Cước vận tải, hàng hoá "cõng" thêm chi phí xét nghiệm Covid-19?

Theo Báo Giao thông 09:45 08/07/2021 - Giao thông
Tài xế phải xét nghiệm, hàng hóa bị ùn ứ, tốn kém thời gian lưu thông khiến chi phí vận chuyển bị đội lên, tác động đến giá cả hàng hóa.
Người dân lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 trên địa bàn huyện Bình Chánh
Người dân lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 trên địa bàn huyện Bình Chánh

Xe vận chuyển hàng hoá xếp hàng vì "giấy thông hành”

Tính đến ngày 7/7, rất nhiều tỉnh miền Tây, Tây Nguyên, các tỉnh phụ cận TP HCM đều yêu cầu người từ địa phương khác vào phải có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Ngoài những người dân phải xếp hàng xét nghiệm, hoạt động vận tải vốn đã khó khăn chồng chất nay tiếp tục phải đối mặt với áp lực những đơn hàng thường xuyên vận chuyển chậm hơn nhiều lần so với trước đây do ùn ứ tại các cửa ngõ liên tỉnh.

Như ngày 6/7, tuyến QL51 đoạn giáp ranh hai tỉnh Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu ùn ứ hàng chục km, buộc phải mở dải phân cách để xe thoát nhanh do các chốt kiểm soát dịch.

Theo ông Phan Ngọc Anh, Tổng giám đốc FUTA Express (Tập đoàn Phương Trang), hiện nay hầu hết các tỉnh đều yêu cầu tài xế ra vào tỉnh phải có xét nghiệm PCR hoặc phải có kết quả test nhanh với Covid-19 âm tính mới được tiếp tục hành trình để giao, nhận hàng hoá.

Điều đáng nói, có tỉnh chỉ cần xác nhận âm tính với Covid-19 bằng kết quả test nhanh, nhưng có tỉnh yêu cầu phải là kết quả xét nghiệm PCR. Kết quả nào thì cũng chỉ có hiệu lực trong 72 giờ.

“Xét nghiệm là điều vô cùng cần thiết để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Nhưng các tỉnh nên thống nhất chấp nhận phiếu kết quả xét nghiệm test nhanh, bởi trên thực tế các bộ test nhanh cũng rất chính xác”, ông Ngọc Anh nói.

Ông Phan Ngọc Anh cho rằng, hiện quy trình các chốt kiểm tra đang làm thủ công. Cụ thể là xe dừng lại, tài xế xuất trình giấy tờ tuỳ thân, phiếu xét nghiệm Covid-19. Và hầu như ở các cửa ngõ đều bị ùn ứ kéo dài hàng tiếng đồng hồ trước khi vào một tỉnh nào đó để giao, nhận hàng hoá.

Nếu các trạm kiểm dịch kiểm tra thông tin bằng cách quét mã QR sẽ nhanh hơn, không còn gây ùn ú ở các cửa ngõ, đỡ mất nhiều thời gian, chi phí.

Chị Thanh Hưng, chủ một đơn vị chuyên kinh doanh các mặt hàng rau củ, thực phẩm sạch, trái cây tại Lâm Đồng xuống TP HCM, Đồng Nai… cho hay, việc vận chuyển hàng đi các tỉnh hiện nay rất chậm và giá cước vận chuyển lên cao.

"Trước đây hàng xuống TP HCM chỉ cần 30 phút là phân loại và chuyển tới khách hàng. Nhưng nay có khi hơn nửa ngày còn chưa tới. Xe hàng từ Lâm Đồng xuống TP HCM ít hơn, người ở đã từng tới TP HCM khi về Lâm đồng lại bị cách ly 14 ngày nên không phải lúc nào cũng có xe chở hàng đi", chị Hưng nói.

Còn theo chị Vũ Thị Lý, nhà ở Vũng Tàu chuyên đóng hải sản lên TP HCM, trước đây chuyển hàng hoá từ Vũng Tàu lên TP HCM chỉ mất 3 tiếng, nay có khi mất từ 1 - 2 ngày, chưa kể cước cũng cao hơn.

Khó tránh khỏi đội giá vận tải

Một chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Tiền Giang
Một chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn Tiền Giang

Theo Sở Y tế TP HCM, người dân có nhu cầu ra khỏi thành phố đến các tỉnh khác có thể đến 30 đơn vị đã được cấp phép trên địa bàn để làm xét nghiệm Covid-19 dịch vụ. Giá xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR là 734.000 đồng/mẫu và test nhanh là 238.000đồng/mẫu.

Tại Đồng Nai, với 22 bệnh viện và trung tâm y tế đang xét nghiệm bằng test nhanh, trả kết quả sau 4 giờ, mức giá dao động từ 230.000 - 400.000 đồng.

Tại Bình Dương, như ở Trung tâm Xét nghiệm Y khoa MEDI L.A.P Bình Dương, giá xét nghiệm PCR lên tới 2 triệu đồng và test nhanh là 400.000 đồng.

Tại TP HCM, nhân viên Bệnh viện Gia An 115 quận Bình Tân cho biết, giá test nhanh nếu đi 1 người là 600.000 đồng, đi 2 người mỗi người 500.000 đồng.

Chị Thu Hằng, làm việc tại một nhà máy ở Đồng Nai nhưng sống ở TP HCM cho biết, cứ 72 tiếng chị lại phải mất nửa ngày đi xếp hàng để làm xét nghiệm. Chi phí test nhanh chị thực hiện dịch vụ tại một bệnh viện là 600.000 đồng/lần.

Theo các chuyên gia, những ngày vừa qua, giá cả hàng hoá đã tăng do nhiều yếu tố như tâm lý, các phương tiện vận chuyển hàng hoá bị giới hạn do dịch, nhiều chợ đóng cửa…

Với tình trạng giá xét nghiệm Covid-19 cao và "loạn giá" như hiện nay, theo các chuyên gia, chắc chắn sẽ khiến chi phí vận chuyển bị đội lên, từ đó giá cả hàng hóa sẽ tăng và người tiêu dùng sẽ phải chịu.

Tại FUTA Express, ông Phan Ngọc Anh cho hay, mỗi tài xế sau 72 tiếng sẽ lại tốn thêm 500.000 đồng tiền phí test nhanh với Covid-19. Hiện chi phí này công ty đang gánh và đưa ra ngoài chi phí vận tải hàng hoá của mỗi chuyến xe nên chi phí vận chuyển hàng hoá của FUTA Express trong mùa dịch không thay đổi.

Tuy nhiên, ông Ngọc Anh mong muốn các địa phương có thể chấp nhận kết quả test nhanh Covid-19 để thuận lợi cho các tài xế, giúp hàng hoá lưu thông thuận lợi hơn.

Yên Trang

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Người dân vui mừng khi cầu phao Phong Châu được nối lại

Người dân vui mừng khi cầu phao Phong Châu được nối lại

Giao thông - 08/10/2024

Người dân vui mừng khi cầu phao Phong Châu được nối lại

Người dân mòn mỏi đợi chờ cầu phao thay thế cầu Phong Châu bị sập

Người dân mòn mỏi đợi chờ cầu phao thay thế cầu Phong Châu bị sập

Giao thông - 17/09/2024

Người dân mòn mỏi đợi chờ cầu phao thay thế cầu Phong Châu bị sập

Ấm tình chuyến xe 0 đồng "giải cứu" du khách mắc kẹt tại Sa Pa do bão lũ

Ấm tình chuyến xe 0 đồng "giải cứu" du khách mắc kẹt tại Sa Pa do bão lũ

Giao thông - 12/09/2024

Ấm tình chuyến xe 0 đồng "giải cứu" du khách mắc kẹt tại Sa Pa do bão lũ

50% ca cấp cứu tại BV Việt Đức liên quan tới TNGT

50% ca cấp cứu tại BV Việt Đức liên quan tới TNGT

Giao thông - 04/09/2024

50% ca cấp cứu tại BV Việt Đức liên quan tới TNGT

Độ ẩm đất bão hòa, Bắc Kạn yêu cầu chủ động ứng phó sạt lở

Độ ẩm đất bão hòa, Bắc Kạn yêu cầu chủ động ứng phó sạt lở

Giao thông - 01/08/2024

Độ ẩm đất bão hòa, Bắc Kạn yêu cầu chủ động ứng phó sạt lở

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới