GS.TS Nguyễn Gia Bình: Có nhiều nguy cơ khi trẻ bị bỏ quên trong môi trường đóng kín
Nguy cơ sốc nhiệt trong môi trường bị đóng kín
Vụ việc cháu bé bị bỏ quên trên xe ô-tô ngày hôm qua gây hoang mang dư luận. Theo GS, TS Nguyễn Gia Bình, khi trẻ bị bỏ quên trên ô-tô, sẽ có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ nguy hiểm đến tính mạng.
Trong môi trường đóng kín như ô-tô sẽ dẫn tới thiếu ô-xy và tăng CO2. Khi CO2 tăng dần mà không có thông gió thì nguy cơ thiếu ô-xy rất cao, làm ảnh hưởng tới chuyển hóa của cơ thể. Trong trường hợp này, khi trẻ bị bỏ quên trên xe với thể tích xe lớn, khả năng thiếu ô-xy không cao nên đây không phải là nguyên nhân chính dẫn tới việc cháu bé có thể tử vong.
GS Bình nhận định rằng, nguy cơ lớn nhất dẫn tới việc tử vong trong trường hợp này là do bị sốc nhiệt. Trong môi trường bị đóng kín, nhiệt độ trong xe ô-tô tăng cao, sự tích lũy nhiệt trong ô-tô rất lớn và rất nhanh.
GS Bình cho biết, các tế bào trong cơ thể cần có môi trường nhiệt độ nhất định, duy trì khoảng 37 độ C. Nếu nhiệt độ giảm dưới 35 độ C hoặc hơn 39 độ C sẽ ảnh hưởng tới chuyển hóa của các tế bào. Khi nhiệt độ tăng, cơ thể đào thải nhiệt bằng cách bay hơi nước qua mồ hôi hoặc qua đường thở, hơi nước bay đi sẽ mang theo một lượng nhiệt làm giảm nhiệt độ toàn thân, ngược lại khi bị hạ thân nhiệt cơ thể sẽ co mạch ngoại vị, run.. để giữ lại nhiệt cho cơ thể.
"Sốc nhiệt là khi nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 39-40 độ. Lúc này cơ chế điều hòa nhiệt không còn tác dụng, cơ thể sẽ mệt, mất nước, cô đặc máu, sốc, rối loạn đông máu dẫn đến rối loạn chuyển hóa trong tế bào ở tất cả các cơ quan, đặc biệt là tổn thương ở não, tim, cơ, thận", GS Bình nói.
Cũng theo GS Bình, khi trẻ bị bỏ quên trên xe một mình có thể gặp hoảng loạn về tâm lý và đói lả, hạ đường huyết.
Nhiều sai lầm dẫn tới sốc nhiệt
GS Bình cho biết, tình trạng bị sốc nhiệt khi làm việc dưới thời tiết nắng nóng hoặc trong môi trường bị đóng kín không hiếm. Trong trường hợp như thế, dân gian hay gọi là cảm nắng.
Khi bị cảm nắng, sốc nhiệt, mọi bộ phận trên cơ thể đều bị ảnh hưởng. Thí dụ khi nóng nắng bị mất nước thì mạch máu bị cô đặc lại và không đủ dòng chảy lưu thông, mang ô-xy đến mọi nơi. Khi thể tích tuần hoàn trong lòng mạch không đủ tưới máu dẫn tới mọi cơ quan trong cơ thể đều bị ảnh hưởng. “Khi máu đông đặc, chậm cung cấp ô-xy, gluco cho cơ thể làm các tế bào bị ốm. Lúc này, cơ thể giải phóng các chất toan chuyển hóa gây tăng kali máu. Đặc biệt, não tiêu thụ năng lượng nhiều và không dự trữ nên khi não bị tổn thương rất khó hồi phục”, GS Bình phân tích.
Trong thời tiết nắng nóng, những người làm việc dưới ánh nắng mặt trời (nông dân, công nhân trên các công trường xây dựng, hầm lò, giao thông, hoặc tập luyện dưới trời nắng nóng như vận động viên , các lực lượng vũ trang...) dễ gặp tình trạng sốc nhiệt hơn.
GS Bình khuyến cáo, đối với mọi người khi làm việc ở môi trường ngoài trời nắng nóng, hoặc trong không gian chật hẹp, nhiệt độ tăng cao thì khi có dấu hiệu mệt cần phải ngừng làm việc ngay lập tức. Dấu hiệu nhận biết bệnh lý là thấy đỏ da, sờ người nóng, chóng mặt, lẫn lộn, chuột rút, hôn mê... nếu không được sơ cấp cứu kịp thời có thể sẽ bị tử vong.
GS Bình cũng chỉ ra sai lầm của một số gia đình hiện nay là khi bật điều hòa trong phòng ngủ kín, không có thông gió là một sai lầm. Khi đó, thể tích CO2 trong phòng sẽ tăng lên, ô-xy giảm đi dẫn tới ảnh hưởng giấc ngủ, gây mệt mỏi vào sáng sớm. Nhiều gia đình đi ô-tô chặng đường dài cũng không chú ý lấy khí trời để thông khí. Vì thế, nếu các gia đình lưu thông bằng ô-tô nên khoảng một giờ đồng hồ phải mở cửa kính để thay đổi không khí trong xe.
"Khi đỗ xe ô-tô, nên đậu xe dưới bóng mát. Đặc biệt, các bậc phụ huynh không nên để con trong ô-tô trong thời gian dù ngắn để tranh thủ mua đồ vì thực tế, ngồi trong ô-tô có điều hòa làm mát không khí trong xe, nhưng ô-xy trong xe sẽ giảm dần do đóng kín cửa, không tốt cho sức khỏe", GS Bình cho hay.
Để sơ cứu người bị sốc nhiệt tại chỗ, cần phải cởi bỏ quần áo, quạt mát, đắp khăn ướt (nếu có nước lạnh càng tốt), cho nạn nhân uống nhiều nước. Trong một số trường hợp, các bác sĩ sẽ truyền dịch lạnh để cấp cứu, tuy nhiên hiệu quả sẽ rất hạn chế nếu đã có tổn thương não. Vì vậy cần hết sức chú ý khi hoạt động dưới trời nắng nóng , uống đủ nước và sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường để xử trí kịp thời.
Theo THIÊN LAM - NDĐT
Đọc tiếp cùng chuyên mục
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/11/2024
Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024
Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024
Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội
Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024
Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội