Bé gái viêm cơ tim thoát chết nhờ can thiệp ECMO
Bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức chống độc tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết đây là ca rất khó trong điều trị.
Trước đó, bé sốt nhẹ, gia đình tự mua thuốc cho bé uống. Ngày thứ hai, bé lừ đừ, nôn ói 10 lần, mệt nhiều nên được đưa vào Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang. Bé được thở oxy, truyền thuốc vận mạch và chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1 khuya 5/8.
Lúc này, bé đã rơi vào tình trạng hôn mê, môi tím, thở hước, trụy tim mạch nặng, tim rời rạc. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm cơ tim tối cấp, sốc tim, rối loạn nhịp tim. Ngay lập tức, bệnh nhi được đặt nội khí quản giúp thở, truyền thuốc vận mạch duy trì chức năng co bóp cơ tim. Bác sĩ khoa Tim mạch đặt máy tạo nhịp tạm thời duy trì nhịp tim.
Sau khi được điều trị cấp cứu, tình trạng huyết động học của bệnh nhi có cải thiện tạm thời. Tuy nhiên, chức năng co bóp cơ tim giảm nặng do viêm cơ tim tối cấp kèm loạn nhịp thất liên tục không đáp ứng với thuốc chống loạn nhịp, gây trụy tim mạch nặng, giảm tưới máu mô gây tổn thương các cơ quan, đe dọa tính mạng.
Trước tình trạng nguy kịch, bệnh viện báo động đỏ. Cuộc hội chẩn toàn viện khẩn cấp diễn ra trong đêm, bác sĩ quyết định thực hiện kỹ thuật hỗ trợ tuần hoàn qua màng ngoài cơ thể ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) để cứu bệnh nhân.
Bác sĩ Quang chia sẻ, bé gái mới chỉ ba tuổi, nặng 11 kg nên việc tiếp cận kỹ thuật ECMO gặp rất nhiều khó khăn. Các bác sĩ phải thiết lập một phòng mổ lưu động tại khoa Hồi sức vì bệnh nhân quá yếu, không thể vận chuyển tới phòng mổ. May mắn, sau 30 phút can thiệp, trạng thái huyết động học của bệnh nhi được phục hồi, đảm bảo sự sống cho các cơ quan.
"Chạy ECMO trên bệnh nhi nhỏ tuổi khó khăn hơn nhiều so với trẻ lớn, nhất là trong vấn đề theo dõi và xử trí các biến chứng. Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực đã theo dõi bệnh nhi liên tục để kịp thời xử trí các biến cố xảy ra nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhi", bác sĩ Quang nói.
Sau một tuần chạy ECMO, chức năng tim và các cơ quan gan, thận, não phục hồi tốt. Bệnh nhi được cai ECMO vào ngày 12/8, rồi cai máy thở, máy tạo nhịp vào ngày 14/8.
Hiện tại bệnh nhi đã tỉnh táo, thở bình thường, tình trạng huyết động học ổn định, chức năng tim phục hồi tốt. Bệnh nhi vẫn được theo dõi sát tình trạng tim mạch và đông máu.
Trong vòng hai đến ba năm tới, bệnh nhi sẽ phải tái khám và theo dõi liên tục. Các bác sĩ lo ngại những biến chứng như thiếu oxy não, bị bệnh lý cơ tim dày, giãn ra, suy yếu. Mặc dù vậy, nếu hồi sức tốt tình trạng này sẽ hạn chế tối đa.
Thầy thuốc nhân dân Bạch Văn Cam, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết viêm cơ tim ở trẻ em ít gặp nên rất dễ bỏ sót. Các triệu chứng viêm cơ tim ban đầu tương tự như cảm sốt thông thường. Các cơ sở y tế tuyến dưới cần phải thực hiện điện tim, xác định nhịp tim nhanh chậm, nếu có dấu hiệu rối loạn cần nghĩ ngay đến viêm cơ tim.
"Khi chưa có kỹ thuật ECMO, những ca nặng như vậy tỷ lệ tử vong rất cao. Sau khi được chuyển giao kỹ thuật ECMO từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã triển khai cứu sống nhiều bệnh nhi nguy kịch hơn. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu không để các bệnh nhi chạy ECMO tử vong vì thiếu tiền", bác sĩ Cam nhấn mạnh.
Thư Anh
Tin lên quan
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Virus viêm gan B ảnh hưởng đến thai phụ ra sao?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 30/09/2024
Virus viêm gan B ảnh hưởng đến thai phụ ra sao?