“Bố mẹ ơi sao mãi chưa học thế, sao lâu đến lượt con thế”
Đó là những câu hỏi mà vợ chồng anh Nguyễn Hải Chính liên tục nhận được từ cậu con trai lớn trong buổi học lớp 1 trực tuyến đầu tiên của con.
Anh Nguyễn Hải Chính chia sẻ, con trai anh học lớp 1, Trường Tiểu học Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. Buổi học trực tuyến đầu tiên của con trai anh được cô giáo thông báo sẽ bắt đầu vào 19 giờ 30 phút kéo dài đến 21 giờ, tối 6/9, qua ứng dụng Zoom.
Nhưng đến khoảng 20 giờ thì buổi học mới được bắt đầu do một vài trục trặc và phải chờ một số phụ huynh cho con vào học muộn. Cô giáo mở đầu buổi học bằng một bài hát nhưng do chất lượng đường truyền, các cháu gần như không nghe được nội dung bài hát như thế nào.
Sau đó là đến phần giới thiệu giữa cô và trò. Cô giới thiệu trước, các cháu lần lượt giới thiệu theo danh sách lớp. Cả lớp có 50 cháu, nửa tiếng trôi qua, mới có 20 cháu giới thiệu xong. Con trai anh ban đầu rất háo hức sau dần chuyển sang mất tập trung, liên tục hỏi sao lâu đến lượt con thế mà con trai anh trong thứ tự danh sách lớp mãi thứ 41.
“Cháu nhà tôi liên tục hỏi đến lượt con chưa, sao lâu đến lượt con thế. Bao nhiêu háo hức bị tan dần sau 30 phút chờ đợi ban đầu rồi đến 30 phút nghe các bạn giới thiệu với chất lượng âm thanh không được tốt”, anh Chính chia sẻ.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với nhiều bạn nhỏ lớp 1 khác. Lớp đông, học trong một buổi, lại là buổi đầu làm quen, cần giới thiệu với nhau, cho nên nhiều bé ở cuối lớp trong danh sách đã sốt ruột, không thể chờ được.
Chị Nguyễn Thị Vân Anh, phụ huynh bé Trần Minh Tuấn Anh cho hay: “Bé nhà tôi chờ đến lượt lâu quá nên mếu máo đòi ra ngoài chơi đồ chơi và xem hoạt hình, mẹ phải dỗ mãi mới chịu ngồi tiếp”.
Chị Ngô Thu Hà, phụ huynh bé Đặng Phương Uyên (Trường Tiểu học Nghĩa Tân) chia sẻ: “Lớp con tôi khá đông, gần 60 bé, riêng việc lập trật tự cho các bé cũng đã mất thời gian. Thời gian học là gần 2 tiếng đồng hồ, nhiều bạn chán quá đã chuyển sang xem hoạt hình”.
“Cô giáo đâu rồi”
Với các bé lớp 1, lần đầu tiên làm quen với không khí lớp học, sách vở, vừa bỡ ngỡ vừa háo hức. Chị Trần Ngọc Trâm, phụ huynh bé Nguyễn Vũ Ngọc Linh, trường Tiểu học Xuân La cho biết: “Buổi học đầu tiên, các bé trong lớp con tôi tâm lý chung là khá háo hức, nhất là khi cô cho các bạn tự giới thiệu, và cho chơi một số trò chơi tương tác để các bé ghi nhớ về mình và về lớp. Lúc đầu, các bé hơi ồn vì bé nào cũng háo hức chào cô và muốn cô gọi tên mình”. Tuy nhiên, chị Trâm cho biết, chất lượng mạng Internet trong buổi học rất kém nên phòng học bị gián đoạn một vài lần, và mỗi lần cô giáo bị out, các bé lại nhớn nhác hỏi: “Mẹ ơi, cô giáo đâu rồi”.
Chị Phùng Thu Trang, phụ huynh bé Minh Khang, lớp 1A6, Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm cho biết lớp học của bé cũng không ngoại lệ. Cô giáo bị mất tín hiệu đường truyền; gia đình một số bạn cũng bị thoát ra và khó khi kết nối lại. Vì thế cả cô và trò lớp 1A6 đã không thể tập trung xuyên suốt buổi học. Lớp học của con nhà chị Ngô Thu Hà cũng gặp tình trạng tương tự như vậy khi đường truyền mạng liên tục mất kết nối, cô giáo cũng bị thoát khỏi phòng học vài lần trong một buổi học.
Tình trạng đường truyền mạng không ổn định xảy ra khá phổ biến ở các buổi học trực tuyến, bất kể giờ sáng, chiều hay tối. Anh Nguyễn Hải Chính chia sẻ: “Thật đáng lo ngại khi học trực tuyến mà đường truyền mạng không ổn định. Điều này sẽ là rào cản lớn với các bạn lần đầu tiên tiếp xúc với thiết bị điện tử thông minh để học. Liệu các con sẽ phải kéo dài việc học trực tuyến đến khi nào? Và trong quá trình học như hiện nay, các con có thể nắm được kiến thức lâu như học trực tiếp trên ghế nhà trường hay không? Đây chắc hẳn không chỉ là câu hỏi của cá nhân tôi về việc học này. Tôi hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát để các con có thể được đến trường, gặp gỡ bạn bè, cô giáo; được học tập trực tiếp để đạt được hiệu quả tốt nhất!!”
Phụ huynh vượt khó
Lớp 1 học trực tuyến đồng nghĩa với việc bố mẹ cũng phải sát cánh cùng con trong các buổi họp, vừa để hỗ trợ các bé trong việc sử dụng thiết bị, vừa để đồng hành cùng cô giáo trong việc học tập của con. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc lựa chọn lịch học, giờ học sao cho phù hợp với lịch của bố mẹ và lịch sinh hoạt trong gia đình. Mặc dù trong thời gian giãn cách, một số phụ huynh vẫn phải đi làm, cho nên khi cô giáo chọn giờ học cũng phải dựa trên yêu cầu của phần lớn phụ huynh. Chính vì thế, hầu hết các buổi học diễn ra vào buổi tối, khoảng từ 19 giờ - 19 giờ 30 đến 21 giờ - 21 giờ 30.
Tuy nhiên, đối với những gia đình có 2, 3 bé trở lên cùng học online vào một giờ, việc chia sẻ thiết bị là không dễ, khi không phải gia đình nào cũng có điều kiện sở hữu vài thiết bị điện tử thông minh. Chị Ngô Thu Hà chia sẻ: “Gia đình tôi chỉ có một máy tính để bàn, phải mua thêm camera rời để phục vụ việc học online của con gái lớn đang học lớp 5. Còn con gái bé năm nay vào lớp 1, tôi phải cho cháu sử dụng điện thoại thông minh của tôi”.
Gia đình chị Trần Thị Nhài (KĐT Thanh Hà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) năm nay có hai bé vào lớp 1, một là con gái, và một là cháu do bố mẹ phải ở lại nơi làm việc nên sang ở cùng. Chị kể: “Do học khác lớp nên các con học bằng hai thiết bị khác nhau, nhưng vì ở chung cư không có nhiều không gian riêng, hai cháu cùng học ở phòng khách nên sự tập trung của các con không được nhiều. Nhiều khi đang học ở máy này con lại nhảy sang ngó xem chị hoặc em học thế nào. Có khi đang học hai chị em lại quay sang chành chọe nhau khiến người lớn phải can thiệp cho nên buổi đầu học trực tuyến phần lớn không hiệu quả”.
Học trực tuyến phù hợp với tình trạng dịch bệnh phức tạp kéo dài, những bỡ ngỡ ban đầu của các bé lớp 1 rồi sẽ qua đi, các bé sẽ nhanh chóng bắt quen với việc học tập mới này, nhưng không phụ huynh nào mong muốn việc học trực tuyến này kéo dài cả. Như lời chia sẻ của các phụ huynh: “Tôi hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát để các con có thể được đến trường, gặp gỡ bạn bè, cô giáo; được học tập trực tiếp để đạt được hiệu quả tốt nhất!” (chị Phùng Thu Trang).