Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), các thế hệ học sinh, sinh viên hiện nay có nguy cơ mất 17.000 tỷ USD thu nhập trong cả cuộc đời, do đại dịch Covid-19 khiến việc dạy học trực tiếp bị gián đoạn. Con số này cao hơn nhiều so với mức 10.000 tỷ USD được các tổ chức trên ước tính vào năm 2020.
Nhằm bù đắp kiến thức cho học sinh trong thời kỳ đại dịch, các mô hình dạy và học trực tuyến đã được đẩy mạnh ở nhiều quốc gia. Song, thực tế chỉ ra rằng, việc học trực tuyến vẫn tồn tại nhiều hạn chế và không thể thay thế hoàn toàn cho hình thức học trực tiếp. Nhiều khu vực trên giới không bảo đảm đủ điều kiện để thúc đẩy học trực tuyến như mức độ phủ sóng internet không cao, thiếu thiết bị kỹ thuật số... Theo UNICEF, hàng trăm triệu trẻ em ở khu vực Nam Á đang chịu thiệt thòi do không có các thiết bị cần thiết để học trực tuyến.
Trường học đóng cửa càng lâu, nguy cơ trẻ em mất đi các cơ hội tương lai càng gia tăng. UNICEF ước tính, hơn 100 triệu trẻ em trên toàn cầu không đạt được trình độ đọc, viết thông thạo cơ bản do việc học tập bị gián đoạn. Mức độ bị ảnh hưởng trong học tập cũng không đồng đều giữa các em. Báo cáo chỉ ra rằng, trẻ em gái nhìn chung gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận giáo dục từ xa so với trẻ em trai. Các trẻ em nghèo và khuyết tật ít có điều kiện tiếp cận với hình thức học tập trực tuyến do thiếu hụt kỹ năng công nghệ, khả năng tài chính hạn hẹp…
Không chỉ khiến nhiều trẻ em mất đi cơ hội tiếp cận giáo dục, đại dịch Covid-19 còn để lại những hậu quả kéo dài dai dẳng về sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em, kể cả khi dịch bệnh kết thúc. Theo AP, số trẻ em và thanh thiếu niên ở Mỹ bị béo phì đã tăng từ mức 19,3% hồi năm 2019 lên mức 22,4% vào tháng 8/2020. Việc đóng cửa trường học là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này do trẻ bị hạn chế các hoạt động thể chất. Cùng với đó, đại dịch cũng để lại những "tổn thương vô hình" cho trẻ em về mặt tinh thần. Cứ trong bảy trẻ vị thành niên từ 10 đến 19 tuổi trên toàn cầu thì có nhiều hơn một em bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần. Việc trẻ không được đến trường trong một thời gian dài khiến các mối quan hệ với bạn bè và sự giao tiếp xã hội bị gián đoạn.
Ðại diện UNICEF tại Jordan Tanya Chapuisat cảnh báo về mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh đối với đời sống tinh thần của giới trẻ, đồng thời cho biết, các cơ quan cần phối hợp nhiều biện pháp giúp tháo gỡ vấn đề tâm lý cho giới trẻ cả về mặt y tế lẫn giáo dục.
UNICEF từng kêu gọi các quốc gia tìm cách đưa học sinh quay trở lại trường học một cách an toàn để tránh "thảm họa thế hệ" và cảnh báo rằng, những tác hại khi học sinh không được đi học có thể không bao giờ bù đắp được. Ðại dịch Covid-19 sắp bước sang năm thứ ba, việc từng bước mở cửa trở lại trường học một cách an toàn sẽ là bước đi cần thiết nhằm ngăn chặn những hệ lụy kéo dài đối với trẻ em.