Em bé bị bỏ rơi cổng chùa được bố mẹ đến nhận
Trưa 16/9, bác sĩ Kim Phúc Thành, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Quận Thủ Đức, cho biết, bệnh viện đã cho gia đình nhận lại bé trai bị bỏ rơi khi kết quả ADN chứng minh quan hệ huyết thống.
Trước đó, giữa tháng bảy, người dân phát hiện một em bé chừng đầy tháng tuổi, sứt môi, mắt lồi, trước cổng chùa An Lạc. Ngoài chiếc áo đang mặc có in logo Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, bé không có bất kỳ giấy tờ, vật dụng tùy thân nào. Vào viện, bé nguy kịch, hôn mê sâu, nhịp tim và mạch rời rạc, trên cánh tay chi chít vết tiêm còn mới, cổ đặt sẵn ống nội khí quản (dụng cụ hỗ trợ hô hấp bằng máy thở).
Bệnh viện vừa điều trị, vừa chủ động liên hệ với các cơ sở y tế trong khu vực, đăng thông tin tìm kiếm người thân cho bé nhưng gần hai tháng không có hồi đáp. Đến ngày 24/8, gia đình biết thông tin con còn sống mới tìm đến Bệnh viện quận Thủ Đức. Mất hai tuần để hoàn tất các thủ tục giám định ADN, chứng minh nhân thân.
Theo bác sĩ bệnh viện, khi gặp lại con, anh Nguyễn Chánh Thức (26 tuổi, ngụ Vĩnh Long) kể, bé sinh non và mắc bệnh lý võng mạc ở trẻ sơ sinh nên gia đình đưa tới Bệnh viện Nhi Đồng 2 chữa trị. Tại đây, bác sĩ đã đề nghị bố hoặc mẹ ký vào biên bản xét nghiệm chọc dò tủy sống, tiên lượng tình trạng rất xấu. Nghĩ rằng bé không qua khỏi, lại thêm đau đớn khi phải chọc dò tủy sống nên gia đình xin đưa bé về nhà. Trên đường về, bé rất yếu, có lúc ngừng thở.
"Tôi cùng người anh ruột mang bé tới chùa An Lạc và gửi cho một ông tên Tâm nhờ lo hậu sự. Trong lòng tôi muốn con được thanh thản nơi cửa Phật, ngày đêm nghe tiếng gõ mõ, đọc kinh để ra đi một cách nhẹ nhàng", bác sĩ thuật lại lời người cha.
Vì sao gia đình đã "gửi cho ông Tâm lo hậu sự", nhưng hôm sau phật tử và trụ trì lại thấy bé bị bỏ rơi, cơ quan chức năng đang xác minh.
Các bác sĩ Bệnh viện Thủ Đức chia sẻ, họ rất thương và khâm phục sức sống mãnh liệt của bé. Bởi, dù rất yếu ớt, suốt một đêm nằm ngoài trời, không được hỗ trợ hô hấp nhưng bé vẫn tự thở qua ống nội khí quản.
"Mọi nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng khi hôm nay bé khỏe hơn, trở về trong vòng tay của bố mẹ", bác sĩ Thành nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Hà Phương, đại diện Đơn vị Hồi sức nhi, hiện tại em bé có nhiều bệnh nền như viêm phổi mạn, vàng da tắc mật, dị tật bẩm sinh, sinh non. Tròn hai tháng điều trị tích cực, tổng trạng bé cơ bản cải thiện. Cân nặng tăng 1 kg, đạt 2,5 kg. Tuy nhiên, bệnh phổi trở nên mạn tính, bé chỉ tự thở được vài ngày lại phải hỗ trợ thở máy trở lại. Lượng đàm nhớt trong phổi nhiều, khó kiểm soát dù được dùng kháng sinh tốt nhất.
"Tiên lượng bệnh nhi còn khá dè dặt về khả năng rút ống nội khí quản tự thở và điều trị bệnh nền", bác sĩ Phương nói.
Mỗi năm, Bệnh viện quận Thủ Đức tiếp nhận vài ca trẻ bị bỏ rơi tương tự. Có hai trường hợp, sản phụ đau bụng, vào khám, buộc mổ cứu thai. Em bé sinh non, suy hô hấp, thiếu cân phải tách mẹ chuyển lên Đơn vị Hồi sức nhi. Tuy nhiên, mẹ các bé lẳng lặng bỏ đi, để lại con. Các bác sĩ, điều dưỡng thay nhau chăm sóc, góp tiền mua sữa, áo quần. May mắn, quá trình điều trị các bé thuận lợi. Mọi bệnh lý do sinh non được kiểm soát tốt, bé hồi phục và phát triển tốt. Một bé được bà ngoại đón về, một bé không tìm thấy gia đình, chuyển đến trung tâm bảo trợ xã hội.
Thư Anh
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Virus viêm gan B ảnh hưởng đến thai phụ ra sao?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 30/09/2024
Virus viêm gan B ảnh hưởng đến thai phụ ra sao?