Đừng để trẻ dậy thì sớm đến viện muộn
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, nếu như can thiệp muộn, chiều cao của trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn khi trưởng thành.
Trẻ 3 tuổi đã “dậy thì”
Theo chia sẻ của BS. Bùi Phương Thảo, Phó trưởng Khoa Nội tiết - Chuyển hóa di truyền, Bệnh viện Nhi T.Ư, ông đã từng tiếp nhận những bệnh nhân có dấu hiệu dậy thì khi mới 3-4 tuổi. Đó là trường hợp của bệnh nhi N.T.A (Hà Nội), đến thăm khám khi có dấu hiệu bất thường như xuất huyết vùng kín.
Kết quả xét nghiệm cho thấy rõ bé A. có đầy đủ “thông số” dậy thì sớm, khi tuổi xương lớn hơn nhiều so với tuổi đời, tử cung, buồng trứng phát triển.
Bé A. được chỉ định điều trị bằng thuốc sớm và kết quả rất tốt, khi trưởng thành trẻ vẫn đạt được chiều cao 1m60. Điều đáng nói, sau khi bé A. được điều trị ổn định thì em gái bé A. cũng có những dấu hiệu bệnh tương tự chị của mình.
Có mặt tại phòng khám của Khoa Nội tiết - Chuyển hóa di truyền, chị Nguyễn Thị D. (Hà Đông, Hà Nội) đưa cô con gái là T.T.P (7 tuổi) đến thăm khám. Theo chia sẻ của chị D., so với bạn đồng lứa con gái chị có chiều cao nhỉnh hơn một chút, nhưng gần đây, con thường than đau nhức vùng ngực, hơn nữa xuất hiện cả lông mu.
“Bác sĩ có nói con dậy thì sớm với tuổi xương đo được tương đương với trẻ 11 tuổi, trong khi cháu mới 7 tuổi 8 tháng. Hai họ nội ngoại chưa ai mắc bệnh này”, chị D. lo lắng cho biết.
Nói về các ca bệnh dậy thì sớm này, BS. Phương Thảo cho biết, dậy thì sớm ở trẻ em có hai loại, đó là dậy thì sớm ngoại biên và dậy thì sớm trung ương.
Với dậy thì sớm ngoại biên có bất thường buồng trứng, u nang buồng trứng, có bệnh lý di truyền gây tiết hoóc môn sinh dục. Còn dậy thì sớm trung ương, nguyên nhân gây bệnh có tới 90-95% là vô căn ở trẻ nữ, 5-10% có bất thường ở não, u não, dị tật não.
Ở trẻ trai, khoảng 40-50% có u não, bất thường não, dị tật não. Nếu trẻ nữ có đặc tính sinh dục trước 8 tuổi (phát triển tuyến vú, có kinh nguyệt…) và trẻ nam trước 9 tuổi (có cơ bắp, ria mép, giọng ồm…), chiều cao tăng nhanh hơn 6 cm/năm thì sẽ được nhận định là dậy thì sớm.
Điều trị khi nào hiệu quả nhất?
BS. Thảo cho biết, bình thường, con người có tuổi xương và tuổi thực bằng nhau, nhưng với trẻ dậy thì sớm thì tuổi xương sẽ lớn hơn tuổi thực. Vì thế, những trẻ này sẽ ngừng phát triển sớm hơn so với các bạn khác.
Trung bình các trẻ dậy thì sớm trung ương có chiều cao khi trưởng thành thấp hơn các trẻ khác, như ở nữ là 12cm và ở nam khoảng 20cm. Nếu được tiêm thuốc, trẻ sẽ được cải thiện chiều cao rõ ràng từ 8-10 cm. Trẻ nữ dậy thì sớm không điều trị chỉ cao 1m50, nếu được điều trị liên tục đến 7 tuổi thì chiều cao lên tới 1m58- 1m60.
Nếu tuổi điều trị tăng hơn tuổi mốc 6-8 tuổi thì trẻ chỉ cải thiện 2-3cm hoặc có trẻ không cải thiện cm nào. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho trẻ trước tuổi lên 6 sẽ mang lại hiệu quả tích cực nhất đối với trẻ.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của BS. Thảo, cũng không ít trẻ khi đến khám có dấu hiệu dậy thì sớm như lông mu phát triển, có kinh nguyệt… nhưng sau thăm khám lại không phải dậy thì sớm mà do các nguyên nhân khác gây nên.
Do vậy để chẩn đoán dậy thì sớm, các bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, theo dõi cấp độ tăng trưởng, đánh giá mức độ dậy thì của trẻ qua tuổi xương… Một số trường hợp sẽ được chỉ định chụp cộng hưởng từ não để chẩn đoán.
Hiện, bệnh nhi dậy thì sớm có thể điều trị bằng tiêm thuốc ức chế dậy thì liên tục đến năm 10 tuổi hoặc đến khi có tuổi xương 11-12 tuổi, với liệu trình 28 ngày/một mũi tiêm.
Quá trình theo dõi cho thấy, nhiều bệnh nhi được phát hiện dậy thì sớm lúc 6 tuổi, do tuổi xương của trẻ chênh tới ba năm và gia đình đã kiên trì điều trị cho trẻ đến năm 10 tuổi thì đến tuổi trưởng thành trẻ cũng phát triển tốt, cao 1m60.
“Với trẻ dậy thì sớm, trước 6 tuổi điều trị bằng thuốc có tác dụng tốt, chúng tôi thường chỉ định trẻ nên điều trị. Còn ở độ tuổi 6-8 tuổi, chúng tôi sẽ trao đổi với gia đình, giải thích lợi ích cũng như tác dụng phụ của thuốc (như đau bắp đùi, chảy máu âm đạo sau những lần tiêm đầu…), chi phí 3 triệu đồng/mũi tiêm... và kết quả điều trị thường phụ thuộc vào đáp ứng của từng đứa trẻ. Với trẻ trai dưới 9 tuổi, nếu không có bệnh lý thì chúng tôi cũng cân nhắc việc điều trị”, BS. Thảo nói.
Trước những băn khoăn về việc sử dụng thuốc ức chế dậy thì sớm liệu có ảnh hưởng đến buồng trứng, khiến trẻ dẫn đến vô sinh sau này hay không, BS. Thảo khẳng định: “Loại thuốc này đã được y khoa thế giới dùng điều trị suốt hơn 40 năm qua.
Và đã có những nghiên cứu theo dõi với những trẻ đã từng dùng thì cho thấy sau khi dừng thuốc, khả năng sinh sản như người bình thường. Chỉ dừng thuốc từ 2-6 tháng kinh nguyệt sẽ có lại”.
Vũ Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/11/2024
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội