Lựa chọn sinh tử của người mẹ hiếm muộn mang tam thai

HƯNG YÊN - Một ngày tháng 8/2020, ở hành lang bệnh viện, chị Tỉnh run run đưa kết quả siêu âm tam thai cho chồng, hỏi "giữ cả hay bớt".

Hít thật sâu, anh Đoàn nắm chặt lấy tay vợ. Hơn ai hết, anh hiểu lựa chọn lúc này hoặc bảo vệ được các con nhưng nếu không may cũng sẽ mất tất cả. Giây phút ấy, đến nay gần một năm, anh chị vẫn nhớ trọn vẹn, bởi sau 5 năm mong sinh một mục con, họ có tin vui song cũng là nỗi lo bởi mang thai một lúc 3 đứa trẻ.

Anh Đoàn nhớ lại, khi ấy đắn đo hồi lâu, hai vợ chồng quyết định giữ lại cả ba thai. Anh tự nhủ "phải chăm chỉ là việc hơn" để có tiền gánh vác đại gia đình. Thương con, thương chồng, chị Tỉnh tự động viên mình phải bồi bổ thêm để có sức khỏe tốt.

Tiếp đó là chuỗi ngày rong ruổi vừa đi viện theo dõi vừa vượt qua những áp lực tinh thần, bởi ai cũng tư vấn là bỏ, không nên giữ. "Không khí gia đình cứ như có tang còn trái tim tôi như bị ai bóp nghẹt", anh nói.

Ngày 11/3, ba bé chào đời, khỏe mạnh. Hai anh được đặt tên là Minh Khôi, Minh Khang đều nặng 2,2 kg, còn em út Minh Ngọc nặng 2,3 kg. Khoảnh khắc này in sâu trong ký ức hai vợ chồng sau gần 9 tháng phập phồng sống trong sợ hãi. Ngôi nhà nhỏ của chị Tỉnh từ đó tất bật và rộn ràng hơn sau nhiều năm vắng tiếng cười trẻ thơ.

Vô sinh, hiếm muộn có nhiều nguyên nhân như tinh trùng yếu, kém, tỷ lệ dị dạng cao hoặc rối loạn buồng trứng, tắc vòi trứng bệnh tử cung, rối loạn phóng noãn (rụng trứng), niêm mạc tử cung mỏng hoặc viêm lộ tuyến... Trong các cặp vợ chồng vô sinh, 40% do vợ, 30% do chồng, 20% do cả hai và 10% không rõ nguyên nhân.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận Việt Nam là một trong những quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp và vô sinh cao. 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản đang đối mặt với hiếm muộn. Ước tính cả nước hiện nay có trên một triệu cặp vợ chồng hiếm muộn cần khám và điều trị.

null

Ba bé Minh Khôi, Minh Khang và Minh Ngọc chào đời ngày 11/3, tất cả đều khỏe mạnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Nguyễn Thị Tỉnh 25 tuổi và anh Trần Văn Đoàn 32 tuổi, kết hôn năm 2016 nhưng mãi vẫn chưa có tin vui. Cuối năm, cả hai từ Hưng Yên lên Hà Nội khám, phát hiện chồng bị tinh trùng yếu nên không thể mang thai tự nhiên.

"Họ nói tôi là 'cây độc không trái', 'không biết đẻ' còn anh xã là con trai trưởng nên nhiều lúc vì mong ngóng, sốt ruột mà hai vợ chồng to tiếng, cãi cọ", chị Tỉnh kể lại.

Đầu năm 2020, hai vợ chồng đến Bệnh viện Bưu điện, Hà Nội, để làm thụ tinh ống nghiệm. Không dám kỳ vọng quá nhiều vào lần đầu tiên nhưng có lẽ vì thế mà anh chị tinh thần thoải mái, đón tin vui sớm hơn mong đợi. Chị có thai ngay lần chuyển phôi đầu tiên. Song, hành trình mang thai lại khó khăn ngoài tưởng tượng.

Chị kể "21 ngày sau chuyển phôi thì phát hiện mang tam thai". Bác sĩ tư vấn giảm số thai, vì mang mang thai ba rất nhiều biến chứng. Khác với sự bế tắc của chị, anh Đoàn kiên quyết không muốn bỏ đứa con nào. "Thiên chức làm bố mẹ không cho phép chúng tôi từ bỏ con nhưng nguy cơ mất cả ba cũng không thể loại trừ", anh nói.

"Bác sĩ nói nếu giữ cả ba thì người mẹ phải có tinh thần thép. Tôi ban đầu cũng sợ nhưng khi nghe được tim thai của con, biết mầm sống đang hiện hữu trong người thì tôi đã vững tin hơn rất nhiều", chị Tỉnh tiếp lời.

Đến 11 tuần, chị siêu âm, phát hiện một bé có khoảng sáng sau gáy cao, nguy cơ thai nhi dị tật down lớn. Thời gian đó, chị Tỉnh xác định tư tưởng "nếu có bất thường và bắt buộc phải bỏ thì chúng tôi cam lòng bởi không muốn con sinh ra bị dị tật, khổ cả một đời".

Đến 19 tuần thai, chị bị ra máu, phải đi cấp cứu do cổ tử cung mở, bác sĩ yêu cầu nhập viện, nằm dưỡng thai. Lại một lần nữa, gia đình đứng giữa ranh giới sinh tử song lần này nguy hiểm hơn khi nguy cơ không chỉ đổ dồn lên ba đứa con mà cả tính mạng người mẹ.

"Tự nhiên, lúc đó mình thấy hối hận, không biết mình có sai lầm rồi làm mất cơ hội của các con không", chị chậc lưỡi, kể.

May mắn 5 tuần sau, tình trạng chị ổn định, cổ tử cung đóng. Chị tiếp tục nằm theo dõi ở viện cùng mẹ còn chồng đi làm để trang trải viện phí.

null

Chị Tỉnh tăng 30 kg trong suốt thai kỳ, phải nằm hậu phẫu sau sinh để theo dõi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tết 2021 là cái tết xa nhà đầu tiên, không bị mọi người dòm ngó chuyện con cái nhưng chị lại không ở cạnh chồng. Thời điểm đó, khu vực nhà chị bị phong tỏa do liên quan đến một ca Covid-19 khiến hai vợ chồng bị ngăn cách. Hoàn cảnh bắt buộc, chị không biết làm gì ngoài tự động viên mình.

Đến 33 tuần thai, chị bị phù chân. Cả thai kỳ chị tăng từ 75 kg lên 105 kg, huyết áp tăng, có nguy cơ tiền sản giật. Khi đó, mỗi thai nhi nặng ước chừng trên 2 kg theo kết quả siêu âm, có thể phải mổ gấp nhưng chị vẫn muốn kéo dài thêm để con cứng cáp hơn.

Một tuần sau, bác sĩ chỉ định mổ chủ động. "Vừa mừng, vừa lo", đêm trước đó chị không chợp mắt nổi. Rạng sáng chị lên bàn mổ, gây tê, theo dõi toàn bộ cuộc mổ, nhìn các con lần lượt chào đời, khóc to, đủ nếp đủ tẻ.

"Bác sĩ nói đùa tôi đặt tên là rau, củ, quả cho dễ gọi rồi cả phòng mổ vang tiếng cười, ai cũng thở phào nhẹ nhõm vì cuộc mổ thành công", chị nhớ lại.

Sau sinh, ba bé khỏe mạnh không phải nằm phòng sơ sinh, còn chị phải nằm hậu phẫu, theo dõi hồi sức do bị huyết áp cao. Cuối tháng 3, chị xuất viện về nhà. Từ đó là chuỗi ngày tất bật, quay cuồng với bỉm sữa. "Có khi ba đứa nhỏ cùng khóc, cùng thay bỉm rồi ăn. Ba người lớn gồm chị, mẹ và chồng cùng chăm sóc mà nhiều lúc vã mồ hôi hột", anh Đoàn nói.

Từ ngày sinh con, chị Tỉnh, anh Đoàn không còn khái niệm ngày đêm, không có giờ giấc, không có lịch trình. Anh Đoàn vốn đang quen với cuộc sống "như thời son rỗi", phải thức giấc nửa đêm, sáng sớm phụ chị trông con, thay bỉm.

null

Nằm phòng hồi sức sau sinh, chị vẫn chưa tin mình hạ sinh thành công ba bé. Chị chụp lại thẻ tên của mẹ và con để làm kỷ niệm. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhớ lại những năm rong ruỗi khắp nơi tìm cách sinh con, anh Đoàn cười nói lĩnh vực hiếm muộn đã đọc không thiếu tài liệu nào, "giờ cứ như chuyên gia". Giờ nỗi lo lớn nhất của anh là kinh tế, cơm áo, gạo tiền phải gấp ba gia đình khác để nuôi các con nên người.

Nói xong, anh đứng dậy ra nhà sau giặt nốt chậu quần áo rồi chuẩn bị bữa trưa, vì "vài hôm nữa đi làm lại không giúp được gì". Vừa làm, vừa canh các con, nghe thấy tiếng khóc là chạy vào.

"Trộm vía Bi, Bon, Bông rất ngoan, không khóc đêm. Nhìn các con ngủ say sưa bên cạnh mình lúc này, tôi vẫn thầm cảm ơn cuộc đời và cảm ơn chính mình vì đã không bỏ cuộc", chị Tỉnh tiếp lời chồng.

Thùy An

Đọc tiếp cùng chuyên mục

Cứu sống cháu bé 14 tuổi bị thủng tim, phổi

Cứu sống cháu bé 14 tuổi bị thủng tim, phổi

Hướng dẫn nuôi dạy con - 14/03/2024

Cứu sống cháu bé 14 tuổi bị thủng tim, phổi

Giữ thai thành công cho sản phụ làm IVF 21 tuần dọa sảy, ối thõng âm đạo

Giữ thai thành công cho sản phụ làm IVF 21 tuần dọa sảy, ối thõng âm đạo

Hướng dẫn nuôi dạy con - 06/03/2024

Giữ thai thành công cho sản phụ làm IVF 21 tuần dọa sảy, ối thõng âm đạo

3 lý do khiến bệnh sởi dễ bùng dịch sau Tết

3 lý do khiến bệnh sởi dễ bùng dịch sau Tết

Hướng dẫn nuôi dạy con - 05/03/2024

3 lý do khiến bệnh sởi dễ bùng dịch sau Tết

Mổ gấp để cứu sống trẻ sơ sinh dị tật bẩm sinh phức tạp

Mổ gấp để cứu sống trẻ sơ sinh dị tật bẩm sinh phức tạp

Hướng dẫn nuôi dạy con - 29/02/2024

Mổ gấp để cứu sống trẻ sơ sinh dị tật bẩm sinh phức tạp

Nữ bác sĩ chắt chiu cơ hội sống cho các thai nhi

Nữ bác sĩ chắt chiu cơ hội sống cho các thai nhi

Hướng dẫn nuôi dạy con - 28/02/2024

Nữ bác sĩ chắt chiu cơ hội sống cho các thai nhi

Bảng thống kê bệnh nhân nhiễm bệnh nCoV các quốc gia trên thế giới