Giám đốc viện phụ sản: Tỷ lệ đẻ mổ tăng cao
Mổ đẻ là xu hướng chung trên nhiều quốc gia hiện nay. Ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, 50% là mổ đẻ, thuộc dạng trung bình, trong khi các nước khác, như Trung Quốc, tỷ lệ lên đến 70%. Thông tin được bác sĩ Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết ngày 18/7, nhân kỷ niệm 65 năm thành lập bệnh viện.
Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, 5 năm gần đây (2015 đến 2019), hơn 110.000 ca sinh nở tại bệnh viện, trong đó gần 68.000 là mổ đẻ, gấp đôi giai đoạn 10 năm trước.
Theo bác sĩ Cường, sở dĩ tỷ lệ mổ đẻ tại bệnh viện ngày càng tăng do đây là tuyến cuối, chủ yếu do bệnh lý của mẹ hoặc thai nhi, ở các nơi chuyển về. Có những trường hợp "con quý con hiếm" dọa đẻ non, thụ tinh trong ống nghiệm, thai chậm phát triển trong tử cung, hay các bệnh lý của bà mẹ như tiền sản giật, nhau cài răng lược... bắt buộc phải mổ lấy thai.
"Những bệnh lý đó khiến tỷ lệ đẻ mổ tương đối cao", bác sĩ Cường nói.
Mới đây bác sĩ Cường mổ cấp cứu cho một thai phụ mang thai lần hai 34 tuần, chuyển từ Thái Nguyên lên, bị sản giật ba lần trên ôtô. Khi bác sĩ bước chân đến cửa phòng khám cấp cứu thì thai phụ ngừng tim. Các bác sĩ cấp cứu giúp thai phụ hồi tỉnh, ông Cường chỉ kịp đi găng vào mổ ngay để cứu cháu bé. Chưa đầy một phút, em bé nặng 1,6 kg được bác sĩ đưa ra ngoài. Khi ấy, da em bé đã trắng bệch, người mềm nhũn, các bác sĩ lại cấp cứu, hồi sức đến khi bé khóc to, bác sĩ mới vỡ òa mừng rỡ. Người mẹ sau đó được bác sĩ cắt tử cung cầm máu, tình hình ổn định mới chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp.
"Thời gian sau, tôi nhận được thư cảm ơn của gia đình và thông báo hai mẹ con đều khỏe mạnh. Đây là một trong những ca sinh đáng nhớ của bệnh viện", bác sĩ Cường nói.
Bác sĩ Cường cho biết, ngoài lý do thai bệnh lý, thì ngày nay tỷ lệ chủ động mổ lấy thai theo yêu cầu cũng tăng cao. Nhiều gia đình mong muốn sinh con theo giờ, theo ngày. Ngoài ra, các biến chứng liên quan đến chuyển dạ cũng khó lường, với các trường hợp khó đẻ, các bác sĩ thường chuyển đẻ mổ, không kiên trì chờ sinh thường bởi áp lực sợ bệnh nhân chuyển biến xấu.
Khi một phụ nữ đẻ con đầu lòng bằng phương pháp mổ thì con thứ 2, thứ 3 chắc chắn phải mổ. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ đẻ mổ tăng lên, không thể giảm. Muốn giảm tỷ lệ mổ thai thì phải chăm sóc thai nghén tốt, theo dõi chuyển dạ tốt. Thai phụ phải hợp tác và bác sĩ cần kiên trì, cùng hỗ trợ, thống nhất với nhau trong suốt thai kỳ.
Tuy nhiên, các bác sĩ thường bị động do thai phụ khám thai ở nhiều chỗ. Ví dụ, ban đầu thai phụ khám ở bệnh viện rất tốt, nhưng thời gian sau khám ở nơi khác, lúc gần sinh lại đến bệnh viện mới phát hiện bị tiểu đường thai kỳ. Lúc này, các bác sĩ trở tay không kịp, bắt buộc phải đẻ mổ.
Vì vậy, các bác sĩ khuyên thai phụ nên theo dõi thai kỳ ở một cơ sở y tế nhất định, để các bác sĩ theo dõi nắm rõ tình hình, tư vấn, điều chỉnh phác đồ đúng thời điểm, tránh biến chứng xảy ra.
Bác sĩ Cường bày tỏ lo ngại khi tỷ lệ đẻ mổ gia tăng, bởi "đẻ thường tốt hơn rất nhiều". Em bé sinh thường phải trải qua một thời gian dài trong quá trình chuyển dạ, phổi hoạt động tốt, dịch phổi trào ra khi bé ra ngoài, tránh được tình trạng chậm tiêu dịch phổi. Về sau, hệ hô hấp của trẻ sẽ tốt hơn.
Ngoài ra, đẻ thường không gặp các biến chứng của sinh mổ như gây tây màng cứng, gây mê, chảy máu vết mổ sau đẻ. Trong quá trình chuyển dạ sẽ kích hoạt hệ thống nội tiết, sau sinh người mẹ có sữa nhiều. Thời gian hồi phục mẹ sau đẻ ngắn hơn.
"Đẻ thường có nhiều cái lợi, song theo dõi quá trình rất vất vả, đòi hỏi cả bác sĩ và thai phụ cần kiên trì", bác sĩ Cường nói.
Bác sĩ Cường cho biết, 33 năm công tác tại bệnh viện, ông đã chứng kiến rất nhiều thay đổi của bệnh viện. Từ một bệnh viện thời bao cấp chỉ dùng ống nghe bằng gỗ, không có máy siêu âm, khám thai chỉ bằng tai và tay, nay đã phát triển rất nhiều. Hiện, Bệnh viện phụ sản Trung ương có 1.350 giường bệnh. Các khoa phòng trung tâm của bệnh viện trang bị đầy đủ hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa huyết học, miễn dịch, dàn máy nội soi, vi phẫu... đã giúp các thầy thuốc chẩn đoán, xử trí chính xác.
Trước đây, hầu như trẻ đẻ non nặng 1,5 kg đều khó sống sót. Nay bệnh viện đã nuôi sống trẻ chỉ nặng 0,5 kg.
2020 đánh dấu 65 năm hình thành và phát triển của bệnh viện. Sắp tới bệnh viện xây dụng khu dịch vụ cao cấp tiêu chuẩn 5 sao, phát triển chuyên sâu một số ngành như chẩn đoán trước sinh, thụ tinh ống nghiệm, mở thêm một số ngành mới như chăm sóc sức khỏe sinh sản nam giới, dịch vụ chăm sau sau sinh và tiền mãn kinh.
Lê Nga
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/11/2024
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội