Bác sĩ thiết kế tấm trải để em bé chui qua sau sinh mổ

TP HCM - Sau khi chào đời, thay vì bế em bé từ bụng mẹ ra khỏi bàn mổ, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đưa bé qua lỗ ở tấm săng rồi nằm lên ngực mẹ da kề da.

Mở lỗ ở tấm săng là sáng kiến của bác sĩ Hồng Công Danh, nay là Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ. Săng mổ là tấm trải màu xanh dùng để che phủ vùng phẫu thuật, góp phần tạo môi trường vô trùng trong phòng mổ. Trong sinh mổ, tấm săng được che ở khoảng không gian trước ngực người mẹ. Khi bác sĩ thao tác mổ bắt con, người mẹ không nhìn thấy vùng mổ dưới bụng nhờ tấm săng ngăn cách này.

Hai năm trước, khi là Trưởng Khoa Gây mê Hồi sức, bác sĩ Danh cùng đồng nghiệp nhận thấy em bé sau khi mổ sinh, bác sĩ phẫu thuật phải đưa bé qua người phụ mổ bế vòng ra ngoài bàn mổ mới có thể đem lên ngực mẹ. "Việc chuyền bé từ người này qua người khác, lại vòng ra bên ngoài bàn mổ có thể gây rủi ro nếu chẳng may trượt tay, hơn nữa bé dễ bị hạ thân nhiệt vì phòng mổ dùng máy lạnh", bác sĩ Danh nói.

Bác sĩ Danh đưa ra ý tưởng xẻ một lỗ trên tấm săng mổ. Khi bé cất tiếng khóc chào đời, kẹp cắt rốn xong, bác sĩ sẽ mở lỗ săng, đưa bé chui ra lên thẳng ngực mẹ rồi mới dán lỗ này lại, tiếp tục các thao tác lấy nhau thai, làm sạch tử cung và khâu vết mổ cho người mẹ.

Thao tác này giúp em bé được đưa thật nhanh lên nằm trên ngực mẹ, tiếp xúc da bé và da mẹ trực tiếp, giảm nguy cơ hạ thân nhiệt. "Khi bé đang ở môi trường trong bụng mẹ 37 độ C, ra khỏi cơ thể mẹ ít nhiều sẽ giảm nhiệt độ", bác sĩ Danh chia sẻ.

Đặt hàng nhà sản xuất, khi sản phẩm về đến viện, bác sĩ Danh vẫn chưa ưng ý vì thấy không đảm bảo vô trùng. Bác sĩ đề xuất nhà sản xuất thiết kế ống bằng giấy xung quanh lỗ, có nắp đậy lại. Khi mở băng dán đưa em bé chui qua, tay phẫu thuật viên không bị nhiễm khuẩn do được bảo vệ bởi ống giấy. Sau đó, lỗ này được đậy lại bằng miếng dán, giúp ngăn cách đảm bảo vô khuẩn. Trải qua nhiều lần điều chỉnh trong hơn 6 tháng, săng mới hoàn thiện.

Em bé sau sinh mổ được chui qua lỗ ở tấm săng để nằm lên ngực mẹ thực hiện da kề da, thay vì bế vòng ra khỏi bàn mổ. Ảnh: Lê Phương.
Em bé sau sinh mổ được chui qua lỗ ở tấm săng để nằm lên ngực mẹ thực hiện da kề da, thay vì bế vòng ra khỏi bàn mổ. Ảnh: Lê Phương.

Bác sĩ Lê Ngọc Diệp, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết sáng kiến này giúp các phẫu thuật viên lẫn sản phụ rất yên tâm. "Trước kia, khi bế bé ra khỏi khu vực bàn mổ, dù rất cẩn thận nhưng nhân viên y tế không tránh khỏi lo lắng", bác sĩ Diệp nói.

Quy trình da kề da được tiên phong triển khai tại Bệnh viện Từ Dũ từ năm 2016. Trước kia, các em bé chào đời, sau khi cắt rốn được bế ra ngoài ủ ấm bằng khăn, cân ký, vệ sinh rốn, chích vitamin K... Với sản phụ sinh mổ, em bé được gửi sang chăm sóc ở khoa sơ sinh, trong thời gian đợi mẹ hồi phục.

Các bác sĩ nhận thấy nếu em bé được bế lên nằm trên ngực mẹ ngay sau sinh 90 phút rồi mới bế ra chích ngừa, cân ký, kiểm tra... sẽ rất tốt cho cả mẹ lẫn con. Khi vừa cất tiếng khóc tiếp xúc thế giới bên ngoài, việc trực tiếp nằm trên ngực mẹ giúp tinh thần, tâm lý bé ổn định. Bé được mẹ ủ ấm, ổn định hô hấp và thân nhiệt, được lắng nghe tiếng nói, hơi thở, nhịp tim của mẹ, vốn đã quen thuộc khi nằm trong bụng mẹ suốt thai kỳ. Bé cũng có thể bú mẹ khi có nhu cầu, được thụ hưởng nguồn sữa non sớm nhất.

Người mẹ sau hành trình vượt cạn nhiều đau đớn, điều quan tâm đầu tiên vẫn là đứa con vừa chào đời. Khi thấy con nằm trên ngực, được ôm con vào lòng, người mẹ rất an tâm, tinh thần thoải mái, giảm đau đớn căng thẳng, giúp kích thích tiết sữa. Phương pháp này giúp ích rất nhiều trong gắn kết tình mẹ con, đặc biệt cần thiết với các bé sinh non và nhẹ cân.

Theo bác sĩ Danh, bài toán đặt ra là với sản phụ sinh thường, mẹ tỉnh táo sau sinh thì việc bế con da kề da rất dễ. Với sản phụ sinh mổ, mẹ phải nằm trên bàn mổ, tay gắn dịch truyền, vết mổ đang được xử trí phía dưới, việc cho bế con da kề da ngay sau sinh sẽ gặp nhiều khó khăn.

"Mỗi lần khám sau mổ cho sản phụ, câu hỏi đầu tiên là con em ở đâu rồi, bé có ổn không, có khóc không, đòi bú không..., nghe rất thương", bác sĩ Danh nhớ lại. Xuất phát từ những trăn trở mà "chỉ người làm trực tiếp trong ngành y mới hiểu", các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ quyết tâm triển khai da kề da ở sản phụ sinh mổ.

Ban đầu, các bác sĩ dùng áo choàng, khăn quấn để hỗ trợ bé nằm trên ngực mẹ ngay trong phòng mổ khi vừa chào đời. "Điều này khiến bé đôi lúc chơi vơi, phải có người giữ bé", bác sĩ Danh nói.

Khi ấy, tại khoa Sơ sinh của bệnh viện, những trẻ sinh non thiếu tháng yếu ớt được ông bố, bà mẹ dùng hơi ấm của cơ thể để ấp kangaroo trong những chiếc địu vải. Khi thực hiện phương pháp này, bố mẹ trở thành lồng ấp tự nhiên và ấp liên tục 24/24 giờ, cho đến khi bé được ít nhất 40 tuần thai như trong bụng mẹ.

Nhìn thấy những chiếc địu vải kangaroo rất tiện lợi cho bố mẹ "ấp" con, các bác sĩ quyết định cải biến những chiếc địu thun thành chiếc áo ống. Trước khi lên bàn mổ, sản phụ mặc chiếc áo ống vào. Khi bé nằm trên ngực mẹ, chiếc áo được kéo lên giúp bé nằm vững vàng, an toàn, không bị chệch choạch khỏi người mẹ.

Chiếc áo thun ống giúp bé nằm vững vàng trên ngực mẹ, ngay cả trong trường hợp mẹ sinh đôi vẫn thực hiện da kề da dễ dàng. Ảnh: Lê Phương.
Chiếc áo thun ống giúp bé nằm vững vàng trên ngực mẹ, ngay cả trong trường hợp mẹ sinh đôi vẫn thực hiện da kề da dễ dàng. Ảnh: Lê Phương.

Sau khi tiên phong triển khai da kề da thành công, các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ tham gia đóng góp, hoàn thiện quy trình này cùng Bộ Y tế, ban hành rộng rãi trên cả nước năm 2017.

Năm 2020, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến thăm bệnh viện và rất ấn tượng về sáng kiến săng lỗ cũng như áo ống khi thực hiện da kề da. Nhà sản xuất hiện dùng mẫu săng lỗ cung cấp một số nơi. "Các bác sĩ tuyến tỉnh về sản phụ khoa cũng rất thích, thường xin chiếc áo ống về làm mẫu để áp dụng tại đơn vị", bác sĩ Danh nói.

Hiện nay, khoảng 75% sản phụ sinh con tại Bệnh viện Từ Dũ được da kề da ngay sau sinh, trừ các trường hợp mẹ mổ gây mê, bé hạ đường huyết, có vấn đề bệnh lý phải gửi ngay sang chăm sóc sơ sinh...

Theo bác sĩ Danh, em bé nằm da kề da với mẹ từ lúc mới sinh còn giúp sản phụ đỡ băn khoăn về việc bệnh viện giao nhầm con, dù quy trình chống nhầm lẫn của bệnh viện triển khai rất chặt chẽ.

Cách đây không lâu, một ông bố vào thăm vợ con sau sinh, to tiếng cự cãi vì cho rằng bác sĩ đã nhầm lẫn con do em bé chỉ nặng 3,1 kg, trong khi siêu âm trước sinh là 3,8 kg. "Khi người vợ bảo rằng bé nằm với mình từ lúc mới sinh, các cô điều dưỡng không bế đi đâu cả, ông bố mới an tâm đó là con mình", bác sĩ Danh kể.

Lê Phương

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Trường quốc tế AISVN vẫn thiếu 96 tỷ đồng để dạy trực tiếp hết năm học

Trường quốc tế AISVN vẫn thiếu 96 tỷ đồng để dạy trực tiếp hết năm học

Hướng dẫn nuôi dạy con - 10/04/2024

Trường quốc tế AISVN vẫn thiếu 96 tỷ đồng để dạy trực tiếp hết năm học

Cứu sống cháu bé 14 tuổi bị thủng tim, phổi

Cứu sống cháu bé 14 tuổi bị thủng tim, phổi

Hướng dẫn nuôi dạy con - 14/03/2024

Cứu sống cháu bé 14 tuổi bị thủng tim, phổi

Giữ thai thành công cho sản phụ làm IVF 21 tuần dọa sảy, ối thõng âm đạo

Giữ thai thành công cho sản phụ làm IVF 21 tuần dọa sảy, ối thõng âm đạo

Hướng dẫn nuôi dạy con - 06/03/2024

Giữ thai thành công cho sản phụ làm IVF 21 tuần dọa sảy, ối thõng âm đạo

3 lý do khiến bệnh sởi dễ bùng dịch sau Tết

3 lý do khiến bệnh sởi dễ bùng dịch sau Tết

Hướng dẫn nuôi dạy con - 05/03/2024

3 lý do khiến bệnh sởi dễ bùng dịch sau Tết

Mổ gấp để cứu sống trẻ sơ sinh dị tật bẩm sinh phức tạp

Mổ gấp để cứu sống trẻ sơ sinh dị tật bẩm sinh phức tạp

Hướng dẫn nuôi dạy con - 29/02/2024

Mổ gấp để cứu sống trẻ sơ sinh dị tật bẩm sinh phức tạp

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới