn đang lặng thầm cống hiến ở tuyến đầu chống dịch. Với họ, kết quả âm tính của người bệnh, những tin nhắn cảm ơn của người bệnh sau khi khỏi Covid-19 là động lực để họ tiếp tục cố gắng mỗi ngày, hỗ trợ người bệnh trong một hành trình dài ứng phó với đại dịch.
Trước đó, ngày 17/1, Bệnh viện Phổi Trung ương đã ký kết chương trình phối hợp quản lý chăm sóc, theo dõi người bệnh nhiễm Covid-19 tại nhà cho 14 phường trong quận Ba Đình thực hiện tốt các năng lực quan trọng nhất để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 như: Tăng cường năng lực giám sát dịch, quản lý điều trị người mới nhiễm Covid-19 tại nhà và tại Trạm y tế cơ động; tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho những người dễ bị tổn thương (người có bệnh nền, người già).
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Ghép tủy đồng loại thành công cho hai bệnh nhân tan máu bẩm sinh
Công nghệ - 08/10/2024
Ghép tủy đồng loại thành công cho hai bệnh nhân tan máu bẩm sinh
Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khi triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân
Công nghệ - 17/07/2024
Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khi triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân
Lần đầu tiên ghép gan thành công cho bệnh nhân hôn mê gan cấp
Công nghệ - 08/05/2024
Lần đầu tiên ghép gan thành công cho bệnh nhân hôn mê gan cấp
Những dịch vụ công nào được thực hiện qua ứng dụng VNeID?
Công nghệ - 06/05/2024
Những dịch vụ công nào được thực hiện qua ứng dụng VNeID?
Laptop phát nổ khiến một nam sinh chấn thương sọ não, hôn mê
Công nghệ - 10/03/2024
Laptop phát nổ khiến một nam sinh chấn thương sọ não, hôn mê