Chúng tôi tìm đến Trạm y tế lưu động phường 5, một trong những phường có số ca F0 cao nhất của quận 5, TP Hồ Chí Minh. Những ngày này, nhiều tuyến đường trên địa bàn quận bị chặn nhằm bảo đảm công tác kiểm soát lượng xe lưu thông nên việc đi lại có mất thời gian hơn trước. Nhưng cuối cùng, chúng tôi cũng tìm đến được trạm y tế nằm trên đường Nghĩa Thục.
Phó Chủ tịch UBND phường 5 (quận 5) Huỳnh Ngọc Hiền cho biết, khu vực đường Nhiêu Tâm, Nghĩa Thục là phố kinh doanh vàng bạc, đá trang sức nên khá sầm uất. Từ khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, khu phố này cũng giống bao nơi khác trở nên vắng lặng suốt ngày đêm. Trạm y tế lưu động phường 5 trước đây là cơ sở của một trường mầm non, phường đã trưng dụng làm trạm y tế lưu động để chăm sóc sức khỏe cho các F0 cách ly tại nhà. Thực hiện nhiệm vụ này, 5 nhân viên y tế từ Học viện Quân y, gồm 2 bác sĩ và 3 học viên đã được chi viện về phường. “Chúng tôi mừng lắm, vì chưa bao giờ, phường có nhiều bác sĩ như thế”, Phó Chủ tịch UBND phường 5 Huỳnh Ngọc Hiền chia sẻ.
Phụ trách Trạm y tế lưu động phường 5 là bác sĩ, Trung tá Nguyễn Duy Thắng. Đoàn đến phường vào ngày 22/8. “Ngày đầu tiên đặt chân đến phường 5, chúng tôi làm vệ sinh trạm, bố trí chỗ làm việc, chỗ khử khuẩn, nghỉ ngơi cho các thành viên. Điều quan trọng trước khi bắt tay vào khám bệnh cho bệnh nhân là bản thân anh em phải bảo đảm không được nhiễm bệnh”, bác sĩ Nguyễn Duy Thắng chia sẻ kinh nghiệm.
Đến ngày thứ hai, bác sĩ Nguyễn Duy Thắng bắt tay ngay vào công việc thăm khám cho 18 F0 đang được cách ly trên địa bàn cùng với 131 trường hợp nghi nghiễm cũng được cách ly tại nhà. Theo bác sĩ Nguyễn Duy Thắng, ngày đầu làm việc cũng là ngày vất vả nhất, do người bệnh chưa được nhân viên y tế chăm sóc nên nhiều trường hợp có triệu chứng nặng, nhất là những bệnh nhân lớn tuổi. Sáu trường hợp được đề xuất chuyển viện... Sau khi đã nắm cơ bản sức khỏe của các F0, đoàn về tổng hợp, xây dựng quy trình làm việc, từ đó chia sẻ kinh nghiệm, phân công anh em trong những ngày tiếp theo.
Nguyễn Hoàng Anh, đang học năm thứ 6 tại Học viện Quân y là một trong những người tình nguyện vào TP Hồ Chí Minh chống dịch lần này. Hoàng Anh cho biết chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc người bệnh Covid-19 nên anh đã được các anh trong đoàn hỗ trợ rất nhiều. Sau hai, ba ngày đầu, Hoàng Anh đã học được nhiều kinh nghiệm, vững tin hơn trong quá trình thăm khám bệnh cho các F0. Hoàng Anh nhớ lại, ca bệnh đầu tiên anh trực tiếp khám là cô Quách Tô Muối, 45 tuổi, sống neo đơn trong căn phòng nhỏ hẹp. “Khi đến khám, cô sốt trên 38 độ, người mệt mỏi. Nhìn hình ảnh ấy, em chỉ muốn làm hết sức mình để mong cô không trở nặng và sớm khỏe lại”, Hoàng Anh nói.
Sau hơn một tuần đồng hành với người bệnh, mọi việc khám, chữa bệnh cho F0 và cả người bệnh không mắc Covid-19 của các bác sĩ tại Trạm y tế lưu động phường 5, quận 5 đã đi vào quy củ. Bác sĩ, Thiếu tá Nguyễn Minh Cường chuẩn bị rất kỹ cho buổi khám bệnh của mình, trên tay cầm tờ giấy ghi địa chỉ nhà từng người bệnh mà anh sẽ đến khám. Bác sĩ Nguyễn Minh Cường chia sẻ: “Chúng tôi vẫn chưa quen đường, nên ngoài địa chỉ trên tay, mỗi lần đi đều có một bạn dân quân làm hoa tiêu dẫn đường. Với lại, để tránh nguy cơ lây nhiễm, chúng tôi không mang điện thoại khi tiếp xúc với người bệnh”.
Công tác tại Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), bác sĩ Nguyễn Minh Cường đang theo học chuyên khoa II tại Học viện Quân y và chuẩn bị nhận bằng vào tháng 9 này. Nhưng khi được Học viện Quân y động viên vào TP Hồ Chí Minh chống dịch, bác sĩ Cường đã xung phong đi ngay. Dù lần đầu ra tuyến đầu chống dịch, nhưng với sự nỗ lực của các thành viên trong đoàn, đến nay nhiều người bệnh sức khỏe đã ổn định sau một thời gian uống thuốc và được cung cấp ô-xi kịp thời.
Lướt tìm danh sách các F0 trên điện thoại, bác sĩ Nguyễn Duy Thắng chia sẻ, đến giờ anh vẫn nhớ mãi trường hợp bác Lưu An, 90 tuổi, sống một mình tại chung cư An Bình. Không điện thoại, mọi liên hệ với ông đều phải thông qua người hàng xóm. “Tôi nhớ lần đầu đến nhà, đó là căn nhà bé xíu, chật chội. Ông nằm mệt mỏi trên giường, đi vệ sinh tại chỗ. Chúng tôi phải thay chiếu, làm vệ sinh cho ông. Sau thời gian được cấp phát thuốc, cung cấp ô-xi, giám sát điều trị, ông Lưu An đã phục hồi sức khỏe, sinh hoạt trở lại bình thường. Chúng tôi mừng lắm”, bác sĩ Nguyễn Duy Thắng kể lại. Một trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Bích Vân, 80 tuổi. Khi đến khám, SPO2 của bà chỉ 88%, sốt 38,5 độ. Nhờ được cấp thuốc, máy tạo ô-xi kịp thời, đến nay, sức khỏe của bà đã ổn định. “Bà mới điện cho chúng tôi để trả lại máy tạo ô-xi. Chúng tôi nghe thế là yên tâm lắm rồi”, bác sĩ Nguyễn Duy Thắng phấn khởi, cho biết...
Phó Chủ tịch UBND phường 5 Huỳnh Ngọc Hiền cho hay, từ khi có bác sĩ quân y về, địa phương đã giải được bài toán chăm sóc cho F0 tại nhà. Sức khỏe các người bệnh đã có nhiều cải thiện, số ca F0 chuyển lên tuyến trên cũng giảm so với trước đây. Điển hình như “vùng đỏ” của phường ở hẻm 65 Trần Tuấn Khải. Sau thời gian được các bác sĩ chăm sóc, hiện nơi đây chỉ còn 5 ca F0, “vùng đỏ” cũng chuyển mầu sang “vùng cam”. “Mô hình trạm y tế lưu động ra đời rất kịp thời, chính mô hình này đã giúp cho việc chăm sóc sức khỏe các F0 cũng như sức khỏe người dân trên địa bàn phường tốt hơn rất nhiều”, Phó Chủ tịch UBND phường 5 Huỳnh Ngọc Hiền khẳng định.
Bác sĩ Nguyễn Duy Thắng chia sẻ thêm, khi tình nguyện vào TP Hồ Chí Minh chống dịch, anh em đã xác định công việc dù khó khăn đến mấy đều phải vượt qua để chăm sóc tốt cho người bệnh, qua đó góp phần giảm tải cho các bệnh viện tầng trên. Sau hơn một tuần, nhìn thấy những kết quả bước đầu, anh em trong đoàn đều cảm thấy hạnh phúc, xem đó làm động lực để tiếp tục cùng nhau chiến đấu trong thời gian tới.