Thông thường trẻ 2-5 tuổi dễ bị bỏng do hiếu động, tò mò, chưa ý thức được nguy hiểm. Trẻ bị tổn thương ở nhiều vị trí như chân, lưng, cánh cẳng tay.
Bác sĩ Nguyễn Nam Giang, Trưởng khoa Bỏng, cho biết bệnh nhi chiếm tới 50% số bệnh nhân tại khoa. Nguyên nhân chủ yếu là bỏng do nước sôi, thức ăn nóng hoặc các tác nhân gây bỏng khác. Trẻ bỏng, tổn thương thường sâu, điều trị khó khăn. Vết bỏng quá sâu gây hoại tử, bác sĩ phải phẫu thuật ghép da, để lại di chứng như sẹo co kéo, ảnh hưởng chức năng cơ thể.
Vì vậy, bác sĩ Giang khuyến cáo những vật dụng gây bỏng như phích nước sôi, cốc nước nóng, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa... cần đặt ở ngoài tầm với của trẻ. Người lớn bê nước nóng, thức ăn mới nấu, nên tránh trẻ để không va đụng. Kiểm tra nhiệt độ thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn. Tránh để trẻ nhỏ tự tắm vòi nước nóng lạnh, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ.
Khi trẻ bị bỏng, nhanh chóng xối nước lạnh sạch vào vết bỏng nhằm giảm nhiệt độ, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng. Không dùng thảo dược không rõ nguồn gốc để tự chữa bỏng cho trẻ. Không dùng nước đá để chườm giảm nhiệt độ vì có thể gây tổn thương nặng hơn. Nếu trẻ hoảng loạn, cha mẹ cần động viên, trấn an và bình tĩnh sơ cứu rồi đưa tới bệnh viện điều trị.
Chi Lê