Bé sơ sinh ngừng thở trên đường đến bệnh viện thoát chết thần kỳ
Bệnh nhi tên V.A.T., giới tính nam, sinh đủ tháng vào ngày 25/10 tại Trung tâm y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ). Sau sinh, trẻ có dấu hiệu suy hô hấp, phải phụ thuộc oxy. Do diễn tiến nặng, tới ngày 9/11, bé được liên hệ chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ điều trị.
Trên đường di chuyển, bệnh nhi bất ngờ xuất hiện cơn ngừng thở, tình trạng rất nguy kịch. Các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện bóp bóng, duy trì sự sống cho bệnh nhi.
Khi đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, cháu bé đã tím tái, các chỉ số sinh tồn đều không đạt, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu) chỉ còn khoảng 35% (trong khi chỉ số này ở trẻ sơ sinh bình thường là trên 90%), nguy cơ tử vong cao.
Bệnh nhi được chẩn đoán mắc nhiễm khuẩn sơ sinh rất sớm trên nền bệnh màng trong (bệnh lý gây suy hô hấp cấp phổ biến).
Các bác sĩ ngay lập tức tiến hành cấp cứu, đặt ống nội khí quản, sử dụng tới 4 loại vận mạch và cho cháu bé thở máy thở cao tần HFO – loại máy thở hiện đại nhất, hỗ trợ tốt nhất cho các em bé sơ sinh hiện nay.
Tuy nhiên, bệnh nhi gần như không đáp ứng với máy thở. Các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Sơ sinh liên tục phải thay nhau bóp bóng hỗ trợ cho bé trong hơn 10 giờ đồng hồ. May mắn, sau đó, tình trạng sức khỏe của bé cải thiện dần, bước đầu đáp ứng các phương pháp điều trị.
Qua 3 ngày hồi sức tích cực, em bé đã cai được máy thở, có thể tự thở hoàn toàn, tiếp tục được dùng kháng sinh điều trị tình trạng nhiễm trùng. Sau hơn 10 ngày điều trị, bệnh nhi tiến triển rất tốt, ăn tốt, ngủ tốt, tình trạng ổn định và được đưa ra ghép mẹ.
Đến nay, sức khỏe em bé hoàn toàn ổn định và đã được cho xuất viện.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Ngôn, Khoa Nhi Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, nhiễm khuẩn sơ sinh sớm ở trẻ là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.
Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn sơ sinh sớm đều do lây truyền từ mẹ sang con, do trong quá trình mang thai người mẹ bị các bệnh hoa liễu (nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục) hoặc viêm nhiễm đường sinh dục, đường tiểu... không được điều trị kịp thời hoặc điều trị chưa đủ liệu trình. Nguyên nhân khác có thể do mẹ gặp tình trạng sốt trước, trong hoặc sau sinh 24 giờ, nước ối vỡ trên 18 giờ, thời gian chuyển dạ trên 12 giờ, ối bẩn hoặc nhiễm khuẩn ối.
Các bác sĩ khuyến cáo, chị em phụ nữ trước khi mang thai nên thực hiện tiêm chủng đầy đủ, quá trình mang thai cần chú ý chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý, thực hiện khám thai định kỳ. Nếu được chẩn đoán đã mắc hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh lý nhiễm trùng, nên tới cơ sở y tế chuyên khoa để được áp dụng các biện pháp phòng bệnh, ngăn ngừa nguy cơ cho em bé.
Nguyễn Liên
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/11/2024
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội