Bé gái cao thêm 29 cm sau hai năm tiêm hormone
Mẹ bé hôm 17/12 đưa con gái đến Bệnh viện Nhi Trung ương tái khám định kỳ. Theo bác sĩ Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi trung ương, 12 tháng sau khi áp dụng phương pháp tiêm hormone, Linh tăng thêm 18 cm. Tới nay, sau gần hai năm, bé tăng được tổng cộng 29 cm. Cùng với chiều cao, bé cũng tăng trưởng cân nặng, từ 9 kg vào đầu năm 2019 lên 19 kg hiện nay. Bé hiện đã cao tương đương em bé 4-5 tuổi.
"Linh đã tự đánh răng, rửa mặt và vệ sinh cá nhân trong khi trước đây mẹ phải giúp. Trước kia, mỗi bữa con ăn hai thìa cơm, giờ đã ăn được gần hai bát. Bác sĩ nói nếu kiên trì điều trị, bé có thể đạt được chiều cao bằng 80% chiều cao trung bình", mẹ bé cho biết.
Bé Linh chào đời nặng 2,8 kg. Đến 5 tháng tuổi, cân nặng của bé chỉ 5 kg và đến 9 tháng tuổi không tăng thêm. Bác sĩ khám, kết luận bé bị suy dinh dưỡng, uống thuốc 6 tháng không cải thiện. Linh lên 3 tuổi, mẹ đưa con lên Hà Nội khám, kết quả bình thường, tim, gan hay nhiễm sắc thể không gặp vấn đề gì.
"Sau vài lần đưa con đi khám không tìm ra nguyên nhân, tôi chấp nhận, nuôi nấng bé theo một cách đặc biệt", chị Thương nói.
10 năm qua, Linh vẫn là đứa trẻ "nuôi mãi không lớn". Mọi việc từ vệ sinh cá nhân, ăn uống, tắm rửa... mẹ đều phải chăm bẵm con như đứa trẻ một tuổi. Khi Linh 5 tuổi thì em trai 3 tuổi đi mẫu giáo, hai chị em học chung lớp, sáng nào mẹ cũng gửi bỉm đến trường.
Năm 2019, Linh 10 tuổi cao 79 cm nặng 9 kg, trong khi em trai lên lớp 1 nặng 26 kg. Những đứa trẻ cùng lứa Linh đã bước vào tuổi dậy thì, mẹ lại tiếp tục đưa con đến bệnh viện khám, sau đó vào Bệnh viện Nhi Trung ương.
"Khi ấy tuổi sinh học của bé là 9 nhưng tuổi xương chỉ mới đạt 20 tháng", bác sĩ Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi trung ương, mô tả căn bệnh của Linh.
Kết quả chụp MRI xác định nguyên nhân gây ra thể trạng nhỏ bé của cháu là do tuyến yên nhỏ. Linh được tiêm hormone tăng trưởng GH, bác sĩ theo dõi và điều trị suốt hai năm qua.
Linh là một trong gần 400 trẻ chậm phát triển chiều cao, chủ yếu thiếu hormone tăng trưởng, đang được Bệnh viện Nhi Trung điều trị.
Bác sĩ Dũng cho biết có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng chậm tăng trưởng chiều cao của trẻ. Trẻ có thể mắc các bệnh lý từ dinh dưỡng, nội tiết, các hội chứng bẩm sinh, chậm phát triển trong tử cung, các bệnh về xương, bệnh mạn tính... Điều quan trọng là phải xác định nguyên nhân gây ra tình trạng chậm tăng trưởng chiều cao để điều trị sớm và điều trị phù hợp, chứ không phải tìm thuốc uống để tăng chiều cao. Cũng không phải trường hợp thấp lùn nào cũng áp dụng được phương pháp tiêm hormone.
Hormone GH được chỉ định cho những trường hợp thiếu hormone tăng trưởng (GHD), suy thận mạn, hội chứng Turner, thấp không rõ nguyên nhân, thấp do đột biến gene, hội chứng Noonna (NS)...
"Quá trình điều trị chiều cao bằng hormone rất lâu dài, cần phải theo dõi trẻ cao lên bao nhiêu cm mỗi năm. Nếu một năm trẻ không cao thêm được 4 cm thì không bình thường", bác sĩ Dũng cho biết.
* Tên nhân vật được thay đổi.
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/11/2024
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội