Khó khăn trong dạy và học trực tuyến

Năm học mới đã bắt đầu, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, cho nên các em học sinh sẽ học trực tuyến. Tại một số địa bàn khó khăn, nhiều em chưa có đủ thiết bị để học trực tuyến đã được chính quyền địa phương và nhà trường có nhiều hình thức giúp đỡ để các em tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học.
Khó khăn trong dạy và học trực tuyến
Giờ học trực tuyến của các em học sinh TP Vinh (Nghệ An). Ảnh: ĐỨC ANH

 

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức dạy và học trực tuyến cho học sinh được coi là phương án tối ưu. Tuy nhiên, một trong những vấn đề nan giải nhất trong việc học online là tình trạng nhiều học sinh ở địa bàn khó khăn còn thiếu phương tiện, thiết bị để học tập.

Hiệu trưởng Trường THCS Nga Giáp (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) Mai Thế Kính chia sẻ, trường vừa tu sửa lại, phun khử khuẩn các phòng học, chuẩn bị đón học sinh tựu trường thì địa phương xuất hiện ổ dịch trong cộng đồng, phải thực hiện giãn cách xã hội toàn huyện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng việc dạy và học trực tuyến khó khả thi. Hiện chỉ có khoảng 50% số học sinh của trường tiếp cận được phương thức học tập này, số học sinh còn lại do gia đình khó khăn, chưa thể mua sắm được điện thoại thông minh (ĐTTM) hoặc máy tính cùng thuê bao internet cho con em học tập. Nhà trường hy vọng sau khoảng 10 ngày nữa hết giãn cách xã hội, học sinh có thể đến trường học bình thường.

Năm học này, gần 1.200 học sinh xã Thanh Mỹ (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) cùng các thầy, cô giáo đã sẵn sàng tâm thế để vừa thực hiện phòng, chống dịch, vừa dạy, học trực tuyến. Hiệu trưởng Trường tiểu học Thanh Mỹ Đoàn Văn Thận cho biết, các giáo viên của trường đã dạy thử thành công chương trình online, nhưng qua khảo sát, có hơn 110 học sinh (chiếm gần 15% học sinh toàn trường) không có máy tính hoặc ĐTTM. Sau khi vận động các gia đình và nhà hảo tâm giúp đỡ, có thêm 30 em có ĐTTM. Nhà trường vận động các em còn thiếu thiết bị học ghép với các em có máy tính hay ĐTTM, bảo đảm hai em dùng chung một máy.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) huyện Thanh Chương Trần Xuân Hà cho biết, sau khi vận động phụ huynh mua sắm và kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ, đến nay trong số gần 13 nghìn học sinh THCS và hơn 20 nghìn học sinh tiểu học ở huyện còn lần lượt 18% và 27% học sinh chưa có máy tính và ĐTTM. Phòng GD và ĐT hướng dẫn các trường ghép các em này học chung với các em có máy tính hay ĐTTM. Các trường lập nhóm học sinh, phụ huynh và giao nhiệm vụ cụ thể cho nhóm giáo viên phụ trách để tổ chức dạy theo hình thức khác như giao bài giảng, phát phiếu hướng dẫn học, bài tập qua mạng Zalo, Messenger hoặc phối hợp Đoàn Thanh niên xã để in bài, giao đến tận tay học sinh…

Giám đốc Sở GD và ĐT Nghệ An Thái Văn Thành cho biết, để tạo điều kiện cho việc dạy và học trực tuyến bảo đảm chất lượng, Sở đã làm việc với các nhà mạng để hoàn thiện hệ thống LMS - Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh. Do số lượng học sinh của tỉnh rất lớn, địa bàn rộng, cho nên ngoài máy chủ với băng thông rộng, ngành giáo dục còn chia khung giờ học giữa các bậc học để hạn chế nghẽn mạng, bảo đảm chất lượng đường truyền.

Ngoài việc thiếu thiết bị, còn một vấn đề đáng lo ngại nữa là tại không ít vùng quê, nhiều em nhỏ hiện đang sống với ông bà hoặc người thân, do cha mẹ bận công tác hoặc đi làm ăn xa, không có người kèm cặp khi học, nhất là đối với những em đầu cấp tiểu học, chưa có ý thức tự học.

Chị Lê Thị Quý ở xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, chồng chị công tác xa nhà, bản thân chị là nhân viên y tế đang tham gia chống dịch Covid-19, không có thời gian kèm con khi học trực tuyến. Để khắc phục những vấn đề nêu trên, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Anh cho biết, Sở đã chỉ đạo các trường rà soát, phân thành ba nhóm để có giải pháp tổ chức dạy học phù hợp, đạt hiệu quả.

Khó khăn trong dạy và học trực tuyến
Cán bộ Huyện đoàn Thạch Hà (Hà Tĩnh) hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NGÔ TUẤN

Nhóm 1 gồm các em có phương tiện học tập, sẽ học trực tuyến từ thứ hai đến thứ bảy, trong đó học sinh THPT học từ 7 giờ đến 11 giờ, học sinh THCS học từ 14 giờ đến 17 giờ hằng ngày. Nhóm 2 gồm những em không thể học trực tuyến nhưng có phụ huynh kèm cặp, các giáo viên chuyển tài liệu học tập cho các em thông qua tin nhắn SMS, Vnedu, qua Zalo, Facebook hoặc gửi tài liệu đến học sinh. Nhóm 3 gồm những em không có thiết bị học trực tuyến và phụ huynh không kèm cặp được, nhà trường cùng chính quyền địa phương huy động sự giúp đỡ từ hội viên Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Ban Công tác mặt trận thôn... và phân công giáo viên kèm cặp; phát động phong trào "Đôi bạn cùng tiến" để giúp đỡ các em học tập.

Tại nhiều địa bàn dịch đang diễn biến phức tạp, việc triển khai dạy và học trực tuyến không thực hiện được do điều kiện cơ sở vật chất chưa cho phép. Trưởng phòng GD và ĐT huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) Lường Thị Thắm cho biết, trên địa bàn huyện có 818 trường hợp F0, F1, F2 là giáo viên, học sinh đang thực hiện cách ly. Ngoài ra, có 196 bản chưa có internet, gia đình của 2.770 học sinh có ti-vi nhưng không bắt được kênh truyền hình Sơn La. Do vậy, việc triển khai học trực tuyến không thực hiện được.

Cô giáo Hoàng Thị Thư, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Huy Thượng chia sẻ: Qua rà soát cho thấy chỉ có 84 học sinh (chiếm 34%) số học sinh THCS có thể sử dụng mạng Zalo để nhận bài tập từ giáo viên và trao đổi thông tin với nhà trường. Trong khi đó, đối với 137 học sinh bán trú thuộc bản đặc biệt khó khăn Núi Hồng thì không thể triển khai được cả việc dạy và học trực tuyến hay gửi bài qua mạng Zalo, bởi bản Núi Hồng chưa có mạng internet. Do vậy, trước mắt nhà trường sẽ phối hợp các gia đình quản lý các em an toàn trước dịch Covid-19, khi dịch ổn định, trường sẽ có kế hoạch tổ chức dạy, ôn tập bù cho các em.

Huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn hiện đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũ Hồng Khanh cho biết, huyện có 53 trường từ bậc mầm non đến THPT với 9.614 học sinh không thể tham dự khai giảng năm học mới. Chỉ có Trường THCS thị trấn Na Sầm ở trung tâm huyện có điều kiện hơn thì tổ chức được việc dạy và học trực tuyến ngay sau ngày khai giảng.

Ở huyện vùng cao, giáp biên giới, việc học trực truyến còn nhiều bất cập do hệ thống mạng internet chưa ổn định, học sinh ở cách trường học hơn 10 km, nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo thiếu các điều kiện, phương tiện để các em học trực tuyến. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo huyện Văn Lãng lùi thời điểm bắt đầu năm học mới cho đến khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát.

Lãnh đạo Sở GD và ĐT Nghệ An cho biết, thống kê cho thấy 90% học sinh các huyện đồng bằng có điều kiện học trực tuyến, nhưng ở các huyện miền núi, con số này chỉ đạt khoảng 60%. Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các phòng GD và ĐT yêu cầu các nhà trường phải nắm bắt tình hình, đặc điểm hoàn cảnh của từng học sinh và gia đình các cháu để có phương án hỗ trợ. Riêng với khu vực miền núi sẽ phối hợp giữa dạy- học trực tuyến và trực tiếp...

Với học sinh lớp 1 và lớp 2, Sở đã giao Phòng GD và ĐT thành phố Vinh và một số huyện, thị xã tổ chức các bài giảng mẫu và tạo thành hệ thống học liệu cho học sinh. Ngành cũng triển khai những bài học đơn giản để các em làm quen với việc đi học từ việc cầm bút, cách ngồi, cách phát âm...

Phó Giám đốc Sở GD và ĐT tỉnh Thanh Hóa Tạ Hồng Lựu cho biết, trên địa bàn có bốn huyện, thành phố và một số xã, thị trấn, khu phố, thôn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian 7 đến 15 ngày. Hy vọng hết thời hạn giãn cách với huyện muộn nhất là ngày 15/9, cấp xã, thị trấn là ngày 18/9, thầy cô, học sinh có thể tựu trường để học tập trung, tăng thời lượng dạy học để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình giáo dục. Các phòng giáo dục, cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với tình hình dịch.

Năm học mới có không ít khó khăn, nhưng với sự chủ động, đồng lòng chung sức của ngành giáo dục và chính quyền các cấp, thầy trò tại các địa bàn khó khăn sẽ hoàn thành mục tiêu kép, vừa thực hiện tốt dạy và học, vừa tích cực phòng, chống và đẩy lùi dịch Covid-19.

 
HƯƠNG CHÂU, TRÁNG LUẬN và NGỌC ANH TUẤN

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?

Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?

Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/11/2024

Trẻ bị bỏng có nên bôi mỡ trăn?

Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời

Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời

Hướng dẫn nuôi dạy con - 23/10/2024

Đau dữ dội vùng bẹn trái, nam sinh 15 tuổi được phẫu thuật "cứu" tinh hoàn kịp thời

Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn

Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn

Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024

Nam sinh đau đớn vùng kín phải nhập viện vì tò mò tuổi mới lớn

Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm

Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm

Hướng dẫn nuôi dạy con - 08/10/2024

Thủ tướng: Sớm công bố đề thi tốt nghiệp THPT tham khảo ổn định trong nhiều năm

Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội

Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội

Hướng dẫn nuôi dạy con - 04/10/2024

Đình chỉ cô giáo thân mật với nam sinh trong lớp học tại Hà Nội

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới