Tổ chức chặt chẽ việc đưa, đón người từ vùng dịch về quê

Chiều 16/8 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo. Tại cuộc họp, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo, chuyên gia nhận định, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên cả nước. Hiện tại, nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng tại Trung tâm hồi sức tích cực điều trị Covid-19, Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ. Ảnh: THANH TÂM
Tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng tại Trung tâm hồi sức tích cực điều trị Covid-19, Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ. Ảnh: THANH TÂM

 

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương đang giãn cách xã hội phải có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố khác trong tổ chức đưa, đón người dân từ vùng dịch về quê. Đặc biệt phải chú ý ưu tiên đưa, đón phụ nữ mang thai sắp đến kỳ sinh và phụ nữ đang nuôi con nhỏ. Tại cuộc họp, các ý kiến cho rằng, hiện tại, một số địa phương tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội khiến đời sống một bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, những tỉnh, thành phố này phải triển khai các gói hỗ trợ thực chất theo quy định của Trung ương cũng như tận dụng hiệu quả sự chi viện từ cộng đồng, bảo đảm mọi người dân không bị đói, thiếu chỗ ở, tất cả được nhận sự trợ giúp y tế khi có yêu cầu.

Trước tình trạng tập trung đông người sau khi TP Hồ Chí Minh vận hành một số phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin chưa thông suốt, các chuyên gia cho rằng, thành phố phải chấn chỉnh lại hoạt động của các chốt kiểm soát trong khu vực nội thành, từ cấp xã/phường đến quận/huyện, đã để xảy ra tình trạng người dân tự ý rời thành phố về các địa phương. Nếu tình trạng nêu trên tiếp tục kéo dài sẽ khiến thành quả phòng, chống dịch cũng như nỗ lực chấn chỉnh, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội trong nhiều tuần trước đây của thành phố bị lãng phí. Trong khi đó, nếu không quản lý chặt chẽ những người tự đi từ vùng dịch về quê thì những người này có thể trở thành nguồn lây nhiễm mới trong cộng đồng. Trên thực tế, phần lớn ổ dịch xuất hiện tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ đều liên quan người về từ các vùng dịch ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An... Và khi kiểm soát tốt người về từ các địa phương có dịch thì tình hình dịch bệnh ở các tỉnh Tây Nam Bộ đã diễn biến tốt hơn.

Về xây dựng tiêu chí kiểm soát được dịch bệnh để dừng giãn cách xã hội ở một số địa phương, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất giao Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để có hướng dẫn chính thức về tiêu chí xác định một địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh và được phép dừng áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg.

Người dân trở về từ TP Hồ Chí Minh xuống tàu tại ga Đông Hà (tỉnh Quảng Trị). Ảnh TTXVN
Người dân trở về từ TP Hồ Chí Minh xuống tàu tại ga Đông Hà (tỉnh Quảng Trị). Ảnh TTXVN

Chiều 16/8, Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị trực tuyến về triển khai, quán triệt Kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu công tác chỉ đạo, lãnh đạo của các đơn vị phải tập trung, quyết liệt, mạnh mẽ, dứt khoát; khâu tổ chức công việc phải nhịp nhàng. Để chiến thắng dịch bệnh, thành phố cần sự đồng thuận, tham gia của người dân. Việc tuyên truyền phải sâu rộng đến từng địa phương, từng nhà, từng người dân để người dân hiểu đúng tính chất dịch bệnh, đồng thuận thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16.

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định sử dụng hơn 8,8 tỷ đồng từ nguồn Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam để hỗ trợ kinh phí thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đối với vắc-xin COVIVAC do Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế sản xuất; giao Bộ Tài chính xuất Quỹ theo quy định. Thủ tướng yêu cầu hai Bộ Y tế và Tài chính chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo; quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí trên đúng quy định, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Vắc-xin COVIVAC là vắc-xin phòng Covid-19 "made in Vietnam" thứ 2 tại nước ta, do IVAC nghiên cứu và phát triển từ tháng 5/2020.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc-xin, chiều 16/8, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Tổ công tác với sự tham dự của lãnh đạo và đại diện các bộ, ngành hữu quan.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác khẳng định, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, công tác ngoại giao vắc-xin vừa qua đã đạt một số kết quả tích cực bước đầu quan trọng. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong tình hình cấp bách hiện nay, phương châm của ngoại giao vắc-xin là chủ động tấn công, phối hợp chặt chẽ, sáng tạo, hiệu quả. Bộ trưởng cũng chỉ đạo một số hướng và biện pháp vận động cần triển khai ngay sau cuộc họp, phấn đấu đạt số lượng vắc-xin càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt, đặc biệt trong tháng 8 và tháng 9 tới.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 16/8 cả nước ghi nhận 8.652 ca mắc Covid-19, gồm tám ca nhập cảnh và 8.644 ca ghi nhận trong nước tại 43 tỉnh, thành phố, trong đó có 2.422 ca ở cộng đồng. Địa phương có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất vẫn là TP Hồ Chí Minh 3.341 ca, tiếp đến là Bình Dương 2.522 ca, Long An 599 ca… Trong ngày, có 4.473 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh; Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 cho biết có 368 người chết tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc xem xét bổ sung địa bàn thử nghiệm vắc-xin Nanocovax giai đoạn 3. Theo đó, Bộ Y tế tạm thời chưa phê duyệt mở rộng địa bàn nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vắc-xin Nanocovax. GS,TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian qua một số tỉnh, thành phố đề nghị hỗ trợ tiêm thử nghiệm vắc-xin Nanocovax do Công ty cổ phần y sinh học dược Nanogen nghiên cứu phát triển, hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Bộ Y tế rất ủng hộ nhưng việc đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng cần phải đúng quy trình nghiên cứu. Việc mở rộng địa bàn nghiên cứu cần bảo đảm an toàn, khoa học, khả thi, tuân thủ đạo đức nghiên cứu…

Bộ Y tế cũng có công điện hỏa tốc gửi UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND thành phố Hà Nội về việc điều tra, xử lý đối với trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Theo đó, ngày 14/8 tại tỉnh Bắc Ninh đã ghi nhận chùm ca bệnh Covid-19 tại huyện Lương Tài liên quan nam nhân viên giao hàng của chi nhánh Viettel Post Lương Tài, có tiền sử dịch tễ đi giao nhận hàng tại kho khu vực 1 quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Vì vậy, UBND tỉnh Bắc Ninh và TP Hà Nội cần mở rộng điều tra dịch tễ, lập danh sách tất cả người tiếp xúc gần và có liên quan các bệnh nhân, thông báo danh sách các trường hợp nêu trên cho địa phương liên quan để thần tốc truy vết, cách ly y tế kịp thời; lấy mẫu xét nghiệm diện rộng các trường hợp nguy cơ và trả lời kết quả nhanh nhất…

Ngày 16/8, Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ đưa Trung tâm hồi sức tích cực điều trị Covid-19 vào hoạt động và tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19. Đây là đơn vị thành lập theo chỉ đạo của Bộ Y tế để điều trị những bệnh nhân nặng, nguy kịch từ các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long chuyển về. Trung tâm có quy mô 200 giường, nằm biệt lập với các khu vực điều trị khác của bệnh viện; được lắp đặt một bồn ô-xi 20 m3, các máy móc thiết bị chuyên sâu như ECMO, máy lọc máu liên tục, máy thở… đáp ứng yêu cầu điều trị cho những bệnh nhân nặng. Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ đã huy động 30 bác sĩ cùng 50 điều dưỡng từ các khoa, phòng của bệnh viện phục vụ cho trung tâm này.

Cùng ngày, Công an TP Hà Nội cho biết, từ 15 giờ ngày 16/8 bắt đầu triển khai sáu tổ công tác liên ngành kiểm soát chặt người ra đường không có lý do chính đáng tại 12 quận nội thành. Theo đó, các tổ công tác hoạt động linh hoạt vừa tổ chức cắm chốt, vừa tuần tra lưu động tại các thời điểm có đông người dân lưu thông, tại những "điểm nóng" về giao thông, các đầu mối quan trọng để kiểm soát chặt người ra đường không rõ lý do.

 
 
 

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Vụ TNGT ở Tuyên Quang: Một bệnh nhân chấn thương nặng, không còn cơ hội điều trị

Vụ TNGT ở Tuyên Quang: Một bệnh nhân chấn thương nặng, không còn cơ hội điều trị

Giao thông - 07/03/2024

Vụ TNGT ở Tuyên Quang: Một bệnh nhân chấn thương nặng, không còn cơ hội điều trị

Vụ TNGT ở Tuyên Quang: Một bệnh nhân chấn thương nặng, không còn cơ hội điều trị

Vụ TNGT ở Tuyên Quang: Một bệnh nhân chấn thương nặng, không còn cơ hội điều trị

Giao thông - 06/03/2024

Vụ TNGT ở Tuyên Quang: Một bệnh nhân chấn thương nặng, không còn cơ hội điều trị

Khi "ma men" lái xe bị phạt tăng đột biến

Khi "ma men" lái xe bị phạt tăng đột biến

Giao thông - 15/02/2024

Khi "ma men" lái xe bị phạt tăng đột biến

453 người bị thương do pháo nổ dịp Tết

453 người bị thương do pháo nổ dịp Tết

Giao thông - 14/02/2024

453 người bị thương do pháo nổ dịp Tết

Trường ĐH GTVT TP.HCM lần đầu đào tạo ngành xây dựng Đường sắt - Metro

Trường ĐH GTVT TP.HCM lần đầu đào tạo ngành xây dựng Đường sắt - Metro

Giao thông - 15/01/2024

Trường ĐH GTVT TP.HCM lần đầu đào tạo ngành xây dựng Đường sắt - Metro

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới