Một dự án cao tốc Bắc Nam có nguy cơ tắc tín dụng
Trả lời Quốc hội tại phiên chất vấn ngày 12/11, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong số 11 dự án thành phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, hiện 3 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) gặp rất nhiều khó khăn về thu xếp vốn.
Ba dự án này đã được Bộ Giao thông Vận tải ký kết hợp đồng với nhà đầu tư là Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An - Hà Tĩnh), Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hoà) và Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Bình Thuận).
Theo hợp đồng BOT, nhà đầu tư có 6 tháng để ký hợp đồng huy động vốn tín dụng ngân hàng hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác. Nếu hết thời hạn, nhà đầu tư không huy động được vốn, hợp đồng sẽ tự động huỷ, Bộ thu hồi lại dự án và tiền bảo lãnh.
Ngày 13/11, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, hiện nay đã đến thời hạn 2 dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và Nha Trang - Cam Lâm phải ký hợp đồng huy động vốn, song mới có dự án Nha Trang - Cam Lâm được đảm bảo. Với dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư đang nỗ lực tìm giải pháp, thuyết phục ngân hàng cho vay trong tuần tới.
"Nếu nhà đầu tư Diễn Châu - Bãi Vọt không huy động được vốn tín dụng, Bộ Giao thông Vận tải đành thu hồi dự án theo quy định và báo cáo Chính phủ hướng giải quyết", đại diện Bộ nói.
Dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt được Bộ Giao thông Vận tải ký hợp đồng BOT ngày 13/5 với nhà đầu tư (Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP tập đoàn Cienco4 - Công ty TNHH đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty CP đầu tư và xây dựng Vina2) và doanh nghiệp dự án (Công ty cổ phần đầu tư Phúc Thành Hưng). Sau khi ký hợp đồng, để đảm bảo tiến độ, dự án đã được khởi công ngày 22/5.
Tổng vốn đầu tư dự án này là hơn 11.157 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư trên 6.000 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn huy động. Ngoài vốn chủ sở hữu chiếm 20%, nhà đầu tư cần ký kết hợp đồng vay vốn với bên cho vay hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để huy động khoảng 4.067 tỷ đồng thực hiện dự án.
Dự án này gặp khó khăn huy động vốn do trong quá trình đàm phán, phía ngân hàng đã yêu cầu doanh nghiệp trao đổi với Bộ Giao thông Vận tải đưa điều khoản chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82, Luật Đầu tư theo phương thức PPP vào hợp đồng dự án. Mục đích của yêu cầu là Nhà nước phải chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư trong trường hợp dự án bị giảm doanh thu.
Tuy nhiên, phía Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, điều khoản này không áp dụng với các dự án được chấp thuận đầu tư trước khi luật PPP có hiệu lực. Do các dự án cao tốc Bắc Nam được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2017, trong khi luật có hiệu lực từ năm 2021.
Do pháp luật không quy định cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu đối với 3 dự án cao tốc Bắc Nam nên trong chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu trước đó đều không có cơ chế này.
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, nhà nước đã chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư bằng cơ chế hỗ trợ vốn trực tiếp từ ngân sách, cả 3 dự án PPP đều có phần vốn nhà nước tham gia trên 50% tổng vốn đầu tư, trong khi theo Luật PPP sau đó thì vốn nhà nước hỗ trợ dưới 50%.
Ngoài ra, 3 dự án này đều đã được tính toán về lưu lượng phương tiện, khả năng thu hồi vốn cao trong số 11 dự án cao tốc Bắc Nam.
Về phía chuyên gia, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI), cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các dự án PPP đường cao tốc quy mô lớn vẫn gặp nhiều khó khăn, do đây là những công trình có thời gian hoàn vốn kéo dài, hơn nữa vướng mắc tại các dự án BOT trước đây chậm được xử lý dứt điểm, khiến các ngân hàng thận trọng.
Theo ông Chủng, các nhà đầu tư cần phải chủ động phương thức huy động vốn khác, như phát hành trái phiếu công trình, huy động vốn từ các nhà thầu, nhà đầu tư công chúng để tránh lệ thuộc vào vốn tín dụng.
Đơn cử, dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo tuy chưa đến thời hạn 6 tháng song nhà đầu tư đã khẳng định huy động đủ vốn thông qua phát hành thí điểm trái phiếu và chuẩn bị phát hành cổ phiếu thay vì vay ngân hàng.
Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả đã công bố phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá trị khoảng 2.600 tỷ đồng."Sau khi phát hành thành công, chúng tôi sẽ đủ vốn để đầu tư cho dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo mà không phải vay ngân hàng", đại diện Tập đoàn Đèo Cả nói.
"Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần. Hiện nay 8 dự án theo hình thức đầu tư công đã được thi công là Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2; quốc lộ 45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu.
3 dự án PPP là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong nước."
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Người dân vui mừng khi cầu phao Phong Châu được nối lại
Giao thông - 08/10/2024
Người dân vui mừng khi cầu phao Phong Châu được nối lại
Người dân mòn mỏi đợi chờ cầu phao thay thế cầu Phong Châu bị sập
Giao thông - 17/09/2024
Người dân mòn mỏi đợi chờ cầu phao thay thế cầu Phong Châu bị sập
Ấm tình chuyến xe 0 đồng "giải cứu" du khách mắc kẹt tại Sa Pa do bão lũ
Giao thông - 12/09/2024
Ấm tình chuyến xe 0 đồng "giải cứu" du khách mắc kẹt tại Sa Pa do bão lũ
50% ca cấp cứu tại BV Việt Đức liên quan tới TNGT
Giao thông - 04/09/2024
50% ca cấp cứu tại BV Việt Đức liên quan tới TNGT
Độ ẩm đất bão hòa, Bắc Kạn yêu cầu chủ động ứng phó sạt lở
Giao thông - 01/08/2024
Độ ẩm đất bão hòa, Bắc Kạn yêu cầu chủ động ứng phó sạt lở