Đồng hành cùng sinh viên trong đại dịch

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố, sinh viên trở thành một trong những đối tượng khó khăn nhất do thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần. Nắm bắt tình trạng đó, tổ chức Đoàn, Hội các cấp và nhiều nhà trường đã nhanh chóng triển khai các hoạt động hỗ trợ, đồng hành theo đúng tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Các tình nguyện viên giao nhu yếu phẩm của mô hình “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng” cho sinh viên tại các khu ký túc xá. Ảnh: PHAN LINH
Các tình nguyện viên giao nhu yếu phẩm của mô hình “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng” cho sinh viên tại các khu ký túc xá. Ảnh: PHAN LINH

10.000 sinh viên “mắc kẹt” ở Thủ đô

Thời gian gần đây, việc nhiều ổ dịch liên tiếp bùng phát ở các thành phố lớn, nơi đặt nhiều cơ sở giáo dục bậc đại học, đã ngày càng tạo thêm sức ép về vật chất, tinh thần lên sinh viên, nhất là sinh viên xa nhà. Theo thống kê sơ bộ của Thành đoàn, Hội Sinh viên TP Hà Nội và các nhà trường, hiện Thủ đô có khoảng 10.000 sinh viên Việt Nam và nước ngoài mắc kẹt tại các ký túc xá, khu nhà trọ.

 Trong đó, nhiều nhất là sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) với hơn 1.000 trường hợp. Tiếp đến là Trường đại học Mở Hà Nội và Trường đại học Giao thông vận tải với khoảng 700 trường hợp ở mỗi trường. Đây phần lớn là những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, sống xa gia đình.

Dịch bệnh đã khiến các sinh viên này không thể về quê nhà và buộc phải cố gắng bám trụ các khu ký túc xá, nhà trọ. Mỗi ngày trôi qua, áp lực về các loại chi phí sinh hoạt như tiền thuê nhà, tiền điện, nước, tiền ăn... lại thêm đè nặng. Nguyên nhân là bởi nguồn thu nhập từ việc làm thêm đã hoàn toàn bị cắt đứt để nghiêm túc phòng, chống dịch bệnh.


Để duy trì việc học tập, các bạn trẻ phải hạn chế chi tiêu đến mức thấp nhất, kể cả việc ăn uống hằng ngày. Qua trao đổi với chúng tôi, có sinh viên thành thật chia sẻ: mỗi lần đi chợ, chỉ dám bỏ ra 50 nghìn đồng mua lương thực, thực phẩm dùng trong... ba ngày. Là một trong 200 sinh viên đang mắc kẹt tại Học viện Tài chính, Phạm Thị Hiền hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cha mẹ mất sớm vì bệnh hiểm nghèo, em trai phải gửi nhà họ hàng ở quê, một mình Hiền khăn gói lên Hà Nội học đại học đến nay đã ba năm.

 Trước khi dịch bệnh bùng phát, nữ sinh chuyên ngành kiểm toán này thường tranh thủ thời gian trống để đi làm thêm, tự trang trải cuộc sống. Đến nay, khoản thu nhập ít ỏi đó cũng không còn, Hiền cùng nhiều bạn bè đồng trang lứa chỉ còn cách chờ đợi cho dịch bệnh sớm qua đi.

Tương tự, Nguyễn Thị Tú, sinh viên ngành kỹ thuật xét nghiệm y học (Trường đại học Y tế công cộng) nhiều ngày nay phải tính toán chi li để không khoản sinh hoạt phí nào bị trội hơn bình thường.

Tú là một trong những sinh viên xuất sắc, được nhà trường chọn cử đi tình nguyện hỗ trợ tỉnh Bắc Giang dập dịch từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7. Do TP Hà Nội nhận lệnh giãn cách trong thời gian nhóm tình nguyện cách ly sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Tú và nhiều sinh viên tình nguyện đã gặp khó khăn do quá lâu không có thu nhập. “Thu nhập làm thêm của chúng em vốn cũng chỉ đủ tiêu tằn tiện. Hiện, em vẫn còn một ít tiền do thời gian tình nguyện đi chống dịch hầu như không phải sử dụng tới. Chúng em dự tính có thể cầm cự lâu hơn nếu nhà trường không tính tiền thuê ký túc xá những ngày đi công tác tình nguyện”, Nguyễn Thị Tú cho biết.

Đồng hành về cả vật chất và tinh thần

Trước những khó khăn nêu trên, với vai trò “người bạn đồng hành” của tuổi trẻ, tổ chức Đoàn, Hội các cấp đã phối hợp nhiều đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hàng loạt hoạt động chung tay hỗ trợ sinh viên vượt qua đại dịch. Trong khuôn khổ chương trình “Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình”, mỗi ngày, Hội LHTN thành phố Hà Nội và Trung tâm Tình nguyện quốc gia (trực thuộc T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), nhóm Thần tốc Hà Nội đã trao hàng trăm suất cơm và thực phẩm tặng sinh viên mắc kẹt tại Thủ đô. Các chuyến xe của chương trình luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cả ngày lẫn đêm, được khử khuẩn thường xuyên, bảo đảm thực hiện nghiêm quy tắc 5K.

Song song với chương trình, đầu tháng 8 vừa qua, Thành đoàn, Hội Sinh viên TP Hà Nội đã thí điểm thành công mô hình “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng”. Được đồng hành bởi Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ (trực thuộc Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam) và nhiều tổ chức doanh nghiệp, công ty, tập đoàn lớn, mô hình hướng đến hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách.

Siêu thị hoạt động theo phương thức tặng các phiếu mua trị giá 400 nghìn đồng để “khách hàng” tự do chọn lựa, tránh cảm giác ngại ngần, tâm lý “đồ cứu trợ”. Vì vậy, hơn 60 mặt hàng thiết yếu “bày bán” tại siêu thị đều bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Đặc biệt, đối với các sinh viên mắc kẹt, siêu thị còn thiết lập hệ thống mua sắm trên ứng dụng dành cho thiết bị di động, bảo đảm vận chuyển các loại mặt hàng tận tay sinh viên hoàn toàn miễn phí. Theo đồng chí Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP Hà Nội, mô hình “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng” dự kiến sẽ mở thêm hơn 20 điểm “bán hàng” trên khắp địa bàn Thủ đô, với mục tiêu hỗ trợ từ 20 đến 25 nghìn người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch. “Chúng tôi đang nỗ lực đưa mô hình tiếp cận càng nhiều người khó khăn càng tốt. Hiện, mô hình đã hỗ trợ thêm sinh viên nước ngoài tại các khu ký túc xá theo tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, đồng chí Trần Quang Hưng chia sẻ.

Không chỉ Đoàn, Hội các cấp, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn Hà Nội cũng chủ động, nhanh chóng triển khai những hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng sinh viên Thủ đô trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngay sau khi có quyết định giãn cách xã hội, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã rà soát, trao nhiều suất quà tặng sinh viên Việt Nam và nước ngoài có hoàn cảnh khó khăn trú tại ký túc xá nhà trường.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: đến nay, tổng giá trị các hoạt động hỗ trợ đạt hơn 212 triệu đồng. Vừa qua, lãnh đạo nhà trường tiếp tục có công văn gửi các đơn vị thành viên và trực thuộc, đề nghị tăng cường hỗ trợ cán bộ, viên chức, sinh viên, học sinh vượt qua dịch bệnh, nhất là về đời sống vật chất, tinh thần. Trong khi đó, Trường đại học Bách khoa Hà Nội chọn phương án tăng cường bảo đảm an toàn cho dịch vụ ăn uống bên trong các khu ký túc xá.

Giám đốc Trung tâm Quản lý ký túc xá nhà trường Nguyễn Hữu Khôi khẳng định, hơn 200 sinh viên thuộc diện ở lại ký túc xá hiện có tinh thần, sức khỏe tốt, ổn định, hằng ngày học tập trực tuyến, thực hiện đồ án, luận văn thuận tiện. Nhà trường đã mở rộng công năng sử dụng khu vực ăn uống dành cho sinh viên nước ngoài để phục vụ các sinh viên mắc kẹt, tăng cường hỗ trợ để sinh viên không cần ra khỏi khu ký túc xá mà vẫn có thể sinh hoạt, học tập tốt.

Những diễn biến phức tạp liên tiếp của đại dịch Covid-19 đã và đang tác động không nhỏ đến cộng đồng, trong đó có sinh viên. Để bảo đảm cho sinh viên vượt qua khó khăn, ngoài sự phối hợp thống nhất, đồng bộ của các tổ chức thanh niên và nhà trường, còn cần thêm sự chung tay, vào cuộc của toàn ngành giáo dục - đào tạo và các cơ quan hoạch định chính sách.

Cụ thể, cần duy trì, phát huy mạnh mẽ các hoạt động chăm lo, đồng hành, không để sinh viên thiếu thốn về vật chất; thường xuyên quan tâm, động viên tinh thần, nhất là tại các khu ký túc xá tập trung đông sinh viên bị mắc kẹt do đại dịch. Có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ sinh viên khỏi các luồng thông tin xấu độc, xuyên tạc, bịa đặt, cố tình gây hoang mang trên mạng xã hội, internet; rà soát, phát hiện các trường hợp đặc biệt khó khăn để triển khai các chính sách, chế độ hỗ trợ đồng bộ, thích hợp.
 

LINH PHAN - QUÝ TÙNG

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời

Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời

Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024

Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời

Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn

Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn

Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024

Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn

Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm

Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm

Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024

Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm

Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội

Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội

Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024

Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội

Virus viêm gan B ảnh hưởng đến thai phụ ra sao?

Virus viêm gan B ảnh hưởng đến thai phụ ra sao?

Hướng dẫn nuôi dạy con - 30/09/2024

Virus viêm gan B ảnh hưởng đến thai phụ ra sao?

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới